Mường Tùng là xã vùng cao của huyện Mường Chà, tỉnh Điện Biên. Nơi đây có những đứa trẻ nhem nhuốc, quanh năm quẩn quanh với bếp lửa hay lẽo đẽo theo bố mẹ lên nương, không hề biết tới cái chữ…
Cô Lò Thị Huyền chăm sóc em Ly A Dơ
Nguyện làm "đôi chân" của học trò
Biết sẽ không thuận lợi, đầy đủ như dưới xuôi, trong khi bạn bè cùng trường chọn con đường ra thành phố lập nghiệp, cô giáo trẻ Lò Thị Huyền lại đi một lối khác, khó khăn hơn nhiều, đó là đứng lớp trên chính quê hương mình.
Tốt nghiệp Trường CĐ Sư phạm Điện Biên vào tháng 6-2019, 3 tháng sau, cô giáo trẻ Lò Thị Huyền chính thức nhận công tác tại Trường Mầm non Mường Tùng (lúc đó là Nậm He), thuộc huyện Mường Chà, Điện Biên. Dù đã xác định rất nhiều khó khăn chờ mình phía trước, cô Huyền vẫn không ít lần đối mặt với suy nghĩ: hay là từ bỏ con đường của mình.
Nửa năm đầu mới nhận công tác, cô Huyền dạy ở điểm trường trung tâm. Đến năm học 2020 - 2021, về nhận nhiệm vụ cắm điểm bản Nậm Chua - Nậm Piền. Ở bản Nậm Chua - Nậm Piền, người dân sống không tập trung, con suối Nậm He (con suối giữa 2 bản Nậm Chua và Nậm Piền) dù mỗi năm chỉ có 2 mùa nước lên và xuống nhưng người dân ở đây chỉ có cách duy nhất là trực tiếp lội qua vì chưa có cầu kiên cố, vì thế việc vận động học sinh ra lớp vô cùng vất vả.
Bên kia bờ suối, Ly A Dơ không may mắn khi vừa sinh ra (năm 2017) đã bị liệt cả 2 chân. Bố mẹ Dơ nghiện ma túy, bỏ mặc 3 anh em lay lắt sống qua ngày. Cô Huyền gặp Ly A Dơ trong lần đi huy động trẻ ra lớp vào đầu năm học 2020 - 2021. Ánh mắt của Dơ đã chạm đến trái tim của cô giáo trẻ mới ra trường. Em bé gầy gò, xanh xao, bụng trướng to, đôi chân teo lại luôn sợ hãi khi gặp người lạ đã khiến cô Huyền xúc động mạnh. Một tình yêu đặc biệt đã khiến cô quyết định tình nguyện trở thành "đôi chân" của Ly A Dơ trong suốt năm học. Hằng ngày, cô Huyền đi bộ ngược dốc chừng 1 km, rồi lội qua suối Nậm He rộng vài chục mét để sang bờ bên kia cõng Dơ đến lớp. Mùa đông, vừa phải dầm mình dưới nước, trước cái lạnh "cắt da cắt thịt" của vùng cao, cô Huyền phải mò mẫm lần đường qua suối đưa Dơ về nhà. Sáng sớm hôm sau, cô lại ngược đường qua suối đón học trò. Vào mùa mưa, nước suối dâng cao, việc đi lại của hai cô trò thật sự nguy hiểm. Tuy vất vả nhưng cô Huyền luôn tự động viên mình vì thật may mắn, Dơ rất ngoan, có ý thức và tự lập.
Tình cảm của cô Huyền với Ly A Dơ đã truyền cảm hứng đến nhiều người. Để nối tiếp đường đến trường cho Ly A Dơ, đầu năm học 2020 - 2021, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mường Chà đã kêu gọi, kết nối sự hỗ trợ của nhiều nhà hảo tâm dành cho em nhỏ. Cùng với sự hỗ trợ 1 triệu đồng/tháng của nhóm "Cơm thiện tâm TP Hà Nội", tình cảm, sự chăm sóc đặc biệt của cô Huyền đã giúp Ly A Dơ sau gần một năm đã khỏe mạnh và hồng hào hơn hẳn. Đặc biệt, Dơ đã tự đứng được bằng đôi chân của mình.
Cô Lê Thị Anh Minh soạn giáo án trước giờ lên lớp. (ẢNH: MINH HUYỀN)
Giúp trẻ nói tiếng Anh, dùng công nghệ
Cũng lựa chọn con đường về quê hương như cô giáo Lò Thị Huyền, cô Lê Thị Anh Minh, giáo viên Trường Tiểu học Tân Phú, huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ, được nhiều học trò cũng như phụ huynh yêu quý.
Tốt nghiệp Khoa tiếng Anh Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, sau 1 năm sống ở thành phố, năm 2013, cô Minh quyết định trở thành giáo viên của Trường Tiểu học Thu Cúc 2, một trường khó khăn của huyện Tân Sơn với 100% học sinh là người dân tộc Dao, Mường. "Trường Thu Cúc 2 cách nhà tôi khoảng 60 km, khi tôi đến, cỏ mọc ngang người, cực kỳ heo hút. Học sinh rất nhát, nghe cô dạy chỉ nhìn thôi chứ không dám nói gì" - cô Minh kể lại. Nhưng chính sự thân thiện, đáng yêu của những học sinh nhút nhát ấy đã giúp cô Minh hòa nhập dần.
Sau 2 năm ở Trường Tiểu học Thu Cúc 2, cô Minh chuyển về dạy học tại Trường Tiểu học Tân Phú. "Nơi đây 70% là học sinh dân tộc thiểu số. Học sinh cũng chưa quan tâm đến tiếng Anh vì nó rất mới mẻ" - cô Minh cho biết.
Để chinh phục học trò của mình, cô giáo trẻ tích cực cập nhật ứng dụng công nghệ thông tin, đổi mới phương pháp giảng dạy. "Giờ thì bọn trẻ rất thích môn tiếng Anh. Các giáo viên chủ nhiệm cũng kể học sinh chỉ mong đến giờ tiếng Anh" - cô Minh hào hứng chia sẻ. Trả lời về bí quyết cuốn hút học sinh, cô Minh bật mí "hòa đồng với các con là cách tạo hứng thú. Tôi cũng tổ chức các buổi ngoại khóa mời giảng viên người nước ngoài giao lưu qua các phương tiện như Skype, Zoom, Tearms... để giúp các em có sự tự tin và trải nghiệm mới, tạo hứng thú hơn với bộ môn tiếng Anh và văn hóa của các nước trên thế giới. May mắn của tôi là tham gia nhiều nhóm công nghệ thông tin như cộng đồng tác tạo, giáo viên 4.0, được các anh chị hướng dẫn nhiều. Tôi thấy hay và học sinh rất hào hứng, thích thú khi chơi những trò chơi bằng công nghệ" - cô Minh cho hay.
Với sự hào hứng này, nhiều học trò của cô Minh đã đạt được kết quả cao trong học tập như đoạt 7 giải cấp quốc gia ở cuộc thi Olympic tiếng Anh thông minh trực tuyến (OSE), đoạt 10 giải cấp huyện, 5 giải cấp tỉnh cuộc thi Olympic tiếng Anh qua internet (IOE). Ở cuộc thi Future Intelligence Students Olympiad - FISO Việt Nam, học sinh của cô cũng đã đoạt 1 giải vàng vòng loại quốc gia. "Thành tích này rất nhỏ với học sinh thành phố nhưng với học trò Trường Tiểu học Tân Phú thì đó là sự nỗ lực rất lớn. Tôi thực sự yêu các học trò của mình" - cô Minh xúc động.
Kỳ tới: Giảng viên lao vào tuyến đầu chống dịch
Bình luận (0)