Trong khuôn khổ lễ trao giải cuộc thi viết "Người Thầy kính yêu", chiều 17-11, Báo Người Lao Động tổ chức tọa đàm "Tiếp nối truyền thống tôn sư trọng đạo" với sự chia sẻ của nhiều nhà giáo, nhà quản lý giáo dục tại TP HCM.
Tìm năng lượng tích cực để yêu nghề
Tại tọa đàm, nhiều nhà giáo đã xúc động bày tỏ những tâm tư, xúc cảm về nghề. Nhà giáo Nguyễn Thị Thu Hiền, Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ (quận 4, TP HCM), cho biết cô đã đứng lớp được 23 năm. Cô đã giảng dạy ở 2 thế kỷ XX và XXI. Đã có một sự đổi mới mạnh mẽ ở chương trình giáo dục phổ thông. Là một giáo viên đứng lớp, người thầy phải cập nhật những thông tin mới nhất về chuyên môn lẫn phương pháp. Nói về áp lực của nhà giáo, cô Hiền cho rằng giáo viên chịu sức ép rất nhiều về thời gian với những việc không tên, với những thủ tục về hồ sơ giáo án thuộc về quy chế nên chưa thể dành toàn tâm, toàn ý cho chuyên môn.
Xuất thân từ gia đình giáo chức, cô Hiền cho rằng sự tồn tại trong nghề giáo đã tôi rèn nên sự bản lĩnh, nhẫn nại. "Dù khó khăn, tôi luôn cảm ơn nghề. Luôn tri ân những thầy cô giáo đã rèn luyện tôi được như hôm nay" - cô Hiền nói. Cô Hiền cho rằng những học sinh muốn vào nghề giáo cần được có đầy đủ thông tin về nghề để không ngỡ ngàng, dù có bất kỳ thông tin tiêu cực nào.
Nhà giáo trẻ Nguyễn Minh Nghĩa, Trường Tiểu học Nguyễn Thị Định (quận 7, TP HCM), chia sẻ tại tọa đàm
Cô Nguyễn Minh Nghĩa, giáo viên Trường Tiểu học Nguyễn Thị Định (quận 7, TP HCM), chia sẻ: Nghề giáo đã khiến tôi hạnh phúc và mang đến cho tôi nhiều nguồn năng lực tích cực. Bên cạnh đó, những tiêu cực còn tồn tại là điều không thể phủ nhận, cá nhân tôi nhận thấy sức ép chia thành 2 phần: bên ngoài và bên trong. Trong đó, áp lực bên ngoài không nguy hiểm bằng bên trong. Bởi vấn đề bên ngoài còn có nhiều người cùng chung tay giải quyết, quan trọng mỗi người xác định theo nghề phải có bản lĩnh, trong những khó khăn vẫn thấy đích đến. Sức ép bên ngoài về phía phụ huynh như có vấn đề gì cũng đưa lên mạng xã hội, bị điều hướng có chủ đích, giáo dục bị moi ra chỉ trích, họ không đứng ở góc nhìn đúng để đánh giá, làm cho những người không có chính kiến đánh giá sai về nghề giáo. Như vậy là phiến diện, ích kỷ với thầy cô. Bên cạnh đó là áp lực sổ sách, giấy tờ, công tác...
"Tôi là giáo viên tiểu học nên không chịu nhiều áp lực như giáo viên lớp lớn. Nhưng không phải các em còn nhỏ thì không biết gì, vì các em là "phóng viên hiện trường" để đưa thông tin nhanh nhất về cho phụ huynh. Các trường nên có những buổi nói chuyện giữa giáo viên và phụ huynh để phụ huynh hiểu hơn về ngành để cùng chung tay phát triển sự nghiệp giáo dục và đào tạo (GD-ĐT) của đất nước" - cô Nghĩa đề xuất.
"Công việc vất vả không có thời gian nghỉ ngơi nhưng lúc nào giáo viên cũng phải tràn ngập năng lực thì mới mang năng lực tích cực cho học sinh. Tôi mong các đơn vị quản lý sẽ có nhiều đợt tập huấn, tài liệu vừa để giáo viên nâng cao chuyên môn và cân bằng cảm xúc, kỹ năng mềm. Khi giáo viên tự ý thức vượt qua sức ép thì áp lực không còn quan trọng" - cô Nghĩa gửi gắm.
Giảm áp lực cho giáo viên
Ở góc độ quản lý, thầy Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du (quận 10, TP HCM), khẳng định hiệu trưởng quyết định niềm hạnh phúc của giáo viên, học sinh. Ông Phú cũng cho rằng để tạo nên một ngôi trường hạnh phúc, thầy cô bớt áp lực thì ngôi trường đó phải đặt quyền lợi của thầy cô lên trên hết và mong thầy cô đặt quyền lợi học sinh lên trên hết. Như vậy ngôi trường mới là gia đình chứ không phải là tổ chức quyền lực. Chúng ta làm sao để các em học sinh mỗi ngày đến trường là một ngày vui, làm sao để thầy cô đến trường thấy nhẹ nhàng, không căng thẳng; thấy việc quan tâm, chăm sóc đồng nghiệp là trách nhiệm của người đứng đầu. Ví dụ như điểm số, hồ sơ của giáo viên cũng phải giảm bớt những công việc hành chính, chẳng hạn như đơn xin nghỉ phép. Tại sao lại bắt thầy, cô viết tờ đơn làm gì trong khi chúng ta đã số hóa?" - ông Phú chia sẻ.
ThS Đoàn Hữu Hoàng Khuyên, Phó trưởng Khoa Báo chí Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP HCM, thẳng thắn cho rằng nếu làm nghề không tốt, giáo viên sẽ tạo ra một bộ máy hư. "Trong 20 năm theo nghề giáo, tôi nhận ra rằng mình đã chọn một nghề rất khó, vừa phải vật lộn với thu nhập, vừa phải đáp ứng yêu cầu chuyên môn ngày càng cao, yêu cầu mới mẻ của sinh viên. Trước những đòi hỏi đó, tôi khẳng định không yêu nghề giáo không thể làm được" - cô Khuyên khẳng định. Theo giảng viên này, người làm nghề giáo phải có sự độc lập, tự chủ trong chuyên môn. Do dó, họ cần không gian riêng, không nên có can thiệp quá nhiều ngoài chuyên môn để không dẫn đến sai lầm. Khi thầy cô hạnh phúc học sinh sẽ hạnh phúc và ngôi trường sẽ hạnh phúc. Những khó khăn ở môi trường giáo dục không phải là những lời nói suông, nên tìm ra căn nguyên gốc rễ để giải quyết triệt để vấn đề.
Giáo sư - nhà giáo Huỳnh Như Phương chia sẻ ông từng viết bài "Những áp lực trên vai nhà giáo", nay có lẽ đổi thành "Những áp lực trong tim nhà giáo". Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận ngành nghề nào cũng có áp lực. Hiện nay, thầy cô giáo phải trở thành người cha, người mẹ thứ hai nên không khi nào hết áp lực. Để giảm bớt sức ép cho giáo viên, nhà giáo này đưa ra 3 đề nghị: Thứ nhất, Sở GD-ĐT TP HCM nên có quy định thống nhất 1 giáo viên cần bao nhiêu cuốn sổ, không làm nhiều hơn. Cần giảm bớt sổ sách cho thầy cô giáo. Những gì không cần thiết thì không nhất thiết phải làm. Thứ hai, làm thế nào để giáo viên không phải thu tiền, việc thu tiền là của các bộ phận khác. Thứ ba, làm sao để xây dựng trường học, mô hình trường học mà trường học đó, mô hình đó đề cao sự tôn trọng giáo viên, tôn trọng học sinh...
=> XEM TOÀN BỘ NỘI DUNG TỌA ĐÀM tại đây
Cần chế độ đặc thù để sư phạm thu hút hơn
Một trong những vấn đề tồn tại trong ngành GD-ĐT, nhất là những năm gần đây, khi chương trình Giáo dục phổ thông 2018 được triển khai, việc thiếu giáo viên khiến các cơ sở GD-ĐT gặp nhiều khó khăn, ông Trần Khắc Huy, Trưởng Phòng GD-ĐT quận Tân Bình, cho biết: Hằng năm, phòng tuyển 2 đợt để bổ sung khoảng 150 giáo viên kịp thời cho các trường do giáo viên nghỉ việc, nghỉ hưu... Tuy nhiên, kết quả tuyển không đủ là do cục bộ, một số chức danh không có ứng viên tham gia tuyển dụng hoặc không đạt yêu cầu về chuyên môn. Lý do thiếu giáo viên cũng do cung đào tạo không đủ so với tuyển dụng. Chế độ lương bổng, áp lực ràng buộc giáo viên rất nhiều nhưng khi tôi nhận thấy giáo viên nào khi đã theo nghề thì rất yêu nghề và gắn bó. "Đọc những thông tin không tốt về giáo viên, bản thân chúng tôi rất buồn dù đó chỉ là số nhỏ. GD-ĐT là quốc sách nên cần có chế độ đặc thù cho nhà giáo để giáo viên đủ sống mà cống hiến tốt cho nghề" - ông Huy chia sẻ.
Bổ sung về vấn đề này, bà Phạm Thị Minh Hiền, Phó trưởng Phòng Tổ chức cán bộ Sở GD-ĐT, cho biết tháng 6 hằng năm, sở đều có kế hoạch tuyển dụng giáo viên. Việc thiếu giáo viên một số môn như tiếng Anh, công nghệ..., Sở GD-ĐT đã đặt hàng đào tạo tại 2 cơ sở đào tạo giáo viên lớn nhất TP là Trường ĐH Sư phạm TP HCM và Trường ĐH Sài Gòn.
Vai trò của nhà giáo không hề phai nhạt
Phát biểu tại tọa đàm "Tiếp nối truyền thống tôn sư trọng đạo" và lễ trao giải cuộc thi viết "Người Thầy kính yêu", tiến sĩ - nhà báo Tô Đình Tuân, Bí thư Đảng ủy, Tổng Biên tập Báo Người Lao Động, gửi lời chúc mừng trân trọng nhất đến đội ngũ các nhà giáo nhân kỷ niệm 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam.
Tổng Biên tập Báo Người Lao Động, ông Tô Đình Tuân, phát biểu tại tọa đàm.Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Ông Tô Đình Tuân chia sẻ: Con số 16.265 giáo viên nghỉ việc, chuyển việc ra khỏi ngành giáo dục; bình quân cứ 100 nhà giáo thì 1 người ra khỏi ngành như thông tin của Bộ GD-ĐT với nguyên nhân chủ yếu là do lương giáo viên chưa đủ để trang trải cuộc sống. Trong khi đó, áp lực công việc đối với giáo viên rất lớn, ngoài ra còn chịu nhiều sức ép từ dư luận xã hội, dẫn đến bị sa sút tinh thần, muốn rời bục giảng... Trước tình hình đó, cộng đồng xã hội nói chung và những người công tác trong ngành giáo dục nói riêng không tránh khỏi ưu tư; thậm chí có lúc, có nơi hoài nghi về vai trò, vị thế của nghề giáo, của người thầy. Hàng loạt câu hỏi được đặt ra: Có phải tinh thần "tôn sư trọng đạo" bị mai một? Nghề giáo có còn là "nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý"? Người thầy có thực sự là trung tâm của đổi mới giáo dục và sự trưởng thành về trí tuệ, nhân cách của học trò?... Thực tế không phải như vậy! Trong nhiều năm qua, Đảng, Nhà nước, Chính phủ ta luôn xác định GD-ĐT là quốc sách, đầu tư cho GD-ĐT là đầu tư cho phát triển. Chính vì vậy, trong tổng thể đầu tư nguồn lực tài chính nhà nước cho phát triển đất nước đã ưu tiên cho lĩnh vực GD-ĐT.
"Còn về nhìn nhận của xã hội đối với nghề giáo, chúng tôi khẳng định rằng không hề phai nhạt, mặc dù có lúc, có nơi vẫn còn không ít chuyện đau lòng... Ngành nào, lĩnh vực nào cũng có những vấn đề nan giải riêng, GD-ĐT cũng vậy. Và chính vì thế mới thôi thúc tất cả chúng ta cùng hành động cho xã hội ngày một tốt đẹp hơn, GD-ĐT ngày càng phát triển hơn, mối quan hệ nhà trường - gia đình cũng như tình thầy trò ngày càng khăng khít, chân thành hơn. Đặc biệt, vai trò và vị thế người thầy được tái khẳng định, củng cố vững chắc hơn..." - ông Tô Đình Tuân tin tưởng.
Nhìn lại cuộc thi viết "Người Thầy kính yêu", ông Tô Đình Tuân cho rằng cuộc thi do Báo Người Lao Động tổ chức đã góp tiếng nói chung để cùng xã hội xác định rằng ngành GD-ĐT, thầy cô giáo cần được quan tâm. Trong xã hội phát triển không thể tránh được những tiêu cực, thầy cô bị áp lực nhưng bằng tình yêu thương, trái tim nhiệt huyết với nghề sẽ chuyển hóa tiêu cực thành động lực để phát triển, làm cho ngành GD-ĐT tốt hơn. "Trong bất cứ hoàn cảnh nào, nghề giáo luôn có một vị trí đặc biệt trong xã hội. Đảng, Nhà nước, Chính phủ luôn quan tâm trong suốt những năm vừa qua. Nhưng có lẽ việc đầu tư có nơi chưa như mong muốn, tôi tin rằng đầu tư của ngành giáo dục sẽ phát triển hơn, tiến bộ lên, đồng hành cùng kinh tế đất nước. Còn lại mỗi người, mỗi trường, mỗi ngành phải tìm cho mình lối đi riêng, hợp lý để phát triển" - ông Tô Đình Tuân nhấn mạnh.
ĐƠN VỊ ĐỒNG HÀNH
Bình luận (0)