Hôm qua, 8-7, gần 1 triệu thí sinh trên cả nước đã kết thúc các môn thi cuối cùng, kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021. Ngay sau khi kỳ thi kết thúc, chiều tối 8-7, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đã tổ chức họp báo tổng kết kỳ thi được đánh giá là "kỳ thi lịch sử" này.
Các tình huống bất ngờ đều nằm trong kịch bản
Đánh giá về kỳ thi, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ nhận định kỳ thi đã diễn ra an toàn, nghiêm túc, tạo được sự đồng thuận cao và đánh giá tích cực của xã hội. Tổng số thí sinh dự thi là 981.773 em, đạt tỉ lệ 96,13% so với tổng số thí sinh đăng ký dự thi. Tổng số thí sinh bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nên không thể dự thi là 23.569 em, chiếm tỉ lệ 2,31%.
Các địa phương đều có các giải pháp hỗ trợ tối đa cho thí sinh trong các ngày thi, bảo đảm không để thí sinh nào vì hoàn cảnh khó khăn mà không đến dự thi. Tất cả thí sinh, kể cả trường hợp ốm đau, không tự viết bài được cũng đã được tạo điều kiện để có thể tham dự kỳ thi.
PGS-TS Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT), cho biết theo báo cáo của các địa phương, công tác coi thi của kỳ thi tại tất cả điểm thi diễn ra an toàn, nghiêm túc, bảo đảm khách quan, công bằng, kỷ luật phòng thi được duy trì nghiêm trên phạm vi cả nước. Các hành vi vi phạm quy chế thi được phát hiện và xử lý kịp thời, bảo đảm tính nghiêm minh của kỳ thi. Cho đến thời điểm này, chưa ghi nhận hiện tượng tiêu cực, gian lận có tổ chức. "Theo số liệu thống kê, trong cả kỳ thi chỉ có 18 thí sinh vi phạm quy chế thi và bị đình chỉ thi do mang điện thoại vào phòng thi" - ông Trinh cho biết.
Thí sinh thi môn tổ hợp tại điểm thi Trường THPT Lê Anh Xuân (quận 11, TP HCM). Ảnh: TẤN THẠNH
Tuy nhiên, tại một số tỉnh, thành đã xuất hiện thí sinh mắc Covid-19 trong quá trình tổ chức thi. Bộ GD-ĐT cho hay do đã chuẩn bị phương án dự phòng từ trước nên các địa phương đã xử lý bảo đảm quy trình phòng chống dịch, đồng thời tổ chức thi an toàn cho các thí sinh. Các địa phương như TP HCM, Phú Yên, Đồng Tháp, khi phát hiện có thí sinh dương tính với SARS-CoV-2 trong các buổi thi, các địa phương đã có cách xử lý chủ động, phù hợp.
"Những tình huống bất ngờ này đều nằm trong kịch bản tổ chức kỳ thi và khi diễn ra đã ngay lập tức được ứng phó. Do đó các điểm thi hoàn toàn không có sự bị động, bất ngờ. Các thí sinh thuộc diện F0 đều nhanh chóng được đưa đi cách ly, các thí sinh F1, F2 liên quan cũng được được thi giãn cách, thi ở phòng thi dự phòng và thi xong được đưa đi cách ly theo quy định. Đó đều là những tình huống nằm trong kịch bản ứng phó với dịch Covid-19 và chúng ta đã làm chủ được tình hình" - ông Mai Văn Trinh nhấn mạnh.
Trả lời câu hỏi về chất lượng coi thi ở các địa phương, ông Mai Văn Trinh cho biết mong muốn của Bộ GD-ĐT là tổ chức một kỳ thi an toàn, nghiêm túc trong bối cảnh dịch bệnh vẫn còn hoành hành nhưng do có nhiều lý do khác nhau nên có sự cố. Quan điểm của Bộ GD-ĐT là khi có sự cố xảy ra, sau khi điều tra được sự việc, chắc chắn phải xử lý nghiêm theo quy định.
Bảo đảm quyền lợi cho thí sinh thi đợt 2
Trả lời câu hỏi về hướng giải quyết thế nào với thí sinh đã thi một số môn nhưng phải dừng vì liên quan đến Covid-19, ông Trinh cho hay những em thuộc diện F0 được quyền đặc cách xét tốt nghiệp nếu không có nguyện vọng xét tuyển đại học. Nếu không chọn quyền đặc cách, các em có thể đăng ký thi tiếp các môn còn lại ở đợt 2, điểm các môn đợt 1 được giữ nguyên. Đây là cách giải quyết phù hợp với thực tiễn và đặt quyền lợi của thí sinh lên trên hết. Đề thi tốt nghiệp THPT đợt 2 sẽ được xây dựng theo hướng tương đồng về độ khó so với đợt 1.
Về quyền lợi của thí sinh bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 khi xét tuyển đại học, bà Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD-ĐT), cho hay thí sinh F0 sẽ được đặc cách tốt nghiệp nhưng chưa thể tham gia xét tuyển đại học. Ở đợt 2, nếu các em có nguyện vọng vẫn có thể tham gia dự thi.
"Trường hợp xấu nhất thì có thể dùng nhiều phương pháp khác để tham gia xét tuyển. Cơ hội dành cho các em khá nhiều, 45% chỉ tiêu là dành cho các phương pháp xét tuyển khác" - bà Thủy cho hay. Bộ GD-ĐT hiện đã thống nhất việc sẽ chỉ xét tuyển đại học sau khi hoàn tất cả 2 đợt thi và có công văn hướng dẫn các trường đại học về việc này. "Nếu đợt thi thứ 2 quá xa so với đợt thi 1, chúng ta có thể chờ đợi vì còn nhiều quỹ thời gian để dự trữ. Nếu bất khả kháng, ảnh hưởng nhiều đến lịch trình năm học của các trường, sẽ đưa ra những hướng dẫn cụ thể. Chúng tôi sẽ chờ đợi thí sinh, các em có thể yên tâm" - bà Thủy nói.
Xử nghiêm trường hợp làm lọt đề toán ở Quảng Bình
Liên quan đến thông tin đề thi môn toán lọt ra ngoài khi các thí sinh vẫn đang làm bài, ông Mai Văn Trinh thừa nhận sự việc là có thật. "Ngay khi nhận được thông tin này, chúng tôi đã đề nghị cơ quan công an vào cuộc điều tra và xác định thí sinh đưa đề ra ngoài là một thí sinh ở Trường THPT Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. Em này đã sử dụng điện thoại di động chụp ảnh đề thi và đăng lên" - ông Mai Văn Trinh cho biết. Sau khi điều tra xác minh ra sự việc, thí sinh này đã bị đình chỉ thi vào buổi thi môn ngoại ngữ chiều 8-7. "Sự cố đề thi toán lần này không phải lộ đề mà "lọt" đề. "Lộ đề" xảy ra khi chưa bóc đề thi và làm bài. Còn lọt đề là đề thi bị "lọt" ra khi thí sinh đã làm bài" - ông Trinh khẳng định. Ông cũng cho hay thêm ngay sau khi phát hiện thí sinh đưa đề ra ngoài, Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Bình cũng đã yêu cầu các giám thị liên quan phải viết tường trình và không được tiếp tục làm công tác coi thi trong thời gian tới. Sau khi xác minh, các cơ quan chức năng sẽ tiếp tục có hình thức xử lý cụ thể với từng cá nhân có liên quan.
Bình luận (0)