Sau hàng loạt vụ học sinh đánh nhau gây bức xúc trong dư luận, ngày 28-7, Bộ GD-ĐT đã tổ chức hội thảo “Giải pháp phòng ngừa từ xa và ngăn chặn tình trạng học sinh đánh nhau”.
Gần 1.600 vụ/năm
Ông Trần Quang Quý, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, thống kê từ đầu năm học 2009-2010 đến nay, cả nước đã xảy ra 1.598 vụ học sinh đánh nhau ở cả trong và ngoài trường học. Các nhà trường đã xử lý kỷ luật khiển trách 881 học sinh, cảnh cáo 1.558 học sinh và buộc thôi học có thời hạn (3 ngày, 1 tuần, 1 năm học) tới 735 học sinh. Tính bình quân, cứ 11.111 học sinh thì có 1 em bị buộc kỷ luật thôi học có thời hạn vì đánh nhau.
Trong số các vụ đánh nhau mà Bộ GD-ĐT thống kê được, ông Quý cho biết phần lớn là xích mích nhỏ nhưng cũng có không ít vụ việc rất nghiêm trọng như nữ sinh đánh nhau hội đồng, làm nhục bạn, quay phim rồi tung lên mạng coi như “chiến tích” ở Hà Nội, TPHCM, An Giang, Quảng Ngãi...
Nhiều học sinh đã sử dụng hung khí, gây thương tích nặng cho bạn. Năm học 2009-2010, đã có 7 vụ học sinh đánh nhau dẫn đến chết người trong và ngoài trường học.
Một vụ học sinh đánh nhau ở tỉnh Lào Cai
Cũng theo ông Quý, có không ít học sinh câu kết với các đối tượng thanh thiếu niên đã bỏ học ngoài xã hội, chặn đường đánh các học sinh khác hoặc tổ chức thành từng nhóm đánh nhau có hung khí, ngoài trường học.
Tiền nhiều, quan tâm ít
Ông Trần Quang Quý cho rằng bạo lực học đường xuất phát từ bản thân học sinh lẫn sự giáo dục trong gia đình. Ông Hoàng Văn Tiến, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em, Bộ LĐ-TB-XH, cho rằng rất nhiều ông bố, bà mẹ hiện nay, kể cả cán bộ công chức, nuôi con nhưng lại rất ít hiểu con, không quan tâm đến nhu cầu, yêu cầu phát triển của trẻ nên dễ dẫn đến sự phát triển lệch lạc của con.
Cần kết hợp nhiều bộ, ngành
Kết luận hội thảo, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh cần phải làm thế nào để huy động được sức mạnh toàn xã hội, làm cho trẻ em vui chơi tích cực, lành mạnh. Điều này chỉ mỗi Bộ GD-ĐT không làm được mà phải có sự kết hợp của nhiều bộ, ngành, đoàn thể, gia đình.
Phó Thủ tướng cũng gợi ý Bộ GD-ĐT và các cơ quan hữu quan cần tham mưu cho Thủ tướng để ban hành một chỉ thị về vấn đề này. |
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho rằng môi trường xã hội phát triển rất nhanh, trình độ văn hóa của bố mẹ cũng tăng lên nhưng sự quan tâm đến con cái lại giảm đi.
Về phía nhà trường, ông Trần Quang Quý thừa nhận chương trình giáo dục còn nặng về thành tích, quan tâm đến việc dạy văn hóa chứ chưa chú ý đúng mức đến phát triển tâm sinh lý, đạo đức lối sống học sinh.
Truyền “kỹ năng sống”
Ông Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội, hiệu trưởng một trường dân lập chuyên tiếp nhận những học sinh cá biệt của Hà Nội, chia sẻ kinh nghiệm rằng để quản lý học sinh, những ngày đầu, trường nơi ông làm hiệu trưởng phải mời lực lượng công an mặc cảnh phục gác trường nhưng đến nay thì tỉ lệ đậu tốt nghiệp của trường lên tới 95%.
Để giải quyết bài toán học sinh kém không chịu học, chỉ thích đánh nhau, trường đã tổ chức hướng nghiệp gắn với thực hành cho học sinh, dạy cho các em có động lực học, động lực sống, có trách nhiệm với cá nhân và với xã hội. Năm năm nay, trường đã dạy chương trình “giá trị sống”, “kỹ năng sống” cho học sinh.
Kinh nghiệm của ông Lâm được Phó Thủ tướng hoan nghênh. Phó Thủ tướng nhấn mạnh ngay trong năm học này, các trường nên nghiên cứu thí điểm một biên chế giáo viên tư vấn cho học sinh trong nhà trường.
Ông Trần Quang Quý đưa ra giải pháp, bên cạnh việc phải có thái độ kiên quyết, phê phán công khai và xử lý kỷ luật nghiêm đối với hành vi đánh nhau của học sinh, các trường cần thành lập “đội an ninh học đường” nhằm nắm bắt tình hình, kịp thời giải quyết các mâu thuẫn và ngăn chặn hiệu quả các vụ đánh nhau.
Bình luận (0)