Tiếp tục kỳ họp thứ 5 Quốc hội (QH) khóa XII, hôm qua, 30-5, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân đã trình QH đề án đổi mới cơ chế tài chính giáo dục giai đoạn 2009-2014.
Học phí đại học không gây sốc?
Theo Bộ GD-ĐT, học phí để đào tạo một kỹ sư, cử nhân toàn khóa chỉ khoảng 7,2 triệu đồng - 9 triệu đồng/năm. Trong khi đó, thu nhập của 5 năm đầu tiên ra trường bình quân không dưới 48 triệu đồng/người. Mức học phí vừa nêu vừa quá thấp để có thể góp phần bảo đảm chất lượng đào tạo, vừa quá thấp so với thu nhập của người tốt nghiệp.
Do đó, Bộ GD-ĐT đề nghị năm học 2009-2010, trong khi chưa thực hiện việc thay đổi cách đóng học phí theo đề án, học phí đào tạo sẽ tăng bằng 50% mức mất giá đồng tiền năm 2008 so với năm 2000. Cụ thể, học phí ĐH tăng thêm 75.000 đồng/tháng, lên 255.000 đồng; học nghề thêm 50.000 đồng/tháng, lên 170.000 đồng.
Trần học phí năm tiếp theo từ 280.000 đồng đến 310.000 đồng, tùy nhóm ngành và đến năm 2014 đạt mức 500.000 đồng - 800.000 đồng/tháng. “Nếu học phí tăng đủ để bù mức mất giá đồng tiền năm 2008 so với năm 2000, học phí ở bậc ĐH sẽ là 331.000 đồng/tháng mới tương đương với mức học phí 180.000 đồng/tháng vào năm 2000” – Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân tính toán.
|
Đây được coi là mức tăng từ từ, không đột ngột gây sốc. So với đề án trình Ủy ban Thường vụ QH, Chính phủ đã tính toán lại và đưa ra kết quả, giá trị thực tế của học phí so với năm 2000 chỉ còn 54% chứ không phải 62%. Do đó, mức tăng học phí năm 2010 so với năm 2009 và của các năm sau so với năm trước liền kề cho sinh viên ĐH dưới 33%, thấp hơn mức khuyến nghị không được quá 40% của cơ quan thẩm tra.
Đồng ý tăng học phí để tăng nguồn lực đầu tư, nâng cao chất lượng giáo dục, song Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của QH (gọi tắt là VH-GD) nhấn mạnh: Năm 2009 vẫn còn trong thời kỳ suy giảm kinh tế, đời sống còn rất nhiều khó khăn và Nhà nước đang áp dụng nhiều chính sách khoan sức dân.
Vấn đề tăng học phí đối với tất cả các cấp học nên thực hiện từ năm học 2010-2011 đến 2014. Riêng năm học 2009-2010, chấp nhận tăng mức trần học phí của khối đào tạo nghề nghiệp ở mức không quá 1/3 mức tăng chỉ số giá tiêu dùng từ năm 2000-2009. Theo đó, tăng mức trần học phí ĐH từ 180.000 đồng lên 230.000 đồng/tháng (bậc CĐ có hệ số bằng 0,8 lần ĐH) và CĐ nghề từ 120.000 đồng lên 155.000 đồng/tháng.
Tách bạch học phí và các khoản khác
Đối với bậc học mầm non và phổ thông công lập đại trà, đề án vẫn giữ nguyên như tính toán ban đầu: Học phí và các khoản chi cần thiết khác cho việc học tập không vượt quá 6% thu nhập bình quân của hộ gia đình.
GS Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban VH-GD, thay mặt cơ quan thẩm tra phản biện: Ở nhóm các nước mới phát triển, học phí và các chi phí học tập cần thiết khác chiếm 1,9%-7,95% thu nhập bình quân của hộ gia đình; ở các nước phát triển là 2%-10%.
VN mới đang phát triển trung bình, có mức thu nhập thấp, 6% là mức chi trả khá cao. Mặt khác, ghép các khoản chi cần thiết khác mà gia đình học sinh tự chi tiêu chung với học phí người học phải đóng cho cơ sở giáo dục là không rõ ràng, dễ dẫn đến vận dụng tùy tiện khi xác định mức học phí cụ thể. Bởi vậy, đề nghị tách riêng học phí và quy định khoản này không vượt quá 5% thu nhập bình quân của hộ gia đình.
Cơ quan thẩm tra cũng tiếp tục đề nghị đề án cần phải có cam kết và có cơ chế hữu hiệu để thực hiện mục tiêu bảo đảm chất lượng. Sau thời gian thực hiện đề án, chất lượng giáo dục phải có chuyển biến đáng kể, trong đó chất lượng giáo dục đại trà cơ bản phải đạt được mức “chất lượng chuẩn”.
Giải quyết mâu thuẫn quy mô - chất lượng “Đây là đề án tài chính giáo dục có tính nhân văn cao hay là đề án tăng học phí, không phù hợp với định hướng XHCN?”. Câu hỏi này được Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân đặt ra và lý giải: Ngân sách dành cho giáo dục chiếm 20% tổng ngân sách Nhà nước, vào loại cao so với các nước và khó tăng thêm. Song, do thu nhập đầu người của ta còn rất thấp so với các nước nên chi phí toàn xã hội bình quân cho một người đi học cũng thấp xa so với nhiều nước. Do đó, yêu cầu vừa tăng quy mô GD-ĐT ở các cấp học vừa tăng chất lượng là mâu thuẫn căn bản, thường xuyên. “Đề án chính là nỗ lực sáng tạo của Chính phủ để từng bước giải quyết mâu thuẫn đó” - bộ trưởng khẳng định. Nguồn kinh phí này sẽ được sử dụng có hiệu quả và sự đóng góp của người dân phù hợp với khả năng thu nhập, không là gánh nặng về tài chính. |
Bình luận (0)