Phóng viên: Hôm nay, 23-8, học sinh nhiều địa phương tựu trường, bắt đầu năm học 2021-2022. Tuy nhiên, không ít phụ huynh học sinh bày tỏ sự lo lắng trong tình hình dịch bệnh thế này, năm học mới sẽ được thực hiện ra sao để hiệu quả và an toàn nhất?
- PGS NGUYỄN XUÂN THÀNH: Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp ở nhiều địa phương như hiện nay, quan điểm chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) với nhiệm vụ năm học trước hết là phải bảo đảm an toàn. An toàn thì mới đến trường, đến trường thì phải an toàn. Hai là, xây dựng kế hoạch nhà trường bảo đảm linh hoạt trong tổ chức thực hiện, bao gồm cả dạy học trực tuyến và trực tiếp. Dịch bệnh phức tạp nên phải thích ứng để bảo đảm chương trình, không vì dịch Covid-19 mà không hoàn thành. Ba là, giữ được chất lượng dạy học.
PGS Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học - Bộ Giáo dục và Đào tạo
Tôi hiểu nỗi lo lắng của phụ huynh học sinh là nếu học trực tuyến thì sẽ học như thế nào, có bảo đảm chất lượng hay không? Tôi khẳng định là khi xây dựng chương trình giáo dục, các trường phải tính toán nhiều kịch bản. Trường hợp học sinh không thể đến trường thì học trực tuyến, còn thời gian nào có thể học trực tiếp thì phải coi đó là thời gian vàng để tương tác giữa thầy và trò. Việc xây dựng kế hoạch học tập trực tuyến để bảo đảm nội dung phù hợp là điều hết sức quan trọng, Bộ GD-ĐT đã hướng dẫn 3 năm nay và chúng tôi đang hướng dẫn các trường chủ động ngay từ đầu.
Chúng tôi đã ban hành Thông tư 09 chỉ đạo các sở GD-ĐT, các trường bảo đảm tăng cường phát triển công nghệ thông tin dạy học trực tuyến, bảo đảm việc tương tác giữa thầy và trò thuận lợi.
Học sinh cũng chuẩn bị tâm thế, không phải đến giờ mới vào mạng để học. Chúng tôi mong các vị phụ huynh hỗ trợ, đôn đốc con em bởi đây là cơ hội để các em có năng lực tự học cao hơn.
Nhưng trên thực tế, ngày khai giảng đã cận kề mà sách giáo khoa (SGK) vẫn chưa đến tay học sinh. Vậy việc học tập của học sinh có thể diễn ra như cách mà ông vừa nói?
- Chúng tôi đã kiểm tra với các NXB và đúng là có những khó khăn nhất định do tình hình dịch bệnh. Nhiều địa phương phải giãn cách nên việc lưu thông hàng hóa khó khăn, trong đó có SGK. Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng đã có văn bản gửi các địa phương đề nghị ưu tiên hỗ trợ việc đưa SGK đến tay học trò.
Học sinh nhiều nơi sẽ tựu trường và khai giảng năm học mới trực tuyến do ảnh hưởng của dịch Covid-19. (Ảnh: NGUYỄN THUẬN)
Chúng tôi cũng đã trao đổi với NXB để trong trường hợp nơi nào chưa cung ứng được, NXB có giải pháp là cung cấp bản pdf để học sinh có thể tiếp cận được SGK phiên bản điện tử.
Hãy hình dung phương tiện nào không quan trọng, mà quan trọng là đến được tay học trò.
Trong điều kiện phải học trực tuyến kéo dài, nội dung học tập trên lớp của học sinh có được tinh giản để phù hợp bối cảnh dịch bệnh không, thưa ông?
- Chúng tôi đã ban hành Công văn 3280 về việc hướng dẫn thực hiện điều chỉnh nội dung dạy học cấp THCS, THPT trong điều kiện dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp. Theo đó, 10 môn sẽ điều chỉnh nội dung dạy học, gồm: toán, vật lý, hóa học, sinh học, tin học, công nghệ, ngữ văn, lịch sử, địa lý, giáo dục công dân.
Nguyên tắc là tinh giản các nội dung vượt quá yêu cầu cần đạt về chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình hiện hành, tích hợp một số nội dung thành các chủ đề, điều chỉnh các nội dung trùng lặp giữa các môn học và hoạt động giáo dục. Không kiểm tra, đánh giá đối với những nội dung được hướng dẫn là không dạy, đọc thêm, không làm, không thực hiện, không yêu cầu…
Giảm kiến thức hàn lâm
Năm học 2021-2022 là năm học quan trọng với việc triển khai chương trình SGK mới ở lớp 1, 2, 6 và nhiều đổi mới, đặc biệt là các môn tích hợp. Theo ông Nguyễn Xuân Thành, chương trình mới vẫn là những kiến thức phổ thông cơ bản, phần lớn có trong chương trình hiện hành, tương đồng với các quốc gia trên thế giới. Chỉ có điều, chương trình mới sắp xếp những nội dung kiến thức ấy trong mỗi môn học cũng như các môn học để bảo đảm không có sự trùng lặp kiến thức, giảm bớt các kiến thức hàn lâm. Kiến thức phổ thông cơ bản giống nhau nên học sinh có thể yên tâm.
Bình luận (0)