Sau khi TP Hà Nội triển khai phương án đổi giờ học, giờ làm nhằm hạn chế ùn tắc giao thông, sáng 8-2, Sở LĐ-TB-XH cùng các sở GTVT, Tư pháp, Nội vụ, GD-ĐT, Ban Quản lý các KCX - KCN TPHCM họp bàn kế hoạch thực hiện điều chỉnh lệch giờ học tập, làm việc trên địa bàn TP trước khi trình UBND TP. Theo đó, các sở đều thống nhất chủ trương thực hiện lệch giờ, lệch ca theo tình hình thực tế của từng địa phương.
Lệch giờ từng cụm trường, từng khối lớp
Ông Hồ Xuân Lâm, Trưởng Phòng Quản lý Lao động – Ban Quản lý các KCX-KCN, nhắc nhở: “Nếu đổi giờ làm việc của phụ huynh thì phải điều chỉnh cho khớp với giờ học của khối mầm non, tiểu học, THCS. Điều chỉnh không khéo sẽ xảy ra tình trạng phụ huynh ăn cắp giờ làm việc để đi đón con vì cha mẹ không thể không đón con ở lứa tuổi này”. Theo ông Lâm, có thể cho học sinh THPT tan học lúc 18 giờ vì học sinh lứa tuổi này đã có thể tự đi xe và thời điểm đó ùn tắc giao thông cũng đã giảm.
Làm theo từng khu vực và có lộ trình
Một trong những nguyên nhân lớn gây ùn tắc giao thông thường xuyên trước cổng trường là phụ huynh tập trung đón con quá đông. “Sau khi dùng xe buýt nhỏ đưa đón học sinh đến trường thì tình trạng ùn tắc giao thông trước cổng Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa giảm hẳn. Chúng tôi đề nghị lấy trường này làm gương cho các trường khác áp dụng theo. Tuy nhiên, việc này cần sự giúp sức từ Sở GTVT” - ông Thụy nói. Ông Lê Minh Triết, Phó Phòng Quản lý Khai thác Hạ tầng Giao thông Đường bộ - Sở GTVT, khẳng định: “Sở GD-ĐT cứ tổng hợp nhu cầu, chúng tôi sẵn sàng đáp ứng”.
Ngoài ra, Sở GD-ĐT cũng nhắc lại kiến nghị di dời cổng trường vào phía trong để tạo không gian cho phụ huynh đón con. Nhận thấy đây là một biện pháp rất hiệu quả để giảm ùn tắc giao thông, đại diện Sở GTVT nhấn mạnh sẽ sát cánh cùng Sở GD-ĐT kiến nghị UBND TP dùng nguồn vốn an toàn giao thông để thực hiện.
Cuối cuộc họp, các sở thống nhất sẽ “xoáy” phương án lệch giờ, lệch ca vào khu vực 114 điểm có nguy cơ ùn tắc giao thông trên địa bàn TP, còn những quận, huyện vùng ven không ùn tắc giao thông thì không cần điều chỉnh. Ông Xê cũng thống nhất phương án nên chọn từng khu vực để áp dụng thí điểm và làm theo lộ trình để tránh xáo trộn đời sống người dân. Ông Xê cũng đề nghị Sở Y tế tính toán lại giờ thăm nuôi tại các bệnh viện để giảm áp lực giao thông cho khu vực trung tâm TP, hạn chót là tháng 5-2012.
Phương án lệch giờ được đề xuất Theo phương án đề xuất, giờ học của học sinh mầm non không thay đổi (7 giờ 30 phút - 16 giờ); tiểu học, nếu học 1 buổi không điều chỉnh, học 2 buổi điều chỉnh muộn 15 phút (13 giờ 15 phút - 16 giờ 45 phút); THCS điều chỉnh muộn 15 phút (7 giờ 15 phút - 11 giờ 30 phút, 13 giờ 15 phút - 17 giờ 15 phút); THPT điều chỉnh muộn 15 phút (7 giờ - 11 giờ 30 phút, 13 giờ - 17 giờ 30 phút). Năm 2007, phương án lệch ca, lệch giờ tại TPHCM đã được đưa ra bàn bạc và thực hiện thí điểm ở một số nơi nhưng chưa trình HĐND TP. Trên cơ sở tham mưu của các sở, ngành, UBND TP sẽ trình phương án này lên HĐND TP vào giữa năm 2012 trước khi áp dụng đại trà. |
Bình luận (0)