Những sai sót khi ra đề thi như đề ra sai, không phù hợp với chuẩn đầu ra của chương trình, năm thì rất khó, năm thì có đề khá dễ, năm thì trùng đề với đề thi thử... đã không còn lạ ở kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Chính sách hạn chế, tiêu cực sinh sôi
Sai phạm trong khâu đề thi thể hiện rõ ràng trên phổ điểm kết quả thi tốt nghiệp qua các năm, nhiều phân bố khá kỳ dị không theo đúng quy luật ngẫu nhiên của trắc nghiệm khách quan cho dù chúng ta có cả hội đồng đề thi rà soát "rất kỹ".
Có thể nói sai phạm hay hạn chế trong chính sách thi cử là một trong các nguyên nhân khiến cho tiêu cực sinh sôi nảy nở. Nếu để ý từ kỳ thi 2015, số vụ lộn xộn xảy ra khi dùng kết quả của thi tốt nghiệp làm điều kiện xét tuyển tốt nghiệp và có thể dùng xét tuyển đại học (ĐH). Về lý thuyết đều dùng kết quả thi tốt nghiệp cho 2 mục đích rất đúng do giảm chi phí tổ chức hai kỳ thi.
Thế nhưng, thực tế khó áp dụng trong bối cảnh của Việt Nam do yêu tố tâm lý và văn hóa, thói quen giành giật, đua chen của một bộ phận không nhỏ trong chính những học sinh, giáo viên, phụ huynh và ngay cả các quan chức quản lý giáo dục ở địa phương lại cộng thêm với việc buông lỏng kiểm soát chất lượng giáo dục ĐH, khiến cho học sinh cứ vào ĐH là sẽ ra được trường dễ dàng đang diễn ra ở một số lớn các trường ĐH. Yếu tố văn hóa tiêu cực của một bộ phận trong xã hội rất thách thức với một nền giáo dục trung thực, vị thành tích. Nếu phân tích kỹ hơn động cơ gian lận có nằm trong cả việc lo sợ ảnh hưởng đến vị thế chính trị, chức vụ của quan chức liên quan... nên đã có những sai phạm ngay cả ở ban chỉ đạo thi của địa phương. Những người này lo sợ trách nhiệm giải trình, trách nhiệm chính trị nên có phần buông lỏng kiểm soát và có khi còn bật đèn xanh cho những hành vi tiêu cực nào đó.
Chính sách phát triển ĐH đã mở thêm ra nhiều trường ĐH. Đây là chính sách đúng đắn khi tỉ lệ nhân lực của Việt Nam có trình độ ĐH còn rất thấp so với nhiều quốc gia khác. Việc này phần nào giảm bớt sự căng thẳng cho cuộc chạy đua vào các trường ĐH như đã xảy ra trước những năm đầu thế kỷ XXI.
Tuy nhiên, một sự phát triển mạnh và đầu tư không tương xứng cho giáo dục ĐH đã ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo do tài chính không đủ. Không cách nào khác, các trường thiếu tài chính vơ vét tuyển sinh, buông lỏng kiểm soát chất lượng trong ĐH hòng giữ chân sinh viên ngay cả những em có năng lực học tập hạn chế để còn thu học phí. Học sinh tin rằng nhiều trường ĐH đã vào được thì sẽ ra được dễ dàng và cơ hội có tấm bằng ĐH rất dễ và xuất hiện hành vi thiếu trung thực trong thi kiểm tra, đánh giá. Điều này không chỉ dừng ở phía học sinh mà một bộ phận giáo viên vì những động cơ vụ lợi khác nhau có thể gây ra lạm phát điểm ở học bạ vì nó chiếm đến 30% điểm xét tốt nghiệp và đương nhiên cả cho xét vào ĐH bằng điểm thi tốt nghiệp hay học bạ.
Cần đánh giá chính sách thi cử một cách chuyên nghiệp chứ không nên làm như nhiều năm nay kiểu ăn đong. Trong ảnh: Thí sinh dự kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023 tại TP HCM. Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Cần chiến lược đo lường, đánh giá chuyên nghiệp
Điểm qua những nguyên nhân sai phạm và tiêu cực trong thi cử ở Việt Nam hiện nay cho thấy thuộc về 3 nhóm: Cơ quan quản lý nhà nước các cấp đặc biệt là cơ quan quản lý giáo dục trung ương và địa phương trong việc ban hành chính sách. Nhóm thứ hai thuộc về người học và gia đình của họ, nhóm còn lại thuộc về các thầy cô giáo cả gián tiếp và trực tiếp.
Để hạn chế những sai phạm cơ quan ra chính sách quyết điều gì phải có nghiên cứu thực tiễn trong nước và thế giới, tránh làm chính sách kiểu "chợt nghĩ ra" mà thiếu tư duy những tác động chính sách đến người dân và xã hội, xa rời thực tế văn hóa, chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục của các vùng miền.
Vì vậy, Bộ GD-ĐT có thể nên xem xét xây dựng hẳn một chiến lược phát triển đo lường đánh giá thật chuyên nghiệp. Trong đó, chỉ ra mục tiêu tầm nhìn, lộ trình hiện đại hóa việc thi cử, xây dựng tổ chức khảo thí độc lập, đào tạo sớm đội ngũ chuyên gia đo lường chỉ có việc tập trung vào thiết kế đề thi, đánh giá chính sách một cách chuyên nghiệp chứ không nên làm theo kiểu ăn đong nhiều năm qua.
Thiết kế đề thi và thử nghiệm các bài trắc nghiệm trên diện rộng và chuẩn hóa sẽ hạn chế những sai sót trong khâu ra đề và hơn nữa câu chuyện có ngân hàng đề thi chuẩn hóa thì các địa phương có thể được tổ chức toàn bộ công tác thi cử. Bộ GD-ĐT sẽ rảnh tay để làm chính sách và giám sát các địa phương, rủi ro về sai phạm trong khâu làm đề sẽ giảm thiểu đến mức thấp nhất. Một thị trường khảo thí của dân số 100 triệu dân đang là thị trường rất tiềm năng cho dịch vụ khảo thí. Nếu chúng ta để ý sẽ thấy các dịch vụ thi ngoại ngữ mà nước ngoài kiếm khá nhiều ngoại tệ của Việt Nam.
Về phía nhà trường đặc biệt là các giáo viên, cơ quan quản lý cần tạo điều kiện cho giáo viên có cơ hội phát triển chuyên môn, giúp giáo viên có kỹ năng đánh giá, các phương pháp giảng dạy và công cụ mới nhất ngăn chặn gian lận như sử dụng các thiết bị công nghệ cao. Ứng xử công bằng bình đẳng với mọi học sinh tránh thiên vị em này hay em kia vì vụ lợi từ phía gia đình học sinh như con cái quan chức, nhà giàu có sẽ được ưu ái hơn chẳng hạn. Lãnh đạo nhà trường tránh vì thành tích ảo mà coi thường giáo dục giá trị thực cho người học hoặc lẩn tránh trách nhiệm giải trình.
Giáo dục sự trung thực
Những hành vi gian lận, thiếu ý thức kỷ luật phòng thi thường do nhiều nguyên nhân như áp lực thành tích, muốn đi tắt để có kết quả cao, thiếu chuẩn bị về kiến thức kỹ năng, thiếu đạo đức trung thực trong học tập hình thành từ khi còn bé... Những học sinh đã trải nghiệm qua gian lận nhưng không bị trừng phạt thích đáng, có thể là ví dụ xấu để những học sinh khác nhìn vào và a dua theo. Vì thế, với học sinh cần một mặt nâng cao chất lượng giáo dục, chuẩn bị cho các em kiến thức vững chắc, giáo dục giá trị của sự trung thực, tuân thủ kỷ luật phòng thi và mặt khác giáo viên phải gương mẫu về đạo đức nhà giáo, kiên quyết xử lý và kiên trì giáo dục các em về tính kỷ luật ngay từ lớp 1 cho đến các lớp sau này. Trong xã hội vẫn còn những tham nhũng, tiêu cực nhưng không phải cứ nhìn vào bức tranh ấy để đổ lỗi cho xã hội mà không tự trách mình trong hệ thống giáo dục là không nên!
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 3-7
Bình luận (0)