Theo ông Thống, Sở GD-ĐT Hà Nội đã tổ chức các đoàn thanh tra nắm tình hình tại các trường và ghi nhận nhiều khó khăn từ phản ánh của học sinh và cha mẹ học sinh. Đó là việc giao ca giữa hai ca sáng và chiều của khối THCS quá gấp gáp, học sinh THPT tan trường quá muộn. Tiết học cuối buổi sáng của cấp THCS và cuối giờ chiều của THPT, học sinh thường đói bụng, khả năng tiếp thu kém, thiếu tập trung hơn.
Học sinh Trường THPT Tây Hồ tan trường muộn sau khi đổi giờ. Ảnh: THẾ KHA
Bên cạnh đó, học sinh các trường THPT vùng ngoại thành như huyện Từ Liêm, Thanh Trì phải tự đạp xe qua khu vực đường đồng vắng vẻ, đặc biệt là qua nghĩa trang Văn Điển lúc 19 giờ 30 phút đến 20 giờ rất nguy hiểm. Việc tan trường quá muộn cũng ảnh hưởng nhiều đến các giáo viên nữ, vốn cũng là các phụ huynh học sinh.
Ông Thống đánh giá việc điều chỉnh giờ học đã dẫn tới việc học quá muộn của học sinh THPT, nhất là các trường ngoại thành. Trong khi đó, số học sinh học ca chiều ở các trường này so với toàn bộ học sinh của 12 quận, huyện không lớn nên hiệu quả làm giảm ùn tắc giao thông sẽ không nhiều, trong khi đó lại làm ảnh hưởng quá lớn đến sinh hoạt của các em. Theo ông Thống, không chỉ vấn đề giao thông mà xét cho cùng, học sinh mới chính là đối tượng mà cả xã hội chúng ta đều phải hướng tới và chăm lo trước hết.
Ông Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội cũng tỏ ra chưa đồng tình với quan điểm cho rằng do điều chỉnh giờ học trong những ngày qua nên đường đã thông thoáng hơn. Theo ông, đánh giá như vậy là hơi vội vàng, bởi chưa tính qua ngày rằm tháng giêng (tức ngày 7-2) hàng chục ngàn sinh viên ĐH, CĐ, trung cấp nhập trường trở lại sau thời gian nghỉ Tết. Đó là chưa kể hết tháng giêng âm lịch, lực lượng lao động nhập cư mới bắt đầu ổn định công việc tại Hà Nội, khi đó tình hình giao thông tại thủ đô mới bộc lộ hết.
Hơn nữa, theo ông Nguyễn Hiệp Thống, việc điều chỉnh giờ không phải là giải pháp duy nhất mà chỉ là một trong hàng loạt giải pháp TP Hà Nội đã và sẽ phải làm như nâng cấp, cải thiện hạ tầng giao thông, tuyên truyền giáo dục văn hóa giao thông, tăng cường xử phạt vi phạm và đề xuất biện pháp giảm mật độ phương tiện giao thông nội đô... Vì thế, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội Nguyễn Hiệp Thống cho rằng nên điều chỉnh lại giờ tan học ca chiều của học sinh THPT.
Bình luận (0)