Ngày 15-9, tại Hà Nội, GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng Chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông mới, đã có buổi thuyết trình về những vấn đề liên quan đến chương trình giáo dục này.
Giao quyền cho giáo viên
Theo GS Nguyễn Minh Thuyết, so với chương trình hiện hành, các môn học trong chương trình mới chú trọng việc hình thành và phát triển năng lực cho người học, đặc biệt là năng lực áp dụng kiến thức, kỹ năng đã học được vào giải quyết vấn đề của thực tiễn.
Phương pháp giáo dục sẽ không còn lối dạy truyền thụ kiến thức một chiều, thầy giảng trò nghe, thầy đọc trò chép như truyền thống. Theo chương trình mới, giáo viên chỉ là người khơi gợi, hướng dẫn để học sinh tự khám phá ra ý nghĩa bài học. Giáo viên phải tổ chức, động viên học sinh hoạt động, trao đổi nhóm, trình bày ý nghĩ của mình. Nội dung dạy học được tích hợp ở các bậc học thấp và phân hóa dần ở các bậc học cao hơn.
Tổng Chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông mới cho biết chương trình giáo dục chú trọng thực hành, vận dụng kiến thức để giải quyết vấn đề trong học tập và đời sống. Thông qua các phương pháp, hình thức tổ chức giáo dục phát huy tính chủ động và tiềm năng của mỗi học sinh. Chương trình sẽ được áp dụng tuần tự trong từng cấp học, từ năm học 2019-2020 đối với lớp 1, các năm học sau lần lượt với các lớp còn lại.
GS Nguyễn Minh Thuyết thừa nhận những nhược điểm của đội ngũ giáo viên hiện nay như thụ động, chậm đổi mới nhưng ông cho rằng nguyên nhân không đến từ giáo viên mà do cách quản lý. "Hiện nay, cách quản lý của chúng ta đang khiến giáo viên co mình lại, thụ động với công việc, trong khi bản thân giáo viên họ không hề muốn như vậy. Chương trình phổ thông mới này sẽ giao quyền tự chủ rất cao cho giáo viên" - GS Thuyết nhấn mạnh.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có những bước chuẩn bị rất cơ bản, trong đó giao cho 8 trường sư phạm trọng điểm trên cả nước triển khai đào tạo giáo viên theo chương trình mới, đổi mới cách đào tạo; tổ chức tập huấn trực tiếp, tập huấn trực tuyến cho đội ngũ giáo viên. Chưa có sự thay đổi nào về phương thức thi tốt nghiệp và tuyển sinh đại học cho đến năm 2020.
Cạnh tranh về sách giáo khoa
Trao đổi về "một chương trình - nhiều bộ sách giáo khoa (SGK)", GS Nguyễn Minh Thuyết ủng hộ việc này và dẫn chứng nhiều nước trên thế giới đã thực hiện, giáo viên và học sinh có quyền lựa chọn. "Một chương trình - nhiều bộ SGK sẽ huy động được trí lực của xã hội trong việc viết SGK, các nhóm tác giả cạnh tranh nhau, nâng chất lượng. Các nhà xuất bản cũng sẽ cạnh tranh để có được sản phẩm tốt nhất" - GS Thuyết nói.
Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận có một số tồn tại trong việc triển khai một chương trình - nhiều bộ SGK. Có thực trạng một số đơn vị đi vận động để sử dụng bộ SGK này hay bộ SGK kia; hay việc lãnh đạo sở, lãnh đạo nhà trường bị "tác động" trong việc lựa chọn hay "ép" phụ huynh mua SGK…
Do đó, GS Thuyết cho rằng cần phải có những quy định về mặt pháp luật để chấn chỉnh tình trạng này, đưa việc lựa chọn SGK trở về đúng mục đích ban đầu. Nghị quyết 88 của Quốc hội nêu rõ việc lựa chọn bộ SGK nào sẽ dựa trên ý kiến tập thể của giáo viên và phụ huynh học sinh chứ không phải do sở giáo dục địa phương quyết định.
GS Nguyễn Minh Thuyết rất tâm đắc với việc ở nhiều nước trên thế giới, học sinh và gia đình không phải mua SGK, không phải mang sách về nhà vì nhà trường đã chuẩn bị đầy đủ. Tuy nhiên, ở Việt Nam, do bài toán kinh phí nên khó thực hiện; còn hệ thống thư viện trong nhà trường thì đang teo tóp, không phát huy được vai trò.
Học sinh tự chọn nghề
Nói về giáo dục nghề nghiệp, định hướng nghề nghiệp, GS Nguyễn Minh Thuyết khẳng định trường phổ thông không thể chạy đua với trường dạy nghề. Chương trình phổ thông mới sẽ giúp học sinh nhìn được bức tranh toàn cảnh về nghề nghiệp, thị trường lao động, từ đó có định hướng nghề nghiệp và đặt ra kế hoạch học tập phù hợp. Giáo dục nghề nghiệp giúp học sinh chuẩn bị kiến thức để không bỡ ngỡ khi chọn nghề, bởi hiện nay nhiều em học xong không biết chọn nghề gì, phần lớn là do gia đình lựa chọn.
Bình luận (0)