Trong bối cảnh dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, học sinh các cấp ở TP HCM phải học trực tuyến đến hết học kỳ I của năm học 2021-2022. Học sinh buộc phải ngồi trước màn hình máy tính, điện thoại ngày qua ngày, lặp đi lặp lại với thời gian kéo dài hằng tháng khiến nhiều em bất ổn về tâm lý, mất bình tĩnh, không tập trung, thụ động, chán học hay chống đối mỗi khi phụ huynh nhắc nhở phải tập trung học tập.
Ngại tương tác
Bắt đầu học trực tuyến lúc 14 giờ, đến 14 giờ 5 phút, con chị Vũ Thị Hương (quận Gò Vấp, TP HCM) xin mẹ cho đi uống nước vì khát, 14 giờ 8 phút lại xin mẹ cho đi vệ sinh... Cứ như thế, suốt tiết học khoảng 25 phút, con chị Hương xin mẹ ra ngoài 5 lần. Chị Hương cho biết không có tiết học trực tuyến nào là con chịu ngồi yên từ đầu buổi đến hết buổi, dù con đã học lớp 4 nhưng chị vẫn phải ngồi kề bên để "giám sát".
"Thời gian đầu học trực tuyến con còn háo hức, sau khi học xong là làm bài tập ngay nhưng bây giờ, mỗi lúc ngồi vào bàn học trực tuyến là một "cực hình" đối với con. Trong giờ học, có đôi lúc con gục xuống bàn ngủ và tìm hàng chục lý do để rời bàn học. Khi cô giáo yêu cầu trả lời bài, con luôn né tránh, tôi rất lo lắng" - chị Hương nói.
Học sinh tiểu học trong một buổi học trực tuyến
Thầy Phạm Duy, giáo viên lịch sử Trường Tiểu học Nguyễn Đức Cảnh (quận 5, TP HCM), nhận định học trực tuyến kéo dài, giáo viên và học sinh đã thấm mệt. Nhiều lúc học sinh không đủ tập trung để học nữa. Kiến thức trong một năm học được thiết kế theo kiểu tăng dần độ khó, khi kiến thức tăng độ khó thì học sinh càng khó tập trung. Trong suốt thời gian qua, giáo viên luôn cố gắng để gây hứng thú cho học sinh nhưng vẫn còn nhiều bất cập.
Thầy Võ Kim Bảo, giáo viên môn văn Trường THCS Nguyễn Du (quận 1, TP HCM), cho hay nhìn một cách khách quan, học sinh ngại tương tác với giáo viên trong lớp học trực tuyến đôi khi là do thiết bị không đủ điều kiện, đường truyền kém, đến lúc phát biểu giọng của học sinh bị méo, bị ba mẹ mắng trong lúc học, bạn học cười trêu... dẫn đến học sinh có tâm lý sợ phát biểu hoặc sợ mở camera.
Theo thầy Bảo, có vài trường hợp chủ quan là do học sinh lười, chán học, nói dối micro hư, camera hư để không phải tương tác với giáo viên. Trường hợp đặc biệt, học sinh có tâm lý yếu, lúc thầy điểm danh cũng sợ không dám lên tiếng dù đã ở trong lớp, thầy phải liên hệ với phụ huynh để trấn an các em.
"Sự tập trung của các em khi học trực tuyến bị chi phối rất nhiều, có khi vẫn ngồi học nhưng bài giảng đối với học sinh không hay, không hấp dẫn... Các em không theo dõi hết bài, không bắt kịp bài thì không hiểu để phát biểu, từ đó không muốn tương tác với giáo viên, thụ động trong giờ học" - thầy Bảo nhận định.
Cá nhân hóa từng học sinh
Giáo viên các trường cho rằng học trực tuyến là giải pháp tình thế, mọi người phải chấp nhận sự thật là không thể tạo được một môi trường lý tưởng dạy - học trên nền tảng này. Vì vậy, ở góc độ nào đó, chắc chắn là không hoàn hảo, nên nhìn nhận những tích cực thay đổi, khắc phục của giáo viên.
Theo thầy Phạm Minh Đăng, giáo viên Trường THPT Nguyễn Du (quận 10, TP HCM), mỗi tiết học giáo viên đều cố gắng hết sức tăng cường sự tương tác trên bài giảng, lồng ghép nhiều video hơn, song học sinh phải có tính tự giác thì bài học mới hiệu quả. Để tăng sự tương tác trong lớp học, thầy Đăng chia lớp thành 4 hoặc 5 nhóm, mỗi ngày sẽ thay đổi thành viên trong nhóm, sự liên tục thay đổi bắt buộc học sinh phải tương tác với nhau.
Đối với thầy Võ Kim Bảo, mỗi học sinh sẽ có tính cách khác nhau, mức độ tương tác tùy thuộc vào sự mạnh dạn của từng em. Do đó, giáo viên không nên trách mắng, phê bình ngay khi các em không chịu trả lời câu hỏi. Ngày đầu buổi học, giáo viên phải tạo sự cởi mở, học sinh sẽ nhìn thái độ của giáo viên để tham gia buổi học. Cho điểm động viên khuyến khích các em phát biểu.
Để tránh việc thụ động, giáo viên nên cho phép học sinh sử dụng khung chat trong phần mềm học để gõ vào ý kiến của mình đối với câu hỏi chung. Sau đó, giáo viên nhận xét về nội dung của các em phát biểu, như vậy tiết học đó các em cảm thấy đỡ ngại. Hoặc yêu cầu học sinh nộp bài tập qua các ứng dụng, em nào cũng phải làm. Đối với những học sinh tâm lý yếu, thụ động thì cho phép các em nhắn riêng với thầy cô để trả lời câu hỏi.
Ngoài ra, điều quan trọng là phụ huynh cần tôn trọng không gian riêng tư của lớp học. Tùy vào độ tuổi của học sinh mà phụ huynh có cách giám sát con thích hợp.Đối với học sinh THCS, phụ huynh đôi khi không cần ngồi kế bên để kèm con, họ có thể đi qua phòng bên cạnh hoặc không gian khác để "giám sát" con có học hay không.
"Khi phụ huynh ở cùng, học sinh rất ngại phát biểu, có lúc bị thầy cô la thì sợ ba mẹ sẽ la. Những học sinh khác trong lớp cũng sợ khi trong lớp học của mình có ba mẹ của các bạn khác đang nhìn, các em sẽ có tâm lý ngại" - thầy Bảo nói. Bên cạnh đó, giáo viên cần tổ chức hoạt động trải nghiệm sáng tạo, lựa chọn dự án để học sinh ở nhà làm sản phẩm học tập, nắm lại kiến thức bài và có điểm kiểm tra giữa kỳ.
Không nên áp đặt trẻ
Các giáo viên cho rằng ở thời điểm này, cả giáo viên, phụ huynh và học sinh đều rất căng thẳng khi học trực tuyến. Với những trẻ ở bậc tiểu học, phụ huynh phải đi làm trở lại và ít có thời gian đồng hành với trẻ, nên các em dễ mất phương hướng, hoang mang khi học. Vì vậy, phụ huynh đừng vội vàng áp đặt trẻ, la mắng hay chỉ trích. Thay vào đó, hãy quan tâm, động viên và giúp trẻ vượt qua những rào cản khi học trực tuyến.
Bình luận (0)