GS Huỳnh Văn Sơn
GS Huỳnh Văn Sơn nói nếu không là người tử tế, liệu chúng ta có thể đào tạo hay dạy dỗ con cái, trẻ em thành người tử tế? Là những cử nhân sư phạm hôm nay, là những cử nhân như những người trí thức thực thụ, mong các bạn hãy sống tử tế, tử tế với đồng nghiệp, với người thân, với cộng đồng và với chính mình trong nghề nghiệp…
Cuộc sống buộc người ta phải dần xây đắp cho mình bản lĩnh và nhân cách. Nhân cách và bản lĩnh không thể phủ lên bằng những lớp màu vĩ đại tạm thời hay ảo diệu mà phải thể hiện đúng với bản chất, đúng với những gì ta đang có. Nên người, sống tử tế, là điều mà ai cũng cần đạt được và phụ huynh hay người lớn nào cũng muốn con mình có được. Đó chính là kiểu sống có trước, có sau, kiểu ứng xử thấu tình đạt lý, văn minh… Cuộc sống xô bồ thôi thúc không ít người sẵn sàng kiếm tiền bằng cách đổi cả danh dự và liêm sỉ, thậm chí cả sức khỏe và tính mạng của cộng đồng.
"Sự tử tế không phải là tài sản quý theo kiểu của để dành nếu chúng ta chọn sai khi bắt đầu. Hay sự tử tế cũng không phải là món quà tự nhiên được ban tặng một cách vô tư từ ai đó mà đó là hành trình làm người, hành trình hoàn thiện bản thân mình …"- ông Sơn nói.
Người tử tế cần biết thực hiện và tuân thủ những giá trị chuẩn mực trong cuộc sống mà không phải là những câu trả lời trắc nghiệm khô cứng hay kiểu ứng xử hoa hậu chỉ diễn ra trên sân khấu… Đó chính là kiểu định hướng lối sống, lựa chọn giá trị, ứng xử theo chuẩn mực mà ta tích lũy và chấp nhận trong cuộc sống. Ở đây, không có Đông Tây, không có mới cũ, không có xưa nay mà cốt cách làm người là điểm đến, đó là sự tử tế đích thực.
Những gì từ cuộc sống có thể thử thách để người ta sống tử tế. Và tử tế với một trí thức là biết tự tạo việc làm; làm việc chuyên nghiệp và biết khởi nghiệp trở nên cần thiết đến dường nào.
Hãy tự tạo việc làm cần nhất là phải tự hỏi đó có phải là việc làm, nghề nghiệp… Đừng cố lao theo những công việc ngôi sao mà hãy trở thành những ngôi sao trong lĩnh vực của mình dẫu là lặng thầm hay nở muộn…
Bình luận (0)