Với lượng thí sinh (TS) đạt điểm sàn cao hơn mọi năm, trong khi chỉ tiêu xét tuyển ở các trường công lập lẫn ngoài công lập vẫn còn rất nhiều, cuộc đua xét tuyển nguyện vọng (NV) 2 sẽ rất khó đoán. Năm nay, nhiều trường công lập “tung” nhiều chỉ tiêu xét tuyển NV bổ sung (hay còn gọi là NV 2). Tuy nhiên, mức điểm xét tuyển hầu hết ở các trường công lập đều cao nên khả năng cạnh tranh rất quyết liệt
Gần 1.000 câu hỏi của thí sinh và phụ huynh gửi đến với Ban Tư vấn tuyển sinh của Báo Người Lao Động tại buổi trực tuyến về nguyện vọng bổ sung Ảnh: Tấn Thạnh
Cửa hẹp trường công
Một trong những trường ĐH công có chỉ tiêu xét tuyển NV2 cao nhất đó là Trường ĐH Ngân hàng TP HCM với gần 700 chỉ tiêu hệ ĐH, trong đó ngành tài chính ngân hàng xét tuyển đến 300 chỉ tiêu với mức điểm xét tuyển 17,5 điểm trở lên. Các ngành ngôn ngữ Anh 130 chỉ tiêu, quản trị kinh doanh 120 chỉ tiêu, kế toán 80 chỉ tiêu, hệ thống thông tin quản lý 50 chỉ tiêu với mức điểm xét tuyển 16,5 trở lên.
Đánh giá về cơ hội trúng tuyển, ThS Trương Tiến Sỹ, phó trưởng phòng đào tạo của trường, cho rằng điểm chuẩn xét tuyển NV2 khả năng đậu hay không còn phụ thuộc vào số lượng TS đăng ký, điểm số và chỉ tiêu xét tuyển. Nguyên tắc xét tuyển là dựa vào điểm thi của TS (bao gồm điểm ưu tiên) và lấy từ cao xuống thấp. Với mức điểm 17,5 điểm trở lên, TS có nhiều cơ hội vào trường.
Trường ĐH Nông Lâm TP HCM cũng dành đến 800 chỉ tiêu NV2 cho 15 ngành học với mức điểm xét tuyển từ 15-17 điểm trở lên. Các ngành xét tuyển NV2 chủ yếu là kỹ thuật, công nghệ, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản… Ngoài ra, trường cũng xét tuyển 60 chỉ tiêu ngành quản trị kinh doanh với mức điểm 17 trở lên.
Tiến sĩ Trần Đình Lý, trưởng phòng đào tạo của trường, cho biết năm nay vì mức điểm khá cao nên trường dành một tỉ lệ nhất định để tuyển NV bổ sung dành cho những TS thích nhóm ngành phù hợp nhưng không may mắn bị thiếu điểm ở trường tốp trên.
Nhiều trường công lập vẫn còn hàng ngàn chỉ tiêu xét tuyển NV2 như Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP HCM xét tuyển gần 1.000 chỉ tiêu NV2 cả 2 hệ ĐH và CĐ, trong đó một số ngành kỹ thuật, công nghệ điểm xét tuyển bằng sàn. Trường ĐH Tài chính Marketing tuyển 200 chỉ tiêu với mức điểm xét tuyển từ 16,5-18,5 điểm.
Trường ĐH Sài Gòn xét tuyển 335 chỉ tiêu hệ ĐH, 990 chỉ tiêu hệ CĐ với mức điểm xét tuyển hệ ĐH các ngành từ 14,5-18 điểm. Trường ĐH Sư phạm TP HCM xét tuyển 520 chỉ tiêu với mức điểm xét tuyển bằng điểm chuẩn NV1. Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch xét tuyển NV2 các ngành cử nhân xét nghiệm học và cử nhân kỹ thuật y học với mức điểm sàn trở lên.
Các trường ĐH thành viên của ĐH Quốc gia TP HCM vẫn còn nhiều chỉ tiêu cho NV2. Cụ thể: Trường ĐH Bách khoa xét tuyển 332 chỉ tiêu với mức điểm 19 trở lên; Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP HCM xét tuyển 220 chỉ tiêu với mức điểm 15 trở lên. Trường ĐH Kinh tế Luật xét tuyển 100 chỉ tiêu vào ngành tài chính ngân hàng cho TS đã dự thi khối A, A1, D1 vào trường, đạt từ 24 điểm nhưng không trúng tuyển. Trường ĐH Quốc tế cũng xét tuyển 160 chỉ tiêu NV2 cho các ngành trường cấp bằng...
Lưu ý sự cạnh tranh
Tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa - thành viên Ban Chỉ đạo tuyển sinh ĐH-CĐ 2013 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Phó Giám đốc ĐH Quốc gia TP HCM - cho biết các trường có thể xét tuyển NV bổ sung thành nhiều đợt nhưng mỗi đợt phải kéo dài tối thiểu 20 ngày. TS có điểm thi từ mức điểm sàn CĐ trở lên nhưng chưa trúng tuyển NV1 được cấp 3 giấy chứng nhận kết quả thi chính thức (có đóng dấu đỏ). TS sẽ dùng các giấy chứng nhận kết quả này để đăng ký xét tuyển NV bổ sung.
Theo quy định, TS không trúng tuyển theo NV bổ sung của trường này có thể xin rút giấy chứng nhận để nộp vào trường khác còn thời hạn xét tuyển nhưng sẽ không được hoàn trả lệ phí đăng ký xét tuyển. Các trường nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển NV bổ sung sẽ cập nhật thông tin về tình hình đăng ký xét tuyển NV bổ sung trên website của nhà trường. TS cần theo dõi các thông tin về việc xét tuyển NV bổ sung của các trường (điểm xét tuyển, chỉ tiêu xét tuyển, thời hạn nộp hồ sơ...) để việc đăng ký xét tuyển NV bổ sung có cơ hội trúng tuyển cao nhất.
Dựa trên kết quả thi và tỉ lệ cạnh tranh giữa các khối thi, tiến sĩ Lê Thị Thanh Mai, Trưởng Ban Công tác sinh viên ĐH Quốc gia TP HCM, nhận định năm nay sự cạnh tranh trong xét tuyển sẽ cao hơn, thậm chí gay gắt hơn ở các trường công lập còn chỉ tiêu xét tuyển NV2.
Bà Lê Thị Thanh Mai cũng lưu ý việc nộp đăng ký xét tuyển vào ngành nào, trường nào do TS quyết định. Tuy nhiên, năm nay, số TS có điểm thi khá cao. Vì vậy, TS cần hết sức lưu ý sự cạnh tranh trong xét tuyển NV bổ sung để có sự chọn lựa tốt nhất và nhớ lưu ý thêm thời hạn kết thúc nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển ở các trường là khác nhau.
Nhiều cơ hội vào trường ngoài công lập
Các trường ngoài công lập hiện còn hàng ngàn chỉ tiêu xét tuyển với mức điểm sàn trở lên. Cụ thể: Trường ĐH Kỹ thuật Công nghệ TP HCM xét tuyển 1.000 chỉ tiêu, Trường ĐH Kinh tế Tài chính 1.000 chỉ tiêu, Trường ĐH Lạc Hồng gần 1.000 chỉ tiêu, Trường ĐH Quốc tế Miền Đông 1.000 chỉ tiêu. Trường ĐH Hoa Sen tuyển trên 1.700 chỉ tiêu cả 2 hệ ĐH, CĐ; Trường ĐH Nguyễn Tất Thành trên 1.000 chỉ tiêu; Trường ĐH Ngoại ngữ - Tin học xét tuyển 230 chỉ tiêu hệ ĐH, 110 chỉ tiêu hệ CĐ.... |
Bình luận (0)