Nghiên cứu của CASP-I và ĐH Giáo dục cho thấy học sinh Việt Nam có xu hướng gia tăng lo âu - Ảnh minh họa
Các nghiên cứu được đưa ra tại hội thảo Tâm lý học đường lần thứ 4 do Liên hiệp phát triển tâm lý học đường quốc tế (CASP-I) và trường ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia HN) tổ chức ngày 14 và 15-8 tại Hà Nội cho thấy tại Việt Nam số lượng trẻ em trong độ tuổi học sinh mắc rối loạn lo âu và trầm cảm có xu hướng tăng lên trong những năm gần đây.
Theo một cuộc khảo sát ở 1.727 học sinh THCS tại Hà Nội, có 25,76% tổng số học sinh có vấn đề về sức khỏe tâm thần. Một cuộc khảo sát khác khác cho thấy có 20,65% học sinh lớp 1 có lo âu học đường ở mức độ vừa, trong đó tình huống kiểm tra kiến thức ở lớp học là nguyên nhân lớn nhất.
Nhóm khảo sát của Th.S phạm Văn Tư - Khoa Công tác xã hội, trường ĐH Sư phạm Hà Nội - đã đưa đưa ra những câu hỏi về thực trạng hành vi gây hấn của học sinh THCS. Trong 200 học sinh của trường THCS Trung Chính (huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh), đối tượng được chọn làm mẫu khảo sát, đã có 38,2% trả lời “có” đối với câu hỏi trên.
Có 34,4% học sinh được hỏi cũng đã đưa câu trả lời đã từng cố ý đánh người với những mức độ khác nhau vì mâu thuẫn, xung đột không kiềm chế được cảm xúc, cơn tức giận. Hay thậm chí, các em đưa ra dẫn chứng cho hành vi gây hấn của học sinh với các lý do đơn giản là thấy “ngứa mắt”, muốn “dằn mặt” cho bớt tính kiêu căng, hoặc “vì nó dám liếc mắt đưa tình với người yêu mình” và rồi quyết định “phải cho nó một bài học”…53% học sinh thường xuyên cho rằng khó có thể bỏ qua hoặc quên đi lời nói, hành vi của người khác đã làm mình bị tổn thương. 47% thường xuyên không giữ được bình tĩnh trước sự khiêu khích của người khác.
Trong một nghiên cứu về mối quan hệ giữa kỹ năng quản lý thời gian và stress trong học tập của học sinh lớp 12, do một nhóm giảng viên khoa Tâm lý - Giáo dục, trường ĐH Sư phạm - ĐH Huế thực hiện, kết quả cho thấy hầu hết học sinh lớp 12 trường THPT chuyên Quốc học Huế đều trải nghiệm stress trong học tập ở mức độ tương đối cao.
Gần 100% các em cho rằng phải “rất thường xuyên” học tập và làm việc trong cả ngày nghỉ. Gần 20% cho biết các em “rất thường xuyên” học tập và làm việc mà quên cả ăn, không tập thể dục và không có thời gian nghỉ ngơi, thư giãn. Đặc biệt, hơn 53% tiết lộ rằng các em chỉ toàn nói chuyện về công việc, việc học tập trong các cuộc họp mặt, tề tựu với người thân và bạn bè….
Theo đánh giá của các chuyên gia, tỉ lệ học sinh có các vấn đề về cảm xúc ngày càng gia tăng và là loại rối nhiễu chiếm tỉ lệ cao nhất trong các vấn đề về sức khỏe tâm thần ở học sinh phổ thông.
Bình luận (0)