Theo Thông tư hướng dẫn việc lựa chọn sách giáo khoa (SGK) trong cơ sở giáo dục phổ thông được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) ban hành có hiệu lực thi hành từ ngày 15-3-2020, giáo viên sẽ bỏ phiếu kín lựa chọn SGK mới.
Chọn theo từng môn
Căn cứ tiêu chí lựa chọn SGK, UBND cấp tỉnh sẽ quy định cụ thể tiêu chí lựa chọn sách phù hợp với cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn dựa trên tham mưu của sở GD-ĐT. Giải thích thêm về điều này, PGS-TS Nguyễn Xuân Thành - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD-ĐT - cho hay các sở GD-ĐT sẽ cụ thể hóa đặc điểm kinh tế - xã hội của địa phương như môi trường tự nhiên, địa lý, lịch sử, văn hóa, xã hội, ngành nghề sản xuất… làm căn cứ lựa chọn SGK gắn kiến thức với thực tiễn tại địa phương. Sở GD-ĐT cũng cụ thể hóa điều kiện dạy và học trong các nhà trường làm căn cứ để lựa chọn SGK.
Hội đồng lựa chọn SGK của các trường sẽ do người đứng đầu nhà trường thành lập. Mỗi trường thành lập một hội đồng, đối với trường phổ thông có nhiều cấp học, mỗi cấp học thành lập một hội đồng. Hội đồng bao gồm người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu, tổ trưởng tổ chuyên môn, đại diện giáo viên dạy các môn học, hoạt động giáo dục có SGK được lựa chọn, ban đại diện cha mẹ học sinh. Số lượng thành viên hội đồng là số lẻ, tối thiểu là 11 người, trong đó có ít nhất 2/3 là tổ trưởng tổ chuyên môn và giáo viên. Đối với cơ sở giáo dục có quy mô dưới 10 lớp, số lượng thành viên hội đồng tối thiểu là 7 người.
Các tổ chuyên môn sẽ tổ chức nghiên cứu, thảo luận và đánh giá SGK của các môn học thuộc chuyên môn phụ trách theo tiêu chí lựa chọn. Giáo viên bỏ phiếu kín lựa chọn một đầu sách cho mỗi môn học thuộc phạm vi đánh giá, lựa chọn của tổ chuyên môn. Sau đó, tổ chuyên môn báo cáo hội đồng danh mục SGK được lựa chọn, sắp xếp theo thứ tự số phiếu đồng ý lựa chọn từ cao xuống thấp. Hội đồng sẽ họp, thảo luận, đánh giá SGK trên cơ sở danh mục SGK do các tổ chuyên môn đề xuất chọn theo các nguyên tắc quy định và tiêu chí lựa chọn. Hội đồng bỏ phiếu kín lựa chọn SGK.
Trước băn khoăn liệu việc lựa chọn SGK của một trường có nhất thiết phải theo bộ của một nhà xuất bản hay có thể chọn SGK theo môn, ông Nguyễn Xuân Thành cho hay việc lựa chọn SGK không nhất thiết phải theo bộ mà chọn theo từng môn học, hoạt động giáo dục.
Giáo viên tham khảo các bộ sách giáo khoa mới
Không ảnh hưởng đến kiểm tra, đánh giá
Việc giao cho mỗi trường quyền chọn SGK dùng trong trường mình được dự báo là dẫn đến tình trạng mỗi trường một bộ sách, có thể dẫn đến khó khăn trong kiểm tra, đánh giá. Tuy nhiên, ông Thành cho rằng Bộ GD-ĐT đã ban hành chương trình giáo dục phổ thông bao gồm chương trình tổng thể và các chương trình môn học, mọi SGK đều phải đáp ứng yêu cầu của chương trình mới được phê duyệt, cho phép sử dụng. Trong cùng một bài học/chủ đề có nội dung kiến thức giống nhau, các SGK khác nhau có cách thể hiện khác nhau, sử dụng ngữ liệu, thông tin khác nhau nhưng đều phải chuyển tải cùng nội dung kiến thức đó. Vì vậy, các trường có thể sử dụng các SGK khác nhau cho cùng một môn học, hoạt động giáo dục nhưng không ảnh hưởng hay khó khăn gì trong quản lý, kiểm tra, đánh giá. Ông Thành cũng nhấn mạnh việc dạy học, kiểm tra, đánh giá và thi phải theo chương trình, đáp ứng mục tiêu, nội dung, yêu cầu cần đạt quy định tại chương trình.
Trước lo lắng việc cung ứng SGK của các nhà xuất bản liệu có gặp khó khăn khi mà mỗi trường lại có thể lựa chọn một bộ SGK khác nhau, đại diện Bộ GD-ĐT trấn an: Thông tư của Bộ GD-ĐT đã quy định trách nhiệm của sở GD-ĐT phải tổng hợp, báo cáo Bộ GD-ĐT, UBND cấp tỉnh và cung cấp thông tin cho các nhà xuất bản có SGK được chọn về danh mục, số lượng SGK mỗi nhà xuất bản cần cung ứng, bao gồm số lượng dự phòng, để bảo đảm có đầy đủ SGK trước khi bắt đầu mỗi năm học mới. Từ đó, các nhà xuất bản sẽ nhận được thông tin cụ thể để chủ động in, phát hành.
Các trường phải hoàn thành việc chọn SGK trước khi bắt đầu năm học mới ít nhất 4 tháng. Như vậy, đến ngày 30-4, các NXB đã có đầy đủ thông tin về danh mục, số lượng SGK do các sở GD-ĐT cung cấp để thực hiện việc in, phát hành phục vụ năm học 2020 - 2021.
Quy trình chọn sách
SGK được lựa chọn phải có trên 1/2 số thành viên của hội đồng bỏ phiếu đồng ý lựa chọn. Trường hợp không được trên 1/2 số thành viên của hội đồng bỏ phiếu đồng ý lựa chọn, hội đồng thảo luận, phân tích các tiêu chí và bỏ phiếu lựa chọn lại. Sau lần bỏ phiếu thứ hai, nếu vẫn không được trên 1/2 số thành viên của hội đồng bỏ phiếu đồng ý lựa chọn thì hội đồng quyết định lựa chọn SGK có số phiếu đồng ý cao nhất trong danh mục. Hội đồng đề xuất với người đứng đầu cơ sở giáo dục phổ thông danh mục SGK đã được hội đồng lựa chọn để sử dụng trong cơ sở giáo dục. Trên cơ sở đề xuất của hội đồng, người đứng đầu cơ sở giáo dục phổ thông quyết định danh mục SGK được sử dụng.
Bình luận (0)