xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Sách giáo khoa Tiếng Việt 1 nhiều "sạn": Làm rõ trách nhiệm của hội đồng thẩm định

Bài và ảnh: Yến Anh

Cần có 2 vòng thẩm định, một với chuyên gia và một với giáo viên để sách giáo khoa mới bớt hàn lâm, sát thực tiễn cũng như đúng tâm lý, lứa tuổi học sinh lớp 1

Liên quan đến việc sách giáo khoa (SGK) Tiếng Việt 1 bị cho là nội dung nặng khiến giáo viên vất vả, đặc biệt là bộ Cánh Diều có nhiều "sạn", câu hỏi đặt ra là trách nhiệm của hội đồng thẩm định (HĐTĐ) quốc gia trước xã hội, phụ huynh và học sinh về bộ sách này thế nào?

Chủ biên và nhóm tác giả phải chịu trách nhiệm

Tại cuộc họp ở trụ sở Chính phủ vào chiều 12-10 về việc xử lý các ý kiến về SGK Tiếng Việt lớp 1 mới, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Phùng Xuân Nhạ thừa nhận bản thân ông chịu trách nhiệm về SGK và chương trình. Tuy nhiên, bộ trưởng không phải là người có chuyên môn sâu, theo quy định thì HĐTĐ sẽ giúp cho bộ trưởng. Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho hay ông đã chỉ đạo thực hiện nghiêm túc theo đúng quy trình, quy định.

Điều 32 Luật Giáo dục 2019 quy định hội đồng và thành viên Hội đồng Quốc gia thẩm định SGK phải chịu trách nhiệm về nội dung và chất lượng thẩm định. Tuy nhiên, GS Mai Ngọc Chừ, Phó Chủ tịch HĐTĐ SGK Tiếng Việt 1, đã lên tiếng khẳng định chủ biên và nhóm tác giả phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về nội dung sách trước những vấn đề đang bị dư luận chỉ ra. GS Mai Ngọc Chừ cho hay HĐTĐ đã thấy các vấn đề như dư luận đề cập và đã có khuyến cáo nhóm tác giả nên thay ngữ liệu. Dù vậy, các tác giả vẫn bảo lưu quan điểm của mình và điều này đã được ghi vào biên bản thẩm định.

Sách giáo khoa Tiếng Việt 1 nhiều sạn: Làm rõ trách nhiệm của hội đồng thẩm định - Ảnh 1.

Nhiều ý kiến cho rằng từ “nhá”, “chả” được các tác giả dùng trong sách giáo khoa Tiếng Việt 1 là chưa chuẩn

Theo GS Mai Ngọc Chừ, khi thẩm định có 3 cấp độ, đó là chưa phù hợp, phù hợp trung bình và phù hợp cao. Nguyên tắc là những điểm sai, chưa phù hợp thì phải sửa và đã được sửa. Tuy nhiên, với những nội dung phù hợp ở mức trung bình nhưng không sai thì hai bên sẽ trao đổi và nếu người làm sách vẫn giữ quan điểm thì hội đồng tôn trọng ý kiến của nhóm tác giả. Trước phản hồi này, PGS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam, cho rằng GS Mai Ngọc Chừ chịu trách nhiệm trước nhà nước về SGK, để xảy ra những ý kiến vừa qua, cần phải xem xét lại HĐTĐ này.

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động chiều 14-10, TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội, cho rằng Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã có thái độ cầu thị khi nhận trách nhiệm cũng như nhanh chóng yêu cầu HĐTĐ phải rà soát SGK khi có ý kiến cho rằng sách có những nội dung chưa phù hợp với học sinh lớp 1. "Theo yêu cầu của Bộ trưởng Nhạ, HĐTĐ SGK Tiếng Việt sẽ phải rà soát tất cả vấn đề dư luận đặt ra, tôi tin vấn đề sẽ được giải quyết. Người đứng đầu ngành giáo dục cũng bày tỏ mong muốn được lắng nghe ý kiến đóng góp của nhân dân với tinh thần cầu thị để có thể chỉnh sửa cho sách ngày càng tốt lên" - TS Nguyễn Tùng Lâm nói.

Tuy nhiên, chuyên gia này nhấn mạnh nhóm tác giả của sách Tiếng Việt 1 phải chịu trách nhiệm rất lớn trước công luận cũng như các phụ huynh, học sinh trong việc để tồn tại "sạn" trong sách. "Nếu HĐTĐ không chỉ ra được những hạt "sạn" trong sách thì trách nhiệm chính là của hội đồng. Nhưng nếu họ đã chỉ ra mà nhóm tác giả không tiếp thu để thay đổi thì các tác giả phải chịu trách nhiệm" - ông Lâm nêu quan điểm.

Giáo viên chủ động tìm ngữ liệu khác

Về phương án điều chỉnh SGK sao cho phù hợp với khả năng, tâm lý lứa tuổi của học sinh lớp 1, TS Nguyễn Tùng Lâm cho rằng trước và sau khi HĐTĐ rà soát, cần có những điều chỉnh trong các bài học được cho là có "sạn". "Giáo viên phải chủ động hơn đối với những bài học này, có thể tìm những ngữ liệu khác SGK, miễn là đúng, bảo đảm yêu cầu như chương trình đề ra. Về lâu dài, sau khi kết thúc một học kỳ hoặc một năm học, có những đánh giá tổng kết nhìn nhận thấu đáo hơn" - TS Nguyễn Tùng Lâm góp ý.

Hiệu trưởng một trường tiểu học đóng tại quận Cầu Giấy, TP Hà Nội cho rằng để việc thẩm định SGK mới chính xác, cần có những thay đổi trong cách thẩm định cũng như cơ cấu HĐTĐ. Theo hiệu trưởng này, tất nhiên trong thành viên HĐTĐ có cả giáo viên và chuyên gia nhưng các chuyên gia đa số là thầy dạy của giáo viên, vì thế nhiều giáo viên ngại nêu ý kiến phản biện quan điểm của thầy. Chính vì tâm lý này mà việc thẩm định không đạt hiệu quả như mong muốn. Để khắc phục, vị hiệu trưởng này cũng cho rằng cần có 2 vòng thẩm định với chuyên gia và giáo viên để SGK mới bớt hàn lâm, khó hiểu mà sát thực tiễn cũng như đúng tâm lý lứa tuổi học sinh lớp 1.

PGS Phạm Tất Dong cũng cho rằng để khách quan, nên có HĐTĐ mới thực hiện việc rà soát sách, bởi HĐTĐ cũ khó có thể phủ nhận kết quả của chính mình. Ông đề nghị cần sớm sửa các nội dung được cho là "sạn" để giáo viên khắc phục sai sót khi dạy. 


Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo