Nếu luật mở thoáng quá như bài viết nêu liệu có dẫn đến tình trạng "loạn" SGK?
Thực tế cho thấy với cách thực hiện xã hội hóa nửa vời như hiện nay, qua những bộ sách đầu tiên không những chưa thể hiện được mục đích, ý nghĩa xã hội hóa việc biên soạn SGK mà còn có những xuất bản phẩm mắc lỗi không chấp nhận được, khiến dư luận phản ứng gay gắt!
Nút thắt đang nằm ngay trong Luật Giáo dục 2019. Kiến nghị Quốc hội sớm xem xét sửa đổi, bổ sung một số điều của luật này. Trước mắt, ở điều 32 cho bỏ ngay khoản 1 mục c: "UBND cấp tỉnh quyết định việc lựa chọn SGK sử dụng ổn định trong cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn theo quyết định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT)"; khoản 2: "Hội đồng quốc gia thẩm định SGK do Bộ trưởng Bộ GD-ĐT thành lập theo từng môn học, hoạt động giáo dục ở từng cấp học để thẩm định SGK (...)"; và khoản 3: "Bộ trưởng Bộ GD-ĐT chịu trách nhiệm về SGK giáo dục phổ thông; phê duyệt SGK để sử dụng trong cơ sở giáo dục sau khi được Hội đồng quốc gia thẩm định SGK thẩm định (...)".
Bỏ những điều khoản nêu trên, Bộ GD-ĐT sẽ không còn bị sa vào giải quyết các sự vụ phát sinh mất nhiều công sức như hiện nay, để bộ tập trung vào nhiệm vụ quản lý ngành và tham mưu cho Chính phủ thực hiện trọng trách "Phát triển giáo dục là quốc sách hàng đầu" - như Luật Giáo dục 2019 đã minh định.
Nên nhớ rằng ở nước ta, theo pháp luật hiện hành không có NXB của tư nhân mà chỉ có NXB của các cơ quan Đảng, nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội... Các xuất bản phẩm của NXB trước khi phát hành ra thị trường đều phải nộp lưu chiểu để cơ quan quản lý nhà nước hậu kiểm về nội dung.
Hãy để cho những chuyên gia, nhà giáo tâm huyết với sự nghiệp giáo dục tự do sáng tạo trong việc biên soạn SGK theo chương trình khung và định hướng của Bộ GD-ĐT. Hãy để cho các NXB đặt hàng, thẩm định bản thảo SGK, quyết định xuất bản, chịu trách nhiệm trước pháp luật theo luật định và cạnh tranh bình đẳng trên thị trường lời ăn lỗ chịu. Hãy để cho nhà trường, thầy cô giáo và phụ huynh học sinh - trong thời đại công nghệ hiện nay sẽ có đủ thông tin - lựa chọn những bộ SGK phù hợp với đối tượng học sinh.
Đừng để xảy ra tình trạng trái khoáy là những người biên soạn, thẩm định, phê duyệt SGK lại cậy nhờ đến vai trò thầy cô giáo trực tiếp giảng dạy và xã hội "nhặt sạn"! Không lẽ rồi đây việc tiếp tục biên soạn SGK cho 11 lớp còn lại của bậc phổ thông, cả xã hội cứ phải xúm tay "nhặt sạn" các bộ sách rồi lại "đập đi, xây lại" năm này qua năm khác?
Bình luận (0)