Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) dự kiến sẽ có một số thay đổi về phương án tổ chức kỳ thi THPT quốc gia và xét tuyển ĐH, CĐ từ năm 2018.
Tách bài thi tổ hợp thành 3 đầu điểm
Theo đó, trong kỳ thi THPT quốc gia 2018, các thí sinh sẽ làm 5 bài thi, gồm 3 bài thi độc lập toán, ngữ văn, ngoại ngữ cùng 2 bài thi tổ hợp khoa học tự nhiên (KHTN) và khoa học xã hội (KHXH). Trong đó, bài thi KHTN là tổ hợp các môn vật lý, hóa học, sinh học còn bài thi KHXH là tổ hợp các môn lịch sử, địa lý, giáo dục công dân đối với giáo dục phổ thông; và tổ hợp môn lịch sử và địa lý đối với giáo dục thường xuyên. Thí sinh đã tốt nghiệp THPT dự thi để lấy kết quả xét tuyển vào ĐH, CĐ có thể chọn thi bài thi độc lập (toán, ngữ văn, ngoại ngữ) và/hoặc bài thi KHTN hoặc KHXH phù hợp với tổ hợp xét tuyển vào ngành, nhóm ngành theo quy định của các trường ĐH, CĐ.
Đối với 2 bài thi tổ hợp, Bộ GD-ĐT đang đưa ra 2 phương án để các trường cho ý kiến. Phương án một, giữ nguyên bài thi tổ hợp với 3 đầu điểm cho từng môn thi thành phần giống như năm 2017. Phương án hai, mỗi bài thi tổ hợp có nội dung của 3 môn thành phần nhưng được bố trí thành một bài thi hoàn chỉnh, chấm điểm chung với 1 đầu điểm thống nhất của toàn bài thi, không tách thành 3 đầu điểm theo từng môn thi thành phần như năm 2017.
Thí sinh trao đổi về đề thi trong kỳ thi THPT quốc gia 2017 Ảnh: TẤN THẠNH
Bộ GD-ĐT cho hay là nếu theo phương án hai, các trường có thể chọn 2 hoặc 3 bài thi trong số các bài thi của kỳ thi THPT quốc gia để xét tuyển trong đó bắt buộc phải có một bài thi ngữ văn hoặc toán; hoặc một bài thi ngữ văn hoặc toán và một hoặc hai đầu điểm thi năng khiếu, điểm đánh giá năng lực do trường tổ chức hoặc điểm khác do trường lựa chọn quy định trong đề án tuyển sinh.
Bộ GD-ĐT cho rằng việc đưa ra phương án mới đối với bài thi tổ hợp sẽ giúp việc tổ chức thi và chấm thi đơn giản, dần phát triển thành bài thi tích hợp đánh giá năng lực của thí sinh.
Gây khó cho thí sinh
Đánh giá về 2 phương án mà Bộ GD-ĐT đưa ra, ông Trần Văn Tớp, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, nhận định việc chỉ tính một đầu điểm như phương án 2 sẽ thuận lợi cho các trường nhưng dưới góc độ học sinh thì có thể sẽ gặp khó khăn. Theo ông Tớp, thông thường khi vào lớp 10 thì thí sinh đã định hướng theo KHTN hay KHXH. Nếu chọn khối ngành tự nhiên thì các em có thể chọn khối A (toán - lý - hóa) hoặc khối B (toán - hóa - sinh). Như vậy, những em định hướng khối A thì năm lớp 10-11 đã không chú ý đầu tư cho môn sinh, nay lên lớp 12 lại bảo các em phải thi sinh thì e rằng các em sẽ không đủ thời gian.
"Đây là phương án tốt nhưng cần phải có thời gian để thí sinh chuẩn bị. Chẳng hạn, chúng ta công bố trong năm nay nhưng không áp dụng trong kỳ thi năm 2018 mà đến 2019 mới áp dụng. Còn nếu vẫn muốn áp dụng trong năm nay thì theo tôi cần phải công bố thật sớm, ít nhất là trong tháng 9 này, để học sinh có đủ thời gian chuẩn bị" - ông Tớp nói.
Cũng chung quan điểm này, ông Nguyễn Hoàng Long, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ Giao thông Vận tải, đề xuất vẫn có thể thi gộp thành một bài thi chứ không tách thành 3 môn thi như năm trước để thuận lợi cho khâu tổ chức thi nhưng khi chấm vẫn tách thành 3 đầu điểm để thí sinh vẫn có thể lựa chọn xét tuyển theo các khối thi mà các em đã chọn.
Không nên gây xáo trộn
Ông Nguyễn Văn Sơn, Hiệu trưởng Trường ĐH Y Dược - ĐH Thái Nguyên, lại có quan điểm nên giữ nguyên phương án tổ chức thi và xét tuyển như năm 2017. Theo ông Sơn, Bộ GD-ĐT nên tính toán khâu đề thi để có sự phân hóa cao giúp các trường lựa chọn được thí sinh phù hợp. Ông Trần Văn Tớp cũng cho rằng năm 2018 nên giữ phương án này đồng thời điều chỉnh một số nhược điểm kể cả phần thi và xét tuyển.
Bình luận (0)