Những ngày gần đây, người dân ở vùng sâu của xã Vĩnh Viễn, huyện Long Mỹ (Hậu Giang) tỏ ra vui mừng, phấn khởi trước thông tin với mô hình giàn phơi quần áo và nông sản tự động, 2 học sinh (HS) của Trường THPT Tây Đô đã đạt được giải khuyến khích trong cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp tỉnh dành cho HS trung học năm học 2017-2018.
Sáng chế của 2 học sinh vùng sâu của tỉnh Hậu Giang
Với mô hình này, khi trời bất chợt mưa thì quần áo hoặc nông sản tự động "chạy" vào, đến khi trời nắng trở lại thi giàn phơi tự kéo ra nên quần áo, nông sản không bị ướt do mưa. Thậm chí, khi đang phơi ngoài trời nắng nhưng nhiệt độ đột ngột xuống thấp thì giàn phơi cũng tự động thu vào.
Vật liệu dùng để làm nên mô hình này là gỗ
Sáng chế này có tên gọi "Mạch điện điều khiển tự động theo nhiệt độ và trời mưa". Chủ nhân của sáng chế này là 2 em Phạm Hữu Trí và Trương Thiên Tân, HS lớp 11 của Trường THPT Tây Đô.
Tân, Trí và thầy giáo của mình đang tiếp tục nghiên cứu, cải tiến, bổ sung thêm một số chức năng để sản phẩm phù hợp với điều kiện thực tế
Em Phạm Hữu Trí cho biết sản phẩm là kết hợp hữu dụng giữa vật dụng thủ công gắn với công nghệ tự động hoá. Do có cùng đam mê sáng tạo, cùng chung ý tưởng nên Trí và Tân mày mò, nghiên cứu để tạo ra sản phẩm này. "Nhà em làm nông nên ba mẹ em thường hay ra đồng cả ngày. Vì thế, việc phơi khô quần áo và các loại nông sản ở nhà gặp không ít khó khăn, nhất là vào mùa mưa bão. Đấy là lý do em có ý tưởng làm ra sản phẩm này để khi vắng nhà, người dân không lo chuyện quần áo, nông sản phơi ở ngoài bị ướt do mưa" – em Trí cho biết.
Còn theo em Trương Thiên Tân, khi đã có ý tưởng, 2 em bắt tay ngay vào việc thực hiện. Lúc đầu, thiết kế này trải qua nhiều lần thất bại nhưng 2 em vẫn không nản chí. Đặc biệt, quá trình đi tìm vật liệu phù hợp cho sáng chế này đã khiến cho 2 em "đau đầu". Cuối cùng, Tân và Trí quyết định chọn gỗ vì nó nhẹ và giá thành không cao.
Sau hơn 2 tháng miệt mài nghiên cứu và được sự hỗ trợ của thầy giáo hướng dẫn, mô hình này được hoàn tất khiến 2 em HS vùng sâu cảm thấy rất phấn khởi.
Không đơn thuần chỉ kéo quần áo và nông sản ra vào khi trời mưa – nắng, thiết kế này còn được thu hút bởi cảm biến nhiệt độ. Khi nhiệt độ môi trường thấp hơn nhiệt độ cài trong mạch, cảm biến sẽ hoạt động làm mô-tơ quay theo chiều ngược lại và tự động kéo vật liệu vào mái che.
Khi hay tin sáng chế trên đoạt giải, rất nhiều chị em phụ nữ ở Hậu Giang và các vùng lân cận tỏ ra thích thú bởi tính năng vô cùng tiện lợi của giàn phơi này. "Nếu sản phẩm này được bán rộng rãi trên thị trường thì từ nay các bà mẹ như chúng tôi đỡ phải lo âu khi vắng nhà" - chị Bùi Thị Thu ở huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang, tỏ ra phấn khởi.
Thầy Cái Minh Đương – giáo viên Trường THPT Tây Đô – cho rằng: Khi ứng dụng vào thực tiễn cuộc sống, nếu vật liệu phơi nặng như thế nào thì sẽ sử dụng mạch điện mạnh như thế đó. Chẳng hạn, mô hình sẽ cải tiến bằng cách dùng cái mô-tơ có công suất lớn hơn để kéo những vật dụng lớn hơn.
Hiện tại, sáng chế đang được Tân,Trí và thầy giáo của mình tiếp tục nghiên cứu, cải tiến, bổ sung thêm một số chức năng để sản phẩm phù hợp với điều kiện thực tế.
Bình luận (0)