GS-TS Lê Anh Vinh cũng đánh giá Bộ GD-ĐT, Sở GD-ĐT các địa phương và các đối tác đã nỗ lực để tạo ra nguồn tài nguyên về học tập tốt nhất cho học sinh, để các nhà trường và thầy cô có thể sử dụng.
Học sinh Hà Nội thực hiện một bài kiểm tra trực tuyến
Tiến tới các trường học thông minh
Thời gian đầu của dịch Covid-19, học trực tuyến chỉ là giải pháp tình thế để không làm gián đoạn hoạt động, nhưng hiện nay, lựa chọn này là một xu thế tất yếu. Trong năm học 2021-2022, các trường đã chủ động trong việc xây dựng các kế hoạch bài giảng, kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin của các thầy cô giáo tăng lên nhanh chóng, việc cập nhật, sử dụng công nghệ nhanh, không gặp trở ngại…
Nhận định của GS Lê Anh Vinh đã nhận được sự đồng tình của nhiều chuyên gia giáo dục tại hội thảo "Dạy và học trực tuyến - Khó khăn thực tế và giải pháp công nghệ" do iSMART Education tổ chức chiều 22-10 dưới sự bảo trợ của Sở GD-ĐT Hà Nội. Ông Bùi Đắc Tú, đại diện Sở GD-ĐT Hà Nội, cho biết ở thời điểm năm 2020, giáo viên và học sinh còn lúng túng khi buộc phải chuyển từ cách học truyền thống sang cách học trực tuyến, do ảnh hưởng của dịch bệnh. "Nhiều nhà trường, nhiều giáo viên đã phải thay đổi về quy chế trường học và quy chế học trực tuyến và gặp rất nhiều khó khăn ở thời điểm bắt đầu triển khai" - ông Bùi Đắc Tú nói.
Tuy nhiên, theo ông Tú, hiện giáo viên và học sinh đã dần thích ứng với cách dạy và học trực tuyến. Đặc biệt, các nhà trường đã chủ động xây dựng được thời khóa biểu, kế hoạch dạy học trực tuyến theo phân phối chương trình tương đối ổn định. Các thầy cô giáo cũng rất sáng tạo đi tìm hiểu các công nghệ, phần mềm hỗ trợ cho việc dạy học online.
Là một trong những trường tiên phong đưa mô hình trường học trực tuyến vào ứng dụng trong chương trình dạy học chính thức, ông Nguyễn Sĩ Thư, nhà sáng lập Alpha School, thừa nhận, khi dịch bệnh Covid-19 ập tới, Alpha cũng gặp tình trạng lúng túng giống như nhiều trường học khác. Tuy nhiên, với quyết tâm duy trì việc học tập, rèn luyện cho học sinh, trường đã dành toàn bộ nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, công nghệ để tổ chức việc giảng dạy và "sản xuất" các bài giảng. Năm học 2021 - 2022, nhà trường quyết liệt đầu tư vào các ứng dụng công nghệ mới trong dạy và học, trong đó hệ thống quản lý học tập của giải pháp dạy và học trực tuyến toàn diện MegaSchool giúp tương tác bài giảng, kiểm tra việc tiếp thu kiến thức ngay trong quá trình học tập hoặc bằng các bài kiểm tra tổng hợp. "Mô hình mà chúng tôi đang triển khai là mô hình trường học trực tuyến toàn diện" - ông Nguyễn Sĩ Thư cho hay.
Làm chủ công nghệ
"Phần lớn các thầy cô giáo, kể cả các thầy cô trước đây còn tâm lý "ngại" đổi mới, ứng dụng công nghệ thông tin, nay đã trở thành thói quen. Việc chuyển đổi số tuy vất vả, phải bỏ công bỏ sức học những cái mới, nhưng khi đã làm chủ công nghệ, hiệu quả mang lại rất lớn." - PGS-TS Lê Anh Vinh nói.
Để thúc đẩy quá trình dạy và học trực tuyến, ông Bùi Đắc Tú cho hay, trong thời gian qua, bên cạnh Thông tư 09 của Bộ GD-ĐT, Sở cũng ban hành nhiều văn bản hướng dẫn các nhà trường, thầy cô giáo nhằm tạo điều kiện về môi trường dạy học trực tuyến thuận lợi nhất. Hà Nội đã xây dựng những hệ thống dùng chung như hệ thống Hanoi study để hỗ trợ học sinh ôn tập và kiểm tra trực tuyến bằng hình thức kiểm tra trắc nghiệm khách quan. Đồng thời phối hợp với Đài PT-TH Hà Nội để xây dựng các bài giảng trên truyền hình, nhiều tỉnh thành trên toàn quốc đã xin được tiếp sóng của Đài truyền hình Hà Nội về việc dạy học
Khẳng định trường học trực tuyến không còn là biện pháp chống dịch mà đã trở thành một sự lựa chọn vì tiện lợi, chi phí hợp lý, ông Bùi Đắc Tú khẳng định, khi dịch bệnh tới đây có kết thúc chúng ta cũng khó có thể từ chối phương pháp dạy học trực tuyến và hiện nay chúng ta đang phát huy rất tốt. Sở GD-ĐT Hà Nội hiện đang chủ trì đề tài khoa học xây dựng thí điểm mô hình giáo dục thông minh đối với các trường mầm non và giáo dục phổ thông ở Hà Nội.
Bình luận (0)