Phụ huynh, học sinh tìm hiểu điều kiện du học ĐH
Lợi nhiều, khó khăn cũng không ít
Những ưu điểm của du học bậc phổ thông khá rõ ràng: Có nhiều thời gian cải thiện tiếng Anh, làm quen văn hóa, phương pháp học mới; tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa và được chọn những khóa học đáp ứng nhu cầu xét tuyển của nhiều trường ĐH danh tiếng… Vì những lợi ích trên mà nhiều phụ huynh chấp nhận cho con du học sớm, dù chi phí khá đắt đỏ (bình quân học phí từ 10.000 đến ngoài 30.000 USD/năm). Thông thường, bậc học này rất ít học bổng, nếu có thì tính cạnh tranh rất cao hoặc chỉ được hỗ trợ một phần học phí nên phụ huynh phải bỏ ra số tiền khá lớn.
Trên lý thuyết, học sinh du học từ lớp 10, 11 sẽ có 1 đến 2 năm làm quen môi trường mới để sau khi tốt nghiệp phổ thông sẽ vào ĐH một cách thuận lợi. Tuy nhiên, với nhiều em nhút nhát, chưa đủ tự tin thì việc du học sớm sẽ gặp không ít khó khăn. Nhiều trường hợp du học sớm đã khá sốc vì môi trường mới xa lạ, văn hóa khác biệt, cách học quá mới mẻ và không có người thân, bạn bè bên cạnh… Một du học sinh đi du học từ lớp 10 nay đã hoàn tất bậc cử nhân tâm sự: “Nếu được lựa chọn lại, tôi sẽ đi sau khi học xong lớp 12. Tôi đã phải trải qua nhiều khó khăn trong thời gian mà đối với bạn bè cùng trang lứa ở Việt Nam, đó là những khoảnh khắc tươi đẹp nhất của tuổi học trò”.
Không nhất thiết phải vội
Ông Jon Maes, Giám đốc học vụ khu vực Đông Nam Á – Hàn Quốc thuộc Tổ chức Khảo thí ACT, nhận định nhiều phụ huynh cho con du học từ lúc 15-16 tuổi, độ tuổi chưa đủ chín để tự sống tự lập. Các em cần thêm vài năm nữa đủ trưởng thành để có thể du học thành công. Trong thời gian đó, học sinh cần trau dồi những kỹ năng cần thiết để có thể học tốt ở nước ngoài như nâng cao trình độ tiếng Anh, tìm hiểu phương pháp học, tìm hiểu văn hóa nước sẽ du học... Như vậy, việc ra nước ngoài học sẽ ít bỡ ngỡ và hòa nhập môi trường mới nhanh chóng hơn.
Đối với suy nghĩ của nhiều phụ huynh rằng học trường trung học Mỹ thì sẽ vào được ĐH Mỹ dễ dàng, ông Brian Jauregui, đại diện Phòng Tuyển sinh quốc tế California State University, Northridge, cho biết: Muốn vào ĐH Mỹ không nhất thiết phải học trường trung học ở Mỹ. Bạn có thể học bậc phổ thông ở Việt Nam, miễn là đáp ứng được các điều kiện tuyển sinh của trường ĐH muốn vào là được. Ví dụ, một học sinh nộp đơn vào học ĐH ngành điện ảnh thì dù ở Mỹ hay Việt Nam, trong quá trình học phổ thông cũng phải tham gia vào dự án nào đó, quay được một đoạn phim ngắn nào đó để chứng tỏ với trường ĐH rằng mình có năng khiếu đáp ứng được yêu cầu đặt ra của khoa, của nhà trường…
Bình luận (0)