Chủ trương xã hội hóa việc biên soạn sách giáo khoa (SGK) là điểm son của Luật Giáo dục 2019, có hiệu lực từ ngày 1-7-2020. "Mỗi môn học có một hoặc một số SGK; thực hiện xã hội hóa việc biên soạn SGK; việc xuất bản SGK thực hiện theo quy định của pháp luật" (điều 32, khoản 1, mục b Luật Giáo dục 2019) được cho là xuất phát từ thực tiễn và phù hợp với yêu cầu đổi mới giáo dục.
Thực hiện xã hội hóa nửa vời
Thế nhưng, chủ trương vừa hé mở - cũng ngay điều 32, khoản 2 - đã vội vàng khép lại bằng quy định: "Hội đồng Quốc gia thẩm định SGK do bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) thành lập theo từng môn học, hoạt động giáo dục ở từng cấp học để thẩm định SGK (...)".
Khoản 3 quy định tiếp: "Bộ trưởng Bộ GD-ĐT chịu trách nhiệm về SGK giáo dục phổ thông; phê duyệt SGK để sử dụng trong cơ sở giáo dục sau khi được Hội đồng Quốc gia thẩm định SGK thẩm định (...)". Chưa hết, "UBND cấp tỉnh quyết định việc lựa chọn SGK sử dụng ổn định trong cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn theo quyết định của bộ trưởng Bộ GD-ĐT" (điều 32, khoản 1, mục c).
Nhìn lại "mẻ hàng" đầu tiên của việc thực hiện xã hội hóa biên soạn SGK theo quy định của điều luật vừa viện dẫn, có 5 bộ SGK lớp 1 được bộ trưởng Bộ GD-ĐT phê duyệt sau khi Hội đồng Quốc gia thẩm định SGK thẩm định. Điều đáng nói là trong 5 bộ SGK được duyệt, 4 bộ là của Nhà Xuất bản (NXB) Giáo dục Việt Nam - nơi độc quyền ấn hành SGK thu siêu lợi nhuận và cũng gây không ít điều tai tiếng trong suốt 45 năm qua. Bộ còn lại do nhóm Cánh Diều của Công ty CP Đầu tư Xuất bản - Thiết bị giáo dục Việt Nam (VEPIC) liên kết với NXB Đại học Sư phạm TP HCM ấn hành, mà thực chất phía NXB đã phó mặc cho đối tác liên kết: "Tổ chức bản thảo và chịu trách nhiệm bản quyền nội dung: Công ty CP Đầu tư xuất bản - Thiết bị giáo dục Việt Nam/Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc: NGƯT Ngô Trần Ái" như ghi ở trang cuối.
Từ “thở hí hóp” được sử dụng nhiều lần trong sách giáo khoa Tiếng Việt 1 bộ Cánh Diều cần phải chỉnh sửa sau khi cộng đồng “nhặt sạn”
Được biết, VEPIC được thành lập ngày 27-7-2016, người đại diện theo pháp luật là ông Ngô Trần Ái, nguyên Tổng Giám đốc NXB Giáo dục Việt Nam. Thời điểm VEPIC thành lập, ông Ái đang là cố vấn cấp cao của HĐTV và Ban Tổng Giám đốc NXB Giáo dục Việt Nam, đồng thời là Trưởng Ban Chỉ đạo biên soạn SGK mới. Trong số 7 cổ đông sáng lập VEPIC, có ít nhất 3 đơn vị trực thuộc NXB Giáo dục Việt Nam góp vốn.
Rõ ràng, 5 bộ SGK đầu tiên thực hiện theo chủ trương xã hội hóa được phê duyệt và lựa chọn đưa vào cho học sinh (HS) lớp 1 sử dụng trên cả nước năm học 2020-2021 chưa phải là những sản phẩm xã hội hóa đúng nghĩa. Điều đó thể hiện việc chưa huy động được trí lực, tài lực của toàn xã hội tham gia biên soạn và ấn hành SGK như mục tiêu kỳ vọng của Luật Giáo dục. Ngược lại, dư luận xã hội đã phản ứng gay gắt, nhất là với cuốn Tiếng Việt 1 bộ Cánh Diều.
Chủ trương mở mà chưa thoáng!
Vì sao vậy? Ở đây không phải "vạn sự khởi đầu nan" mà đã bộc lộ ngay trong quy định mở mà chưa thoáng của điều 32 Luật Giáo dục 2019. Mở ra xã hội hóa tức là đã tin tưởng vào sức mạnh của dân nhằm khắc phục tình trạng độc quyền SGK kéo dài gần nửa thế kỷ vốn đã bộc lộ nhiều nhược điểm. Rất tiếc, niềm tin ấy chưa được trọn vẹn, khi luật còn giao cho bộ trưởng Bộ GD-ĐT chịu trách nhiệm về SGK. Bộ trưởng thành lập hội đồng thẩm định và phê duyệt SGK trên cơ sở thẩm định của hội đồng. Chủ tịch UBND các tỉnh, thành lại được quyền lựa chọn trong số SGK đã được bộ trưởng Bộ GD-ĐT phê duyệt cho địa phương mình, thay vì để cho nhà trường, thầy cô giáo trực tiếp giảng dạy và phụ huynh - người bỏ tiền ra mua SGK - lựa chọn cho con em mình.
Với chủ trương nửa vời như vậy, thử hỏi các chuyên gia giáo dục, các nhà giáo tâm huyết với sự nghiệp giáo dục nước nhà có ai dám đem tài năng, trí tuệ, bỏ công sức nghiên cứu để biên soạn SGK? Có NXB nào dám đầu tư hàng tỉ đồng để in mỗi đầu SGK hàng chục vạn cuốn (Tiếng Việt 1, bộ Cánh Diều in 50.000 cuốn)?
Bởi với những quy định như trên, những người đủ tư cách biên soạn SGK và những NXB làm ăn chân chính không ai đủ sức chịu đựng và kiên nhẫn để xếp hàng trước Hội đồng Quốc gia thẩm định SGK, trước cửa Bộ GD-ĐT và UBND tỉnh, thành để chờ đợi SGK - đứa con tinh thần mang nặng đẻ đau - của mình có trúng tuyển sau khi lọt qua các cửa "thẩm định", "phê duyệt" và "lựa chọn" hay không (!?).
Với "mẻ hàng" đầu tiên, đã có những xuất bản phẩm đầy khuyết tật bị búa rìu dư luận trong những ngày qua và đang chờ Bộ GD-ĐT đưa ra hướng xử lý chỉnh sửa Tiếng Việt 1 bộ Cánh Diều trước ngày 15-11-2020, là minh chứng cho chủ trương mở mà chưa thoáng như vừa nêu.
Nếu Luật Giáo dục với điều 32 (như đã viện dẫn) vẫn duy trì thì cho dù Bộ GD-ĐT vá chỗ này, nó cũng rò chỗ khác. Chưa nói, đây mới là năm đầu tiên, còn đến 11 năm thực hiện đổi mới giáo dục với SGK mới cho 11 lớp còn lại của các bậc phổ thông, với những quy định như hiện hành, chắc chắn sẽ còn nảy sinh nhiều điều không mong muốn, là môi trường cho những "con buôn" SGK.
Nhà nước đã tin vào sức mạnh của dân, chủ trương "Mỗi môn học có một hoặc một số SGK; thực hiện xã hội hóa việc biên soạn SGK" nhằm huy động tài lực trong dân. Niềm tin ấy nên thể hiện một cách trọn vẹn bằng luật, đừng để với cách làm mà khi ra sản phẩm, cả cộng đồng phải xúm tay cùng "nhặt sạn" như hiện nay.
Hãy để cho những chuyên gia, nhà giáo tâm huyết với sự nghiệp giáo dục tự do sáng tạo trong việc biên soạn SGK theo chương trình khung và định hướng của Bộ GD-ĐT. Hãy để các NXB đặt hàng, thẩm định bản thảo SGK, quyết định xuất bản chịu trách nhiệm trước pháp luật theo luật định và cạnh tranh bình đẳng trên thị trường lời ăn lỗ chịu. Hãy để cho nhà trường, thầy cô, phụ huynh HS - trong thời đại công nghệ hiện nay sẽ có đủ thông tin - lựa chọn những bộ SGK phù hợp với đối tượng HS và con em mình. Mặt khác, SGK do thầy cô lựa chọn thì hẳn thầy cô sẽ có trách nhiệm và hứng thú hơn trong việc truyền đạt những nội dung từ SGK đến học trò mình.
Sách giáo khoa Tiếng Việt 1 chỉnh sửa thế nào?
Trước ngày 15-11-2020, NXB và tác giả SGK Tiếng Việt 1 bộ Cánh Diều phải xây dựng phương án chỉnh sửa, hiệu đính sách, gửi hội đồng thẩm định để thẩm định, báo cáo Bộ trưởng GD-ĐT xem xét, phê duyệt nội dung chỉnh sửa.
TS Vũ Thu Hương, nguyên giảng viên Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, nhận xét số bài học trong SGK lớp 1 thuộc bộ Cánh Diều có sự sắp xếp âm vần chưa khoa học. Nhóm tác giả sách Cánh Diều cho rằng những từ trong SGK lớp 1 cần đa dạng, đa chiều nhưng nó chỉ phù hợp với HS từ lớp 3 trở lên - vốn đã phát triển tư duy. Với những cuốn sách được phát hiện có nhiều lỗi thì cần có hội đồng thẩm định lại và đưa ra cách chỉnh sửa cho chuẩn.
Ngoài ra, theo TS Hương, không ít giáo viên phản ánh có những chữ HS chưa được học trong môn Tiếng Việt nhưng các bộ môn khác các em đã phải viết những chữ cái này. Đây chính là những bất cập, khoảng cách giữa các môn học trong cả chương trình. Điều này gây khó khăn cho cả HS và giáo viên.
Góp ý về chỉnh sửa SGK Tiếng Việt 1, ông Vũ Ngọc Hảo, Hiệu trưởng Trường Phổ thông Hermann Gmeiner (quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội) đề nghị hội đồng thẩm định đọc lại từng trang của các bộ sách, có tranh luận để thống nhất việc sử dụng từ. Kể cả việc sử dụng dữ liệu trong các bài tập đọc cũng cần cân nhắc lượng bài đọc "phỏng theo", "theo", bởi nguồn dữ liệu của Việt Nam rất phong phú, hoàn toàn có thể sử dụng phù hợp với việc dạy chữ, giáo dục nhân cách HS...
Trước đó, sau những phản ứng của dư luận, Bộ GD-ĐT cho biết hội đồng thẩm định và tác giả SGK tiếng Việt 1 bộ Cánh Diều đã thống nhất tiếp thu tối đa các ý kiến góp ý để chỉnh sửa cho phù hợp hơn. Cụ thể, sẽ chỉnh sửa, bổ sung ngữ liệu để giáo viên có thể thay thế một số đoạn/bài đọc cho phù hợp hơn với HS lớp 1, như bài "Cua, cò và đàn cá" trang 115, bài "Hai con ngựa" trang 157, bài "Lừa, thỏ và cọp" trang 163...; thay thế một số từ ngữ khó hiểu, ít dùng như "nhá", "nom", "quà... quà", "chén"... Hội đồng thẩm định cũng đề nghị tác giả khi chọn văn bản thay thế không sử dụng truyện ngụ ngôn hoặc các đoạn/bài "đa nghĩa", mà nên lựa chọn đoạn/bài trong kho tàng Văn học Việt Nam...
Yến Anh
Bình luận (0)