Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Thái Văn Tài - Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), cho hay Bộ GD-ĐT sẽ sớm công bố sách giáo khoa (SGK) tiếng Anh lớp 1.
Tránh va chạm pháp lý
Lý giải sự chậm trễ của việc công bố các SGK tiếng Anh, ông Tài cho hay xuất phát từ lý do bản quyền. Để tránh những va chạm pháp lý, Bộ GD-ĐT sẽ không sử dụng những SGK tiếng Anh có tác giả là người nước ngoài.
Theo chia sẻ của ông Thái Văn Tài, trước đó, nhiều nhà xuất bản đã tham khảo nhiều dữ liệu quốc tế và hợp tác với các tác giả nước ngoài trong quá trình biên soạn SGK tiếng Anh. Điều này nhằm hội nhập và phù hợp với các quốc gia tiên tiến cũng như thông lệ quốc tế trong quá trình biên soạn. Ông Thái Văn Tài khẳng định việc không sử dụng SGK tiếng Anh do các tác giả nước ngoài biên soạn là phù hợp với tinh thần của Thông tư 33/2017 và các văn bản khác liên quan.
Lý do mà ông Thái Văn Tài chia sẻ trái ngược hẳn với công bố trước đây của Bộ GD-ĐT. Tại cuộc họp báo công bố 32 SGK lớp 1 hồi cuối tháng 11-2019, Bộ GD-ĐT cho biết sau 2 vòng thẩm định của đợt đầu tiên, 38 bản thảo SGK được hội đồng thẩm định quốc gia đánh giá đạt, đã bàn giao cho Bộ GD-ĐT. Ở môn tiếng Anh, tất cả 6 bản thảo SGK đều được đánh giá "đạt". Tuy nhiên, Bộ GD-ĐT mới chỉ phê duyệt 32 SGK của các môn và hoạt động giáo dục mà không có môn tiếng Anh. Lý giải tại sao chưa có sách tiếng Anh, ông Thái Văn Tài cho rằng danh mục 32 SGK đã được phê duyệt, công bố là sách của môn học, hoạt động giáo dục bắt buộc. Tiếng Anh là môn học tự chọn nên 6 bản thảo SGK tiếng Anh lớp 1 sẽ được công bố sau.
Giáo viên bị động
Không chỉ chưa được tiếp cận SGK tiếng Anh, nhiều giáo viên tiểu học khi được hỏi cũng cho hay họ chưa được tiếp cận các bản mẫu SGK tiếng Anh đã được công bố. Điều này khiến giáo viên lo lắng sẽ không đủ thời gian để nghiên cứu, kịp tiến độ lựa chọn sách theo quy định của bộ vì theo quy định là cuối tháng 3-2020, các trường phải chốt việc lựa chọn bộ sách. "Để giáo viên đánh giá và đề xuất nên lựa chọn sách nào thì trong tay phải có cuốn sách đó, nên mỗi nhà trường phải có đủ 5 bộ sách. Nhiều đồng nghiệp của chúng tôi mong muốn sớm được có đầy đủ cả 5 bộ sách lớp 1 để nghiên cứu, tìm hiểu và dạy thử cho học sinh. Trong khi đó, chúng tôi chưa có SGK trong tay và thực tế nhà trường cũng không có kinh phí để mua tất cả bản mẫu SGK cho giáo viên tham khảo" - hiệu trưởng một trường tiểu học đóng tại huyện Ứng Hòa, TP Hà Nội cho hay.
Ông Nguyễn Minh Tâm, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Đồng Tháp, chia sẻ hiện việc triển khai nghiên cứu SGK mẫu có gặp một số khó khăn vì đây là sách mẫu, các nhà xuất bản chưa phát hành, chưa có giá. Địa phương cũng gặp khó về kinh phí khi mua sách mẫu cho giáo viên nghiên cứu. Theo ông Tâm, sách mẫu chưa có giá nên Sở GD-ĐT tỉnh Đồng Tháp chủ động liên hệ với các nhà xuất bản cung cấp 5 bộ sách về Đồng Tháp để tổ chức nghiên cứu, đọc tất cả. Hiện nay, các NXB đã cung cấp sách để cán bộ cốt cán nghiên cứu trong tháng 1, khi sách có bản chính thức, có niêm yết giá thì nhận sách về để hướng dẫn các trường, các giáo viên tiểu học đọc, nghiên cứu sách.
Sở GD-ĐT tỉnh Đồng Tháp sẽ có hướng dẫn cho từng trường, thành lập hội đồng chọn sách theo hướng dẫn của bộ. Đến tháng 4, tháng 5 sẽ liên hệ các nhà xuất bản, các tác giả để tập huấn, hướng dẫn việc dạy theo bộ sách để đến tháng 8-2020 bắt đầu năm học mới của lớp 1.
Bảo đảm lợi ích người học
Thông tư 33 quy định chi tiết về tiêu chuẩn, quy trình biên soạn, chỉnh sửa SGK, tiêu chuẩn tổ chức, cá nhân biên soạn SGK, tổ chức và hoạt động của Hội đồng quốc gia thẩm định SGK đã nêu rõ: "SGK phù hợp với quan điểm, đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam; tuân thủ Hiến pháp, pháp luật Việt Nam; cụ thể hóa mục tiêu, phương pháp giáo dục về đánh giá kết quả giáo dục của chương trình giáo dục phổ thông; bảo đảm tính liên thông giữa các cấp học, lớp học, môn học và hoạt động giáo dục; gắn với điều kiện cụ thể của Việt Nam và phù hợp với xu thế giáo dục tiên tiến trên thế giới, bảo đảm tốt nhất lợi ích của người học".
Bình luận (0)