Ngày 20-9, trong buổi họp phụ huynh học sinh của Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TPHCM), nhiều phụ huynh không khỏi choáng váng khi nghe thông báo đóng tiền quỹ trường, quỹ lớp. Trong đó, tiền quỹ lớp mới chỉ là thu cho học kỳ I, còn học kỳ II nếu phát sinh thêm sẽ thông báo thu thêm...
Phụ huynh lớp 12A4 Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TPHCM) đóng 600.000 đồng quỹ hội phụ huynh lớp, trường sau buổi họp phụ huynh đầu năm. Ảnh: TH.VINH
Thu tiền phụ huynh làm... lưu bút
Có mặt tại lớp 12A3, chúng tôi được nghe hội trưởng hội phụ huynh học sinh lớp yêu cầu mỗi phụ huynh đóng tổng cộng 600.000 đồng gồm 300.000 đồng quỹ trường và 300.000 đồng quỹ lớp. Một phụ huynh liền đứng dậy phản ứng: “Vì sao năm học trước chỉ đóng 250.000 đồng quỹ lớp cho cả năm, mà năm nay đã tăng lên 300.000 đồng vẫn chưa phải là con số cuối cùng?”.
Hội trưởng hội phụ huynh học sinh lớp giải thích rằng ngoài việc hỗ trợ nhà trường kinh phí khen thưởng học sinh giỏi, học sinh thi thử ĐH đạt điểm cao, còn phải mua nước sát khuẩn phòng ngừa cúm A/H1N1, quà tặng cho giáo viên ngày 20-11... Trong đó, mức khen thưởng dự tính cho một học sinh giỏi hạng nhất là 300.000 đồng, hạng nhì 200.000 đồng, hạng ba là 100.000 đồng.
Một phụ huynh bức xúc: “Học sinh giỏi nên thưởng 50.000 - 100.000 đồng để khuyến khích, chứ đừng thêm gánh nặng cho phụ huynh”.
Không khí buổi họp càng căng thẳng khi cô chủ nhiệm đề nghị phụ huynh ủng hộ thêm 2 khoản, đó là chiếc áo truyền thống của lớp vì các em ra trường sẽ giữ lại làm kỷ niệm và sổ lưu bút ghi dấu ấn 3 năm học tại trường. Nhiều phụ huynh lắc đầu ngao ngán vì cho rằng lưu bút thì chỉ cần dùng cuốn tập là được, cần gì phải in ấn “hoành tráng” đến vài trăm ngàn đồng.
Dù có ý kiến này khác nhưng cuối cùng, tất cả phụ huynh trong lớp đều phải chấp nhận đóng số tiền trên. Phụ huynh được yêu cầu đóng tiền ngay tại buổi họp, ai không đem đủ thì đóng trước một nửa.
Quét vôi, sửa cửa cũng phụ huynh
Cuộc họp phụ huynh đầu năm tại Trường THCS Hà Huy Tập (quận Bình Thạnh - TPHCM) diễn ra tuần trước cũng gây bức xúc cho phụ huynh lớp 8 khi cô giáo “gợi ý” phụ huynh đóng góp để quét vôi lớp, sửa cửa sổ, đóng bục giảng...
Phụ huynh thắc mắc năm nào cũng đóng tiền cơ sở vật chất, tiền quỹ hội phụ huynh, vậy số tiền này đi đâu? Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Bá Hoàng, hiệu trưởng nhà trường, cho biết: Ban đại diện cha mẹ học sinh các lớp đã vận động phụ huynh đóng góp làm công trình của lớp vì các phòng học của trường đã cũ, phụ huynh muốn làm cho đẹp hơn chứ trường không áp đặt.
Tuy nhiên, ông Hoàng cũng thừa nhận: Lẽ ra, việc xây dựng, sửa chữa là chuyện của trường nhưng chỉ khi nào sửa chữa lớn, ngân sách Nhà nước mới cấp, còn tiền cơ sở vật chất mỗi năm trường thu được 60 triệu đồng (30.000 đồng/học sinh/năm) chỉ đủ sửa chữa nhỏ như thay bàn ghế, thay bóng đèn, bảo dưỡng đường điện, nước...
Tại trường này, phụ huynh của lớp 7 còn đóng 30.000 đồng trang bị micro cho lớp, 20.000 đồng mua nhiệt kế.
Nhiều phụ huynh Trường Tiểu học Tô Vĩnh Diện (quận Bình Thạnh) cũng bức xúc vì không rõ khoản thu 200.000 đồng quỹ phụ huynh sẽ chi vào đâu? Tại buổi họp phụ huynh, nhiều người gia cảnh khó khăn đã đề nghị được đóng làm 2 lần, tức là đóng từng học kỳ vì đầu năm đã quá nhiều khoản chi.
Bà Nguyễn Thị Hoàng Anh, hiệu trưởng nhà trường, cho biết: Ban đại diện cha mẹ học sinh vận động đóng góp để hỗ trợ cho các hoạt động của trường. Mức 200.000 đồng đã được lấy biểu quyết của đa số phụ huynh. Trong đó, 10%- 15% hỗ trợ cơ sở vật chất, 60% hỗ trợ khen thưởng, các phong trào, 25%-30% hỗ trợ học sinh khó khăn, thăm hỏi...
Bà Hoàng Anh nhấn mạnh: “Trường cũng đề nghị ban đại diện không ép buộc, phụ huynh đóng góp bao nhiêu thì tùy, kể cả không tham gia, nếu không muốn”. Dù nguyên tắc đóng góp là như vậy nhưng có phụ huynh nào muốn để lại “dấu ấn” khi không đóng quỹ phụ huynh?
Bình luận (0)