Một số nhà tuyển sinh cảnh báo nếu không có chính sách điều chỉnh trong thi cử, khối C và các khối thi có môn xã hội sẽ “tuyệt chủng”.
Phóng viên đã trao đổi với Thứ trưởng GD-ĐT Bùi Văn Ga về vấn đề này.
PV: Theo thống kê ban đầu, chỉ có 4,54% thí sinh nộp hồ sơ vào khối C ở Hà Nội. Theo ông, vì sao lượng thí sinh thi vào khối C ngày càng ít?
Thứ trưởng Bùi Văn Ga |
Thứ tưởng Bùi Văn Ga: Thống kê năm nào cũng vậy, tình trạng thí sinh đăng ký thi vào các ngành khối C rất ít: Năm 2010 trên 7%, năm 2011 có khoảng trên 6% thí sinh. Năm nay theo thống kê chưa đầy đủ, số lượng hồ sơ đăng ký thi vào khối C cũng không cải thiện gì nhiều. Có rất nhiều lý do.
Trước hết là khả năng tìm việc làm và cơ hội thăng tiến trong nghề nghiệp của những ngành thuộc khối C thấp hơn so với một số ngành khác.
Bên cạnh đó, cách dạy, cách học những môn học khối C ở bậc phổ thông chưa hấp dẫn, dẫn đến tư tưởng học đối phó và học sinh không thấy hứng thú để lựa chọn những ngành nghề có liên quan những môn học này.
Việc tuyển dụng lao động ngoài xã hội cũng chưa thực sự quan tâm đến ngành nghề sở trường của người học.
Có ý kiến cho rằng cơ cấu ngành nghề đào tạo của các trường ĐH cũng ảnh hưởng lớn đến thí sinh khối C. Ông có nghĩ như vậy không?
Các sở GD-ĐT bàn giao hồ sơ cho các trường ĐH ngày 10-5-2012 - Ảnh : Hồ Thu
- Có một điều chắc chắn là những ngành nghề về kinh tế, quản trị kinh doanh, tài chính ngân hàng, luật… hiện nay đã vượt rất xa so với qui hoạch và nhu cầu thực tế.
Theo quy hoạch tại Quyết định 121 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ thì đến năm 2020, chúng ta cần 20% sinh viên khối ngành này nhưng hiện đã lên đến khoảng 38%, nghĩa là gần gấp đôi so với quy hoạch.
Hiện nay, sinh viên những ngành nghề nói trên khi tốt nghiệp có thể tìm việc làm dễ dàng hơn những ngành khác. Những năm gần đây, mỗi năm có trên 50.000 doanh nghiệp nhỏ và vừa được thành lập và đã thu hút một số lượng đáng kể nhân lực thuộc các ngành kinh tế, kế toán, tài chính, ngân hàng…
Nhưng không phải tốc độ thành lập doanh nghiệp cứ mãi ở mức cao mà sẽ đến lúc bão hòa; một số doanh nghiệp không làm ăn được sẽ giải thể. Do đó nhu cầu nhân lực cho những ngành ấy sẽ không còn “nóng” như bây giờ.
Có ý kiến nên bỏ khối C! Ông nghĩ sao?
- Các môn xã hội nhân văn góp phần quan trọng trong việc hình thành nhân cách con người. Dù học bất cứ ngành nào, sinh viên cũng cần được trang bị kiến thức cơ bản về xã hội, nhân văn.
Có kiến thức này con người mới sáng tạo ra được những sản phẩm thân thiện, xây dựng cơ chế chính sách quản lý nhân văn cho xã hội hiện đại…
Vì vậy, trong nền giáo dục hiện đại, những kiến thức xã hội nhân văn không những không bỏ mà cần được tăng cường giảng dạy cho sinh viên của tất cả các ngành.
Lựa chọn ngành nghề là tự nguyện của thí sinh, không thể can thiệp bằng biện pháp hành chính. Bộ GD-ĐT thông qua kiểm tra, giám sát các điều kiện đảm bảo chất lượng sẽ khống chế chỉ tiêu tuyển sinh vào các ngành này.
Trong các đợt kiểm tra vừa qua, bộ đã cho dừng tuyển sinh một số ngành, chủ yếu là các ngành thuộc lĩnh vực quản lý do số sinh viên trên mỗi giảng viên quá lớn.
Sự thay đổi tư duy học sinh trong lựa chọn khối C cũng cần có sự phối hợp chặt chẽ của tất cả các ngành, của toàn xã hội.
Công tác hướng nghiệp ở bậc phổ thông cần được làm tốt. Phương pháp dạy và học những môn thuộc khối C cần thay đổi căn cứ để tạo ra sức hấp dẫn thu hút học sinh quan tâm chọn học, không phải là môn học thuộc lòng.
Trong lộ trình đổi mới tuyển sinh sắp tới, Bộ GD-ĐT sẽ nghiên cứu cách thi để sao cho các ngành xét tuyển đều có sự tích hợp ít nhiều kiến thức xã hội nhân văn. Nghĩa là kiến thức xã hội nhân văn không chỉ giới hạn cho những sinh viên theo khối C như hiện nay mà cho sinh viên của tất cả các khối.
Điều này liên quan đến việc đổi mới cách học và cách dạy ở bậc phổ thông trong thời gian sắp tới.
Bình luận (0)