Đưa trường học đến thí sinh 2015 do Báo Người Lao Động thực hiện, với sự tài trợ của Công ty CP Phân bón Bình Điền và sự đồng hành của các trường ĐH, CĐ.
Chương trình được Đài PT-TH Quảng Trị truyền hình trực tiếp, giải đáp thắc mắc về quy chế thi THPT quốc gia và tuyển sinh ĐH, CĐ 2015 cũng như tư vấn, hướng nghiệp cho thí sinh chọn ngành, chọn trường phù hợp. Sau chương trình tư vấn chung được truyền hình trực tiếp, sẽ có phần tư vấn riêng để các trường giải đáp cặn kẽ, cụ thể cho từng thí sinh, phụ huynh.
Học sinh Quảng Trị nô nức đến tham gia Chương trình Đưa trường học đến thí sinh 2015. Ảnh: Q. Tám
Đội ngũ tư vấn của chương trình rất hùng hậu và giàu kinh nghiệm đến từ ĐHQG TP HCM, ĐH Huế, ĐH Đà Nẵng cùng các trường ĐH: Nông Lâm TP HCM, Tài chính - Marketing, Ngân hàng TP HCM, Sư phạm Kỹ thuật TP HCM, Hoa Sen, Nguyễn Tất Thành, Quốc tế Hồng Bàng, Kiến trúc Đà Nẵng, Duy Tân, Nội vụ Hà Nội, Tài chính - Kế toán Quảng Ngãi…
Khách mời chương trình gồm: Ông Phạm Xuân Kiểu – Phó Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Trị, Cô Trần Thị Cam - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Đông Hà, Ông Võ Lê Duy Lâm, Đại diện Công ty CP Phân bón Bình Điền tại Quảng Trị; Ông Nguyễn Văn Tín – Phó Tổng biên tập Báo Người Lao Động.
BAN TƯ VẤN CHƯƠNG TRÌNH:
- TS Nguyễn Đức Nghĩa, Phó Giám đốc ĐH Quốc gia TP HCM
- TS Trần Đình Lý, Trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Nông Lâm TP HCM
- PGS-TS Lê Hiếu Giang – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM
- ThS Phạm Thế Vinh, Trưởng phòng khảo thí và quản lý chất lượng, Trường ĐH Tài Chính – Marketing.
-ThS Trương Tiến Sĩ, Phó Trưởng Phòng Đào tạo, Trường ĐH Ngân Hàng TP HCM
- ThS Hoàng Đức Bình, Giám đốc Trung tâm tuyển sinh và truyền thông, Trường ĐH Hoa Sen
- ThS Tô Hoài Thắng – Phó Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông Trường ĐH Nguyễn Tất Thành
- Ông Hoàng Văn Mạnh – chuyên viên tư vấn hướng nghiệp Trường ĐH Hồng Bàng
- TS Trương Quý Tùng – Phó Giám đốc Đại học Huế
- TS Lê Công Toàn, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kiến trúc Đà Nẵng
- PGS-TS Nguyễn Ngọc Minh, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân Đà Nẵng
- PGS-TS Lê Văn Huy, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Kinh tế -ĐH Đà Nẵng
- TS Nguyễn Anh Duy, Phó Hiệu trưởng Trường CĐ Công nghệ - ĐH Đà Nẵng
- PGS-TS Nguyễn Hữu Kỳ - Phó Hiệu trưởng Trường CĐ Phương Đông Đà Nẵng
- TS Hoàng Sỹ Nguyên – Giảng viên Trường ĐH Nội vụ Hà Nội (Cơ sở miền Trung)
- TS Phạm Sỹ Hùng – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Tài chính Kế toán Quảng Ngãi.
Ban tư vấn chương trình Đưa trường học đến thí sinh 2015 tại Quảng Trị
TƯỜNG THUẬT TRỰC TUYẾN:
Cái nắng gắt Quảng Trị không ngăn được 1.500 thí sinh đến tham gia chương trình Đưa trường học đến thí sinh 2015 tại Quảng Trị. Mặc dù đến 14 giờ 30 chương trình mới chính thức diễn ra nhưng từ 13 giờ, hàng trăm học sinh đã tụ tập ở trường THPT Đông Hà để chờ đón chương trình Đưa trường học đến thí sinh 2015 do Báo Người Lao Động tổ chức. Đến 14 giờ, hơn 1000 học sinh của 8 trường THPT trên địa bàn tỉnh Quảng Trị gồm: THPT Đông Hà, THPT Cam Lộ, Chuyên Lê Quý Đôn, THPT Phan Châu Trinh, THPT Lê Lợi, THPT Chế Lan Viên, THPT Gio Linh, Trung tâm GDTX Đông Hà... đã có mặt đông đủ để tham gia chương trình.
Tuy 14 giờ 30 chương trình mới diễn ra nhưng 12 giờ 45, các em đã tập trung rất nhiều tại sân trường
14 giờ 00: MC Huỳnh Ngân mở màn chương trình và giới thiệu các tiết mục văn nghệ để khuấy động. Các tiết mục do học sinh của các trường THPT tham gia tư vấn thực hiện dưới tiếng vỗ tay không ngớt của hơn 1000 học sinh tham gia.
MC Huỳnh Ngân - Én bạc cuộc thi "Người dẫn chương trình 2014" - hâm nóng không khí trước chương trình
14 giờ 30: Chương trình bắt đầu.
14 giờ 35: Ông Nguyễn Văn Tín – Phó Tổng biên tập Báo Người Lao Động - tặng hoa cho đại diện Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Trị, Trường THPT Đông Hà, Ông Võ Lê Duy Lâm, Công ty CP Phân bón Bình Điền tại Quảng Trị và ban tư vấn chương trình.
14 giờ 40: Ông Nguyễn Văn Tín cho biết Báo Người Lao Động đã đi với các em năm thứ 14 trong chương trình Đưa trường học đến thí sinh 2015. Đây là địa điểm thứ 6 trong 9 tỉnh, thành chương trình tổ chức năm 2015. Qua đây, ông Tín gửi lời khuyên cho các em: Cân nhắc, lượng sức mình trong cuộc thi ĐH-CĐ năm 2015 vì “Biết người biết ta, trăm trận trăm thắng”; đồng thời ông Tín cho rằng đây là cơ hội tốt để các em giải tỏa những thắc mắc của em. Vì vậy, các em nên mạnh dạn đặt câu hỏi cho đại diện các trường ĐH, CĐ.
Ông Nguyễn Văn Tín – Phó Tổng biên tập Báo Người Lao Động
14 giờ 45: Ông Võ Lê Duy Lâm, Đại diện Công ty CP Phân bón Bình Điền tại Quảng Trị phát biểu. sau hơn 40 năm xây dựng và phát triển, công ty đã chú trọng, tài trợ nhiều chương trình giáo dục. Bên cạnh sản xuất kinh doanh, công ty rất quan tâm vấn đề phụng sự xã hội tri ân khách hàng, và chương trình “Đưa trường học đến thí sinh" là một phần trong kế hoạch đó. Ông Duy Lâm cho biết chương trình rất hữu ích cho các bạn trẻ mùa thi sắp tới, góp phần nhỏ hành trang thành công của các thí sinh. Ông gửi lời chúc thành công đến các em và chúc thầy cô dồi dào sức khỏe.
14 giờ 45: 10 học sinh nghèo vượt khó học giỏi được trao học bổng (mỗi phần 1 triệu đồng) từ Công ty CP Phân bón Bình Điền và 5 phần học bổng từ Trường ĐH Duy Tân.
Ông Võ Lê Duy Lâm (bìa trái) - Đại diện Công ty CP phân bón Bình Điền trao 10 phần học bổng cho học sinh nghèo vượt khó
Trường ĐH Duy Tân trao 5 phần học bổng cho học sinh Quảng Trị
*THÔNG TIN CHUNG:
14 giờ 55, TS Nguyễn Đức Nghĩa, Phó Giám đốc ĐH Quốc gia TP HCM cho biết cách 2 tuần, Bộ GD-ĐT công bố 2 quy chế: Thi THPT Quốc gia và tuyển sinh ĐH-CĐ, áp dụng cho 1 kỳ thi duy nhất. Tất cả các thắc mắc của thí sinh đa số dồn vào các khâu: Tổ chức thi, đăng ký dự thi, đề thi và chấm thi.
- Tổ chức thi: Năm nay, thí sinh thi theo cụm: 1 cụm do các trường ĐH chủ trì: Các thí sinh vừa được xét tốt nghiệp THPT vừa dùng kết quả xét tuyển ĐH-CĐ; một cụm thi do các sở chủ trì: thi tại sở, chỉ dùng kết quả này để xét tốt nghiệp THPT, không lấy kết quả xét ĐH-CĐ. Tuy nhiên, các em thi ở cụm do sở chủ trì vẫn có thể dùng kết quả kỳ thi THPT quốc gia xét tuyển vào các trường ĐH-CĐ nếu trường đó sử dụng. Với các TS thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển vào ĐH, CĐ, TS Quảng Trị sẽ vào cụm thi ở TP Huế do ĐH Huế chủ trì.
- Đăng ký dự thi: Từ ngày 1-4 đến hết 30-4, với 8 môn thi được tổ chức trong 4 ngày. Mỗi thí sinh chưa tốt nghiệp THPT sẽ thi tối thiểu 4 môn: Văn, toán, ngoại ngữ và môn thi tự chọn trong số các môn vật lí, hóa học, sinh học, lịch sử và địa lí. Ngày thi: Ngày 1 đến 4-7. Việc chọn số lượng môn thi có tính quyết định đến việc xét tuyển vào các ngành thuộc các trường ĐH, CĐ
- Đề thi chấm thi: Vừa giống đề thi tuyển sinh ĐH-CĐ và THPT: Các môn toán, văn sử địa thi theo phương thức tự luận, 180 phút, lý hoa sinh thi trắc nghiệm, thời gian 90 phút… Riêng môn ngoại ngữ, dự kiến các thí sinh vừa thi trắc nghiệm vừa tự luận. Cũng theo dự kiến, ở môn địa lý, thí sinh được phép mang Atlat vào phòng nhưng riêng môn hóa học, các em không được mang bảng tuần hoàn hóa học; thang điểm 10, điểm thi không được làm tròn.
- Xét tuyển: Có nhiều thay đổi so dự thảo trước đây. Đối thí sinh đăng ký xét tuyển, các em được cấp 4 giấy chứng nhận kết quả thi (đóng dấu đỏ), trong đó có 1 phiếu riêng đăng ký xét tuyển NV1 và 3 phiếu cho NVBS. Giấy Chứng nhận kết quả NV1 được nộp trong 20 ngày, gồm: Giấy Chứng nhận kết quả thi dùng đăng ký NV1, phiếu đăng ký xét tuyển được chọn 4 nguyện vọng vào 4 ngành trong 1 trường, căn cứ vào tổ hợp đã thi. Chỉ thí sinh không trúng tuyển NV1 mới được phép sử dụng 3 giấy chứng nhận xét NVBS. Các em có thể nộp đồng thời 3 giấy chứng nhận xét NVBS vào các trường khác nhau.
15 giờ 05: TS Trần Đình Lý, Trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Nông Lâm TP HCM – dẫn một nghiên thấy có thấy 60% sinh viên tốt nghiệp các trường ĐH-CĐ phải đào tạo lại.
TS Lý đưa ra những tình huống các em đã lựa chọn sai con đường nghề nghiệp:
Lựa chọn sai lầm về ngành, trường: Không phân biệt được giữa thích và hợp. Ngành các bạn thích, chưa chắc đã hợp. Ví dụ: Người thích làm phi công nhưng sợ độ cao, thì không hợp; thích làm bác sĩ nhưng sợ máu…. Chọn được ngành phù hợp nhưng không phân biệt được ngành học hợp sức mình. Ví dụ: Cố vào ĐH, quá tầm bản thân nhưng lại không cần thiết, dẫn đến tình trạng liên thông ngược. Lựa chọn bởi sự tác động tức thời: Lựa chọn để đáp ứng nhu cầu kinh tế…, theo xu hướng, theo mong muốn của người thân, bạn bè…
Để đi đúng hướng, các bạn cần chú ý vấn đề: Ngành, nghề và trường, tương ứng với 3 câu hỏi: Bạn có thể làm nghề gì, học ngành nào để học nghề đó, bạn chọn trường nào, bậc học nào (ĐH, CĐ, TCCN…) có đào tạo ngành đó. Nếu trả lời được những câu trả lời này, các thí sinh có thể dễ dàng chọn cho mình con đường nghề nghiệp đúng đắn, thích hợp, mang đến thành công cho bản thân, tránh lãng phí nguồn nhân lực cho xã hội.
*HỎI - ĐÁP:
*Em thi khối A, muốn thi vào nhóm ngành kinh tế, vậy em nên chọn ngành gì, ngành đó dễ xin việc không? (Lê Văn Khánh 12A1, Trường THPT Đông Hà)
- PGS-TS Lê Văn Huy, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Kinh tế -ĐH Đà Nẵng: Để thi vào khối ngành kinh tế ở các trường ĐH, CĐ, thí sinh phải tham dự kỳ thi THPT Quốc gia. Để thi vào Trường ĐH Kinh tế Đà Nẵng, thí sinh phải thi các tổ hợp: Toán-lý-hóa, toán-văn-anh, toán-lý-anh. Khi đó, các bạn có thể đăng ký dự tuyển vào 27 chuyên ngành của trường ĐH Kinh tế - ĐH Đà Nẵng. Năm nay, trường có các chuyên ngành chỉ đào tạo hệ chất lượng cao, không đào tạo chương trình đại trà: Kế toán, kiểm toán, marketing, ngân hàng, ngoại thương, quản trị tài chính, tài chính doanh nghiệp. Do đó, khi đăng ký dự thi vào trường, các bạn có thể khi các khối A, A1 hay D1 như các năm. Tuy nhiên, nếu dự tuyển vào các chuyên ngành, thí sinh nên chú ý nhóm ngành chỉ đào tạo chất lượng cao và nhóm ngành đào tạo đại trà. Hùng (TS Tự do): Học phí các trường công lập năm nay tăng mạnh từ năm nay đúng không? HP trường ĐH Duy Tân bao nhiêu?
Duy Tân: Đào tạo bằng tín chỉ, mỗi tín chỉ 375.000 đồng, trung bình 13 triệu, công lập tăng. Vấn đề chất lượng, đã qua nhiều năm đào tạo uy tín, ra trường tỉ lệ có việc cao…
- Học phí các trường công lập năm nay tăng mạnh từ năm nay đúng không? Học phí trường ĐH Duy Tân bao nhiêu? (Hùng - thí sinh tự do):
- PGS-TS Nguyễn Ngọc Minh, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân Đà Nẵng: Trường đào tạo bằng tín chỉ, mỗi tín chỉ 375.000 đồng, học phí trung bình 1 năm là 13 triệu. Còn về học phí các trường công lập, theo tôi được biết năm nay sẽ tăng, tùy trường. Tuy nhiên, khi chọn trường, ngoài học phí, các em nên cân nhắc các vấn đề chất lượng, số năm đào tạo, độ uy tín, tỉ lệ có việc làm của sinh viên sau tốt nghiệp…
TS Trần Đình Lý, Trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Nông Lâm TP HCM
* Em muốn học ngành kiến trúc phải làm hồ sơ như thế nào? Nếu không đậu thì qua ngành kỹ thuật xây dựng được không?
- TS Lê Công Toàn, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kiến trúc Đà Nẵng: Trước hết, để xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ, các em đăng ký thi kỳ thi THPT quốc gia 2015 và có giấy chứng nhận tốt nghiệp THPT. Sau đó, các em dùng phiếu số 1 đăng ký vào 4 ngành một trường, với nguyện vọng 1 vào ngành kiến trúc với các tổ hợp môn theo quy định của trường thí sinh muốn thi vào.
Về tổ hợp thi, ngành kiến trúc có nhiều tổ hợp: ví dụ Trường ĐH Kiến Trúc TP HCM có 2 tổ hợp toán-lý, toán-văn, ĐH Đà Nẵng có 1 tổ hợp toán-văn, ĐH Kiến Trúc Đà Nẵng có 3 tổ hợp: toán-lý, toán-văn, toán-anh văn và toán-hóa. Ngoài ra, các em phải dự thi môn năng khiếu là vẽ kỹ thuật.
Trong trường hợp không đậu vào Trường ĐH Kiến trúc, em muốn xét tuyển thêm ngành kỹ thuật xây dựng, thì ngoài 4 môn tối thiểu (3 môn bắt buộc và 1 tự chọn), các em phải thi những môn khác trong kỳ thi THPT quốc gia (có cả các tổ hợp môn để xét ngành kiến trúc và tổ hợp môn xét ngành xây dựng), để có đủ điều kiện xét tuyển vào 2 ngành trên.
*Em muốn sau này làm ngành tài chính ngân hàng trong quân đội, em phải thi những ngành nào?
ThS Trương Tiến Sĩ, Phó Trưởng Phòng Đào tạo, Trường ĐH Ngân Hàng TP HCM: Bổ sung về học phí, theo quy định Bộ GD-ĐT, các trường phải công bố 3 công khai trên website: Cơ sở vật chất, học phí, chương trình đào tạo. Đối với trường công lập, có 2 loại hình trường công lập thu học phí: Tự chủ tài chính và phụ thuộc bao cấp nhà nước. Bắt đầu từ năm nay, trường tự chủ được thu tối đa 13 tr/năm. Mức học phí bao cấp NN: 5,5 tr/năm. Trong bậc đào tạo các trường có hệ chất lượng cao, hoặc cử nhân tài năng, cao nhiều lần so với mức thông thường.
TS Trương Quý Tùng – Phó Giám đốc Đại học Huế
- Trả lời câu hỏi thí sinh Thái Thùy: Có 2 đường làm việc quân đội: Thi tuyển vào các trường đào tạo quân đội, biên chế vào các quân khu, quân đoàn, thứ hai, lấy bằng ĐH, CĐ vào các trường, sau đó ứng tuyển vào các kỳ tuyển dụng của đơn vị quân đội. Do đó, nguyện vọng của em hoàn toàn có thể thực hiện được.
*ĐH Hoa Sen học phí bao nhiêu?
- ThS Hoàng Đức Bình, Giám đốc Trung tâm tuyển sinh và truyền thông, Trường ĐH Hoa Sen: Trường ĐH Hoa Sen có mức học phí cao nhất, nhì trong các trường công lập ĐH TP HCM. Học phí Hoa Sen từ 45-48 triệu/năm trong 3-4 năm, không thay đổi, chưa kể chi phí ăn ở, học tập tạo TP HCM.
Tuy nhiên, mỗi năm trường vẫn thu hút hàng ngàn thí sinh do chất lượng đào tạo được đánh giá cao. Trường ĐH Hoa Sen có các chương trình tiên tiến, được giảng dạy bằng tiếng Anh, có học bổng ưu đãi đối với sinh viên học giỏi, sinh viên trường chuyên…lên đến 200 triệu/sinh viên mỗi
* Con gái học ngành kỹ thuật sẽ rất khổ đúng không ạ?
- PGS-TS Lê Hiếu Giang – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM: Xin bổ sung phần học phí của trường. Nếu thí sinh chọn theo hướng sư phạm kỹ thuật sẽ được miễn học phí vì được nhà nước bao cấp. Mỗi năm, trường dành 400 chỉ tiêu dành cho sư phạm kỹ thuật. Sinh viên tốt nghiệp nhóm ngành này có 2 bằng: Bằng kỹ sư và chứng chỉ sư phạm.
Trường hiện có nhiều nữ và đang khuyến khích các bạn nữ theo học. Ở một số ngành kỹ thuật, sinh viên nữ theo học sẽ được giảm 50% học phí ở một số ngành của trường. Về vấn đề "con gái học kỹ thuật có khổ hay không", tôi xin trả lời rằng ngành nào cũng có những khó khăn thử thách riêng. Ngoài ra, trường còn có các ngành nhẹ nhành phù hợp cho nữ như kinh tế gia đình, công nghệ may, thiết kế thời trang…
*Em đang học khối D1 và dự định thi vào khoa sư phạm tiểu học của ĐH Huế. Khoa này có những ngành nào, cách sơ tuyển, nộp hồ sơ? Những ngành này của ĐH Huế được đào tạo tại Quảng Trị? (Lê Thị Hoàn Khánh Huyền, lớp 12 B2 Trường THPT Cam Lộ)
- TS Trương Quý Tùng – Phó Giám đốc Đại học Huế: Giáo dục tiểu học thuộc nhóm ngành sư phạm và có một phần thi năng khiếu, xem thông tin trên website của trường về môn năng khiếu. Tại Phân hiệu ĐH Huế tại Quảng Trị có những ngành đào tạo sau: Công nghệ kỹ thuật môi trường, Kỹ thuật công trình xây dựng và kỹ thuật điện, điện tử - tuyển sau năm học thứ nhất dựa vào kết quả học tập và nguyện vọng sinh viên. Ngoài ra, 8 trường ĐH thành viên của ĐH Huế, mở nhiều ngành mới tại phân hiệu tại Quảng Trị, với điểm xét tuyển thấp hơn tại các trường thành viên, thuận lợi cho thí sinh Quảng Trị. Các ngành này bao gồm:Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành (Khoa Du lịch - ĐH Huế - 50 chỉ tiêu), quản trị kinh doanh (ĐH Kinh tế với 50 chỉ tiêu), Trắc địa bản đồ (ĐH Khoa học – ĐH Huế với 50 chỉ tiêu), Thiết kế đồ hoa (ĐH Nghệ thuật - ĐH Huế với 15 chỉ tiêu), Thiết kế nội thất (ĐH Nghệ thuật – ĐH Huế với 15 chỉ tiêu)…
ThS Phạm Thế Vinh, Trưởng phòng khảo thí và quản lý chất lượng, Trường ĐH Tài Chính – Marketing.
*Em được biết Trường ĐH Nội vụ - Cơ sở miền Trung có 2 ngành là quản trị văn phòng và quản lý nhà nước. Hai ngành này học những gì, ra trường làm gì? (Nguyễn Vũ Đạo – 12 A5 Trường THPT Đông Hà)
TS Hoàng Sỹ Nguyên – Trường ĐH Nội vụ Hà Nội (Cơ sở miền Trung): ĐH Nội vụ là trường công lập, chức năng đào tạo, bồi dưỡng nhân lực có trình độ thạc sĩ, ĐH, CĐ, và bồi dưỡng nghiệp vụ các ngành chuyên về nội vụ. Trường có 2 cơ sở: 1 cơ sở phía Nam tại TP HCM, 1 cơ sở tại miền Trung - Tây Nguyên đặt tại Đà Nẵng. Các ngành Trường ĐH Nội vụ Hà Nội (Cơ sở miền Trung) đào tạo gồm 4 ngành ĐH (quản trị nhân lực, quản lý nhà nước, quản trị văn phòng, lưu trữ học) và 4 ngành CĐ (quản trị nhân lực, quản lý nhà nước, quản trị văn phòng, lưu trữ học, dịch vụ pháp lý). Năm any, trường tuyển thêm 2 ngành mới, quản trị văn hóa và khoa học thư viện, xã hội hiện nay đang rất cần.
Sinh viên trường ngoài việc được học kiến thức cơ bản, còn có kiến thức chuyên ngành. Ví dụ: Về quản lý nhà nước, đi sâu vào pháp luật, hành chính công, lịch sử, tổ chức nhà nước… kỹ năng làm việc trong các cơ quan nhà nước từ cấp xã trở lên. Ngành quản trị văn phòng: Soạn thảo văn bản, văn bản hành chính, các thủ tục, kỹ năng từ tiếp cách, nghe điện thoại, tổ chức công tác, sử dụng các phần mềm văn phòng…Tuyển sinh dựa vào kết quả kỳ thi THPT quốc gia. Hưởng các chế độ miễn giảm học phí của trường công lập.
* Em muốn thi vào ĐHQG TP HCMphải có các điều kiện gì? Em định thi vào ngành công nghệ sinh học, ngành này đào tạo gì, cơ hội việc làm cao không?
- TS Nguyễn Đức Nghĩa, Phó Giám đốc ĐHGQ TP HCM: Công nghệ sinh học là ngành hiện được đào tạo tại rất nhiều trường. Tại ĐHQG TP HCM, ngành này được đào tạo tại nhiều trường ĐH thành viên như: ĐH Bách Khoa, Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc tế, tuyển sinh ở hai khối A và khối B. Điều kiện xét tuyển: ĐHQG có vòng sơ tuyển yêu cầu học sinh có điểm trung bình học kỳ (5 học kỳ) từ 6.5 trở lên, hạnh kiểm khá trở lên ở học kỳ 1 lớp 12. Sau đó, ĐHQG căn cứ trên kết quả các môn thi của kỳ thi THPT Quốc gia để xét tuyển thí sinh
*Ngành sư phạm mầm non của Trường CĐ Phương Đông Đà Nẵng cần những điều kiện gì? Có phải đóng học phí không?
PGS-TS Nguyễn Hữu Kỳ-Phó Hiệu trưởng Trường CĐ Phương Đông Đà Nẵng: Điều kiện vào ngành sư phạm mầm non: Do ngành này được đào tạo ở hệ trung cấp nên chỉ cần thí sinh tốt nghiệp THCS trở lên theo quy chế tuyển sinh trung cấp chuyên nghiệp, các em sẽ học trung cấp và học thêm văn hóa trong thời gian theo học tại trường.
Về học phí, trường đã tính toán mức học phí phù hợp với sinh viên miền Trung, ví dụ mức cao đẳng khoảng 4 triệu, trung cấp ở mức thấp hơn.
*Cách xét tuyển mới của Trường ĐH Tài chính – Marketing khác gì các năm?
- ThS Phạm Thế Vinh, Trưởng phòng khảo thí và quản lý chất lượng, Trường ĐH Tài Chính – Marketing: Trường xét tuyển theo quy định chung của Bộ GD-ĐT, tổ hợp theo các khối thi truyền thống: A, A1, D1. (toán-lý-hóa; toán-văn-Anh văn; toán-văn-lý). Do đó, các em nên lưu ý khi thi tốt nghiệp.
*Năm nay việc liên thông từ CĐ lên ĐH sẽ như thế nào? Bằng liên thông có giá trị bằng bằng chính quy không?
- TS Nguyễn Anh Duy, Phó Hiệu trưởng Trường CĐ Công nghệ - ĐH Đà Nẵng: Sau khi tốt nghiệp trung cấp hoặc cao đẳng, các em có thể liên thông lên hệ tiếp theo. Để học liên thông từ CĐ lên ĐH, thí sinh phải tham dự kỳ thi THPT quốc gia, lấy điểm xét tuyển ĐH như các thí sinh khác. Do 3 năm học CĐ, các em đã tích lũy các môn học cơ bản, nên khi lên ĐH các em sẽ được rút ngắn thời gian (chỉ còn 1,5 – 2 năm tùy năng lực). Bằng ĐH liên thông và ĐH chính quy có giá trị như nhau, vì một số trường cho SV liên thông học chung chính quy. Trường CĐ uy tín như Trường CĐ Công nghệ - ĐH Đà Nẵng, với truyền thống hơn 50 năm, các em hoàn toàn có thể xin việc, đi làm, nếu có điều kiện học lên ĐH chứ không cần học ĐH ngay khi tốt nghiệp CĐ.
*Em muốn sau này công tác ở ngành thuế. Xin thầy cô cho biết ở Trường ĐH Tài chính Kế toán Quảng Ngãi có ngành học nào đào tạo liên quan ngành này?
- TS Phạm Sỹ Hùng – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Tài chính Kế toán Quảng Ngãi: Hiện nay, ngành thuế không nằm trong hệ thống danh mục các ngành đào tạo của các trường ĐH-CĐ. Theo quy định của Bộ GD-ĐT, ngành thuế được thiết kế như một chuyên ngành, chương trình đào tạo nằm trong ngành tài chính – ngân hàng của các trường. Khi trúng tuyển vào ngành tài chính – ngân hàng, các em có thể đăng ký vào chuyên ngành thuế. Tại Trường ĐH Tài chính Kế toán Quảng Ngãi cũng đào tạo ngành tài chính – ngân hàng ở cả hệ ĐH và CĐ.
16 giờ, chương trình kết thúc thời lượng phát trên sóng đài TH Quảng Trị, nhưng vẫn còn rất nhiều cánh tay, câu hỏi của các em dành cho ban tư vấn. Do đó, các thầy cô vẫn đang tiếp tục lưu lại trên sân trường để tư vấn cho các em.
Đơn vị tài trợ:
Bình luận (0)