Theo dõi 2 bài viết “Lối dạy văn triệt tiêu cảm xúc” của tác giả Huỳnh Mỹ và “Dạy - học văn theo cách thực dụng” của tác giả Hoàng Thị Thu Hiền trên Báo Người Lao Động (số ra ngày 11 và 12-1), tôi thấy có nhiều điểm đồng tình. Tuy nhiên, không phải ai dạy - học văn cũng sa vào chủ nghĩa thực dụng. Lối dạy văn của đội ngũ giáo viên văn hiện nay không hẳn là “lối định hướng kỹ thuật viết, học sinh hoàn toàn bị triệt tiêu tư duy độc lập”. Chúng tôi thấy cần bày tỏ quan điểm của mình về vấn đề này bằng cách đi tìm nguyên nhân do đâu học sinh chán học văn.
Thiếu định hướng
Đã có nhiều sự so sánh ví von diễn tả tầm quan trọng của môn văn. Nào “văn học là nhân học”, “dạy văn là dạy người”… Thật không sai khi các tác giả đã chỉ ra xu thế thực dụng trong dạy - học văn. Tôi đã từng ngạc nhiên khi chứng kiến một tiến sĩ vật lý bộc lộ quan điểm trong một lần trao đổi về việc đưa môn nào vào các học phần bắt buộc của kỳ thi quốc gia: “Thời buổi này học văn làm gì nhỉ? Nó chẳng đem lại lợi ích thiết thực nào. Chỉ tổ làm mất thời gian công sức của học trò (?)”. Ngay cả trong đội ngũ trí thức mà còn có nhận thức sai lệch như thế thì làm sao không tác động đến giới trẻ.
Nhiều bậc cha mẹ chỉ chăm chăm hướng con mình vào ĐH với những nghề nào sau khi ra trường dễ kiếm tiền nhất, lương cao nhất mà không quan tâm đến sở trường, năng lực thực sự của con. Trong lúc đó, rất nhiều học sinh hiện nay học văn theo kiểu cực chẳng đã; miễn sao đủ điểm để qua, để lên lớp hay vượt qua các kỳ thi mà không có chút hứng thú. Nếu xui rủi, ở những năm phổ thông lại gặp phải giáo viên dạy văn “mắt kinh tế thế kỹ thuật” thì năng lực học văn càng tệ. Đối tượng này sẽ học văn theo kiểu đối phó, chiếu lệ, hậu quả là trơ lì cảm xúc, mọi tư duy cảm xúc đều nhuốm màu kim tiền là điều khó tránh khỏi.
Thiếu phương pháp, kỹ năng
Một thực tế của việc dạy văn là cảm xúc của người dạy khô cứng, thiếu phương pháp kỹ năng, thậm chí thiếu cả kiến thức thực tế. Phương pháp truyền thụ theo tinh thần đổi mới đòi hỏi giáo viên phải linh hoạt, phối hợp nhiều hình thức khác nhau chứ không chỉ dừng lại việc thuyết giảng. Chẳng hạn, cho học sinh nhập vai, đọc diễn cảm, trao đổi, tranh luận… để tự tìm ra những thông điệp mà văn bản muốn gửi gắm. Từ đó rút ra bài học chứ không phải giáo viên làm thay, học sinh chỉ ngồi nghe rồi ghi chép lại những gì giáo viên thể hiện. Như thế, người học không thể tự mình chủ động tiếp cận vấn đề được.
Kỹ năng được đề cập ở đây là kỹ năng tổ chức giờ học. Hoạt động này cần được chuẩn bị kỹ lưỡng từ khâu thiết kế bài giảng đến xác định phương pháp, xây dựng hệ thống câu hỏi trong thiết kế hoạt động dạy học phù hợp cho từng tác phẩm. Không có mẫu số chung cho khâu này. Mỗi giáo viên đều có một sở trường, năng lực, cách cảm thụ riêng. Mỗi tác phẩm là của một tác giả khác nhau viết nên và ra đời trong những bối cảnh khác nhau. Việc đồng bộ hóa phương pháp dạy học hay sao chép giáo án của nhau không chỉ khiến việc dạy học sa vào tình trạng hời hợt, khuôn sáo, chiếu lệ mà còn dễ dẫn đến sự chán ngán, không thích học văn của học sinh.
Lười biếng, thụ động
Thói quen lười biếng, thụ động của người học, thậm chí của cả người dạy, đang thực sự làm cùn mòn, thủ tiêu cảm hứng học văn. Phần đông người học ngày càng xa rời thói quen đọc sách, để cho văn hóa nghe - nhìn lấn lướt là một thực trạng đáng báo động. Một bộ phận không nhỏ những giáo viên dạy văn cũng ngày càng ít đọc, không chịu cập nhật thông tin, chẳng quan tâm gì đến xu thế trào lưu văn học trong và ngoài nước, xa lạ với việc tham khảo những tư liệu liên quan, chỉ “cày xới”, lặp lại những gì có trong sách giáo khoa, phụ thuộc hoàn toàn vào sách hướng dẫn.
Bên cạnh đó là thói quen “định hướng cảm thụ” của giáo viên khiến trò ỷ lại, dựa dẫm trong quá trình tiếp cận tác phẩm. Hầu hết các tác phẩm văn học đều là những văn bản tiêu biểu về cả nội dung lẫn nghệ thuật. Lâu nay, trong quá trình dạy học, thay vì giáo viên nên tổ chức cho học sinh tiếp nhận từ góc nhìn của chính các em, phân tích các giá trị theo cảm thức của chính trái tim các em thì giáo viên thường “nói hộ”, “cảm thụ giùm” cho học sinh.
Lâu dần thành quen, dẫn đến tình trạng tiếp thu một chiều mà không có thói quen phản biện. Chính vì vậy, có quá nhiều cách cảm thụ theo “lối mòn” cho những tác phẩm văn học từ thế hệ này sang thế hệ khác khiến học sinh chán ngán.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 11-1
Xa rời thực tế
Đối với giáo viên, nếu thiếu hụt kiến thức sẽ rất khó thuyết phục được người học. Có lần, khi đọc một dàn bài văn của một giáo viên tiểu học trong đề cương ôn tập học kỳ lớp 4, phần văn tả một khung cảnh thiên nhiên tùy chọn, tác giả thấy một đoạn gợi ý: “Buổi sáng mặt ao phía trước nhà em phẳng lặng, nước trong xanh. Thỉnh thoảng có một vài chú cóc nhái nhảy xuống từ trên bờ, tạo nên những đợt sóng lăn tăn”... Rõ ràng ở đây giáo viên đã không có hiểu biết cần thiết, khiến câu văn viết ra khiên cưỡng, sai thực tế. Ếch nhái từ trên bờ nhảy xuống ao chỉ có thể tạo ra những vòng sóng chứ không thể có những đợt sóng lăn tăn được.
Bình luận (0)