Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) ngày 12-8 đã tổ chức Hội nghị tổng kết năm học 2021-2022, triển khai nhiệm vụ năm học 2022-2023 theo hình thức trực tiếp và trực tuyến, với 64 điểm cầu trên cả nước.
Toàn cảnh Hội nghị tổng kết năm học 2021-2022, triển khai nhiệm vụ năm học 2022-2023
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh năm học 2021 - 2022 là năm học mà ngành giáo dục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát, ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động giáo dục.
Tuy nhiên, dưới sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, với sự phối hợp hiệu quả của các ban, bộ, ngành trung ương, các tỉnh, thành phố, được sự ủng hộ của đông đảo các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là sự tâm huyết, trách nhiệm của đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, sự cố gắng, nỗ lực của toàn thể các em học sinh, sinh viên, toàn ngành giáo dục đã hoàn thành kế hoạch, đảm bảo các kết quả, chỉ tiêu đề ra, chất lượng và các yêu cầu của năm học 2021 - 2022 đã được thực hiện.
"Để ứng phó với dịch Covid-19 bùng phát trở lại, ngành giáo dục đã tiếp tục chủ động xác định trạng thái thích ứng, chuẩn bị các điều kiện để dạy và học trong mọi hoàn cảnh, kiên trì, tiếp tục theo đuổi và củng cố chất lượng, hoàn thành mục tiêu vừa phòng, chống dịch, vừa ra sức phấn đấu khắc phục khó khăn hoàn thành các nhiệm vụ lớn của năm học, đáp ứng yêu cầu đổi mới và bảo đảm chất lượng giáo dục. Tiếp tục thực hiện đổi mới thể chế, nhằm tháo gỡ những "nút thắt", tạo hành lang pháp lý cho đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo yêu cầu của Nghị quyết số 29 của Trung ương. Tiếp tục triển khai hiệu quả chương trình giáo dục phổ thông mới, chất lượng giáo dục phổ thông cả đại trà và mũi nhọn tiếp tục nâng lên. Tiếp tục tổ chức tốt kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2022 đảm bảo nghiêm túc và an toàn. Tiếp tục thực hiện tự chủ đại học để mở ra nhiều cơ hội cho giáo dục đại học phát triển, tăng cường các điều kiện đầu tư để đảm bảo chất lượng cho toàn bộ giáo dục nói chung"- Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh.
Bộ trưởng Nguyến Kim Sơn cho hay ngành giáo dục đã rút ra bài học kinh nghiệm và có giải pháp để khắc phục trong năm học tới
Bên cạnh những kết quả đáng khích lệ, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cũng cho hay ngành đã nhìn nhận nghiêm túc những tồn tại, hạn chế, rút ra bài học kinh nghiệm và có giải pháp để khắc phục trong năm học tới.
Năm học 2022-2023 có chủ đề "đoàn kết, nỗ lực vượt khó khăn, đổi mới sáng tạo, củng cố, nâng cao chất lượng các hoạt động giáo dục và đào tạo".
Trong năm học tới, đối với giáo dục mầm non, Bộ GD-ĐT đặc biệt chú ý đến nâng cao chất lượng thực hiện chuyên đề "Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm giai đoạn 2021-2025" và Đề án "Tăng cường chuẩn bị tiếng Việt cho trẻ mầm non và học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016-2020, định hướng đến 2025". Phát triển mạng lưới trường, lớp mầm non phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương, đáp ứng nhu cầu đến trường của trẻ em, theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa và hội nhập quốc tế, quan tâm phát triển giáo dục mầm non vùng khó khăn và vùng có khu công nghiệp.
Năm học 2022-2023 có chủ đề "đoàn kết, nỗ lực vượt khó khăn, đổi mới sáng tạo, củng cố, nâng cao chất lượng các hoạt động giáo dục và đào tạo"
Từng bước khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, phát triển, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên mầm non đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục. Tăng cường quản lý, hỗ trợ nâng cao chất lượng nhóm, lớp độc lập tư thục.
Đối với giáo dục phổ thông, tiếp tục triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 đối với lớp 3, lớp 7, lớp 10, nâng cao chất lượng biên soạn, thẩm định SGK lớp 4, lớp 8, lớp 11, SGK tiếng dân tộc và tài liệu giáo dục địa phương.
Bên cạnh đó, tăng cường các điều kiện đảm bảo triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình GDPT 2018 như chuẩn bị đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học. Bộ GD-ĐT sẽ trình Chính phủ phương án sử dụng ngân sách nhà nước mua sách giáo khoa phổ thông cho học sinh mượn để triển khai từ năm học 2022 - 2023.
Tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2023 và phương án đến năm 2025 phù hợp với lộ trình triển khai Chương trình GDPT 2018.
Nhiệm vụ trọng tâm của giáo dục đại học trong năm học tới là xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện Khung chiến lược phát triển giáo dục đại học và Quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học và cao đẳng sư phạm giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050.
Bộ GD-ĐT cho biết sẽ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện tự chủ đại học một cách toàn diện, thực chất, hiệu quả, đi vào chiều sâu gắn với trách nhiệm giải trình trong hoạt động chuyên môn, học thuật, tổ chức, nhân sự, tài chính, tài sản. Rà soát, sửa đổi, bổ sung 35 thể chế, chính sách về thực hiện tự chủ đại học, trong đó, tập trung tháo gỡ các vướng mắc trong quá trình thực hiện tự chủ về tổ chức, quản trị và tài chính.
Ngoài ra, triển khai có hiệu quả Đề án "Nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý các cơ sở GD đại học đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT giai đoạn 2019 - 2030".
Có chính sách thu hút chuyên gia, nhà khoa học nước ngoài hợp tác nghiên cứu, đào tạo trong các cơ sở GD đại học Việt Nam, đẩy mạnh việc thu hút sinh viên quốc tế đến học tập tại Việt Nam. Khuyến khích mở rộng và đẩy mạnh các quan hệ hợp tác về đào tạo, nghiên cứu với các trường, viện nghiên cứu quốc tế chất lượng cao để hình thành nhóm nghiên cứu quốc tế. Thu hút các nguồn tài trợ quốc tế, chủ động tham gia mạng lưới nghiên cứu và trao đổi toàn cầu.
Bình luận (0)