Câu trả lời không khó nhưng để giải quyết được gốc rễ của vấn đề làm sao bịt lại những lỗ hổng trong chính sách, quy chế thi cử và việc thực thi các chính sách, quy chế đó mới là khó. Bởi nếu đã giải quyết được thì đã không có sai phạm, tiêu cực xảy ra và nếu có xảy ra thì cũng được xử lý nhanh chóng và nghiêm khắc.
Nguy cơ đến từ chính địa phương
Ngoại trừ sai phạm trong quy trình ra đề thi môn sinh học năm 2021 xảy ra từ Ban Đề thi của Cục Quản lý chất lượng - Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), có thể thấy các tiêu cực thi cử hầu hết nằm trong trách nhiệm của các địa phương ở tất cả các khâu của kỳ thi - từ tổ chức thi, coi thi, chấm thi. Đây chính là mấu chốt cho các giải pháp chống tiêu cực trong thi cử thời gian tới, cũng cho thấy nếu chuyển giao hoàn toàn kỳ thi tốt nghiệp cho các địa phương (bao gồm cả ra đề thi) sẽ chẳng có giá trị gì, thà là bỏ thi tốt nghiệp còn có ý nghĩa hơn.
Riêng năm 2021 có 12.000 thí sinh xét đặc cách tốt nghiệp THPT, tổng tỉ lệ đỗ tốt nghiệp THPT của cả nước là 98,6% .Ảnh: Ca Linh - Đồ họa: VFA
Công bằng mà nói, nếu thực hiện nghiêm các quy chế, quy định, quy trình trong thi cử thì sẽ hạn chế ở mức tối đa các tiêu cực, sai phạm. Tuy nhiên trên thực tế, sai phạm, tiêu cực trong thi cử vẫn xảy ra.
Một số chính sách, quy định, quy chế trong thi tốt nghiệp (và cả xét tuyển) tạo động lực cho các hành vi sai phạm, tiêu cực. Ví dụ, trước đây quy định về ưu tiên khu vực chưa hợp lý đã tạo nên việc chạy hộ khẩu, chạy học bạ để học sinh được hưởng điểm ưu tiên khi xét tuyển. Thậm chí, việc tổ chức thi tại địa phương như hiện nay ở góc độ nào đó cũng tạo điều kiện cho các sai phạm, tiêu cực dễ xảy ra.
Ở kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia đầu tiên năm 2015 với xấp xỉ 1 triệu thí sinh, các cụm thi đại học do các trường đại học chủ trì, điều đáng kinh ngạc là số lượng vi phạm kỷ luật phòng thi từ khiển trách, cảnh cáo đến đình chỉ thi lại tăng gấp gần 70 lần so với kỳ thi tốt nghiệp 2014 do các sở GD-ĐT chủ trì (760 vụ năm 2015 so với 11 vụ năm 2014). Năm 2017, khi kỳ thi tốt nghiệp được giao hoàn toàn cho các sở GD-ĐT địa phương chủ trì, số trường hợp kỷ luật phòng thi chỉ còn 70. Năm nay, 2023, số thí sinh bị kỷ luật đình chỉ thi giảm chỉ còn 40.
Cách sắp xếp phòng thi hiện nay theo quy chế thi tốt nghiệp đưa đến hiện tượng đa số học sinh của những trường THPT ở các huyện, thị xã vẫn ngồi thi tại cùng một điểm thi, thậm chí tại chính trường mình học. Và do việc xếp số báo danh chỉ căn cứ trên thứ tự a, b, c… của danh sách thí sinh tại điểm thi nên dẫn đến sẽ có khá nhiều học sinh học cùng trường, cùng lớp nay lại ngồi thi tốt nghiệp cùng phòng thi, thậm chí ngồi cạnh nhau, khiến cho kỳ thi ở quy mô quốc gia có không khí như thi học kỳ.
Nếu cán bộ coi thi, cũng là giáo viên từ trường khác với điểm thi, dễ dãi hoặc không tuân thủ quy định coi thi, tiêu cực rất dễ xảy ra. Rõ ràng coi thi là một yếu tố quyết định để chống tiêu cực ngay tại phòng thi.
Thiếu năng lực kiểm tra, giám sát
Trong trường hợp sai phạm năm 2023, cán bộ coi thi không phát hiện được thí sinh sử dụng điện thoại chụp ảnh đề thi để gửi ra ngoài trước giờ kết thúc làm bài thi. Trong bối cảnh thi cử thời hiện đại, việc gian lận trong phòng thi của thí sinh được hỗ trợ bởi công nghệ cao, kỹ thuật cao, khó phát hiện hơn. Do vậy, cán bộ coi thi cần được tập huấn không chỉ các quy trình thực hiện trong phòng thi mà cả các phương pháp phát hiện gian lận bằng kỹ thuật công nghệ cao.
Các thành viên của đoàn kiểm tra, ban thanh tra phải có trách nhiệm và đủ năng lực để kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định, quy chế thi cử trong lúc thi và các giai đoạn sau khi thi (chấm thi, xét tuyển). Vụ gian lận nâng điểm thi ở Hòa Bình, Sơn La được phát hiện tháng 7-2018, mất đến 9 tháng mới xác định đầy đủ bằng chứng sai phạm và gần 2 năm sau (tháng 5-2020) mới đem ra xét xử, tuyên án.
Vi phạm về việc ra đề thi tốt nghiệp môn sinh năm 2021 mãi đến năm 2023 mới điều tra xong và đến nay, hơn 2 năm, vẫn chưa đưa ra xét xử. Những chậm trễ trong xử lý sai phạm đôi khi tạo cảm giác cho dư luận về việc thiếu năng lực kiểm tra, giám sát, thậm chí là che giấu khuyết điểm của ngành giáo dục. Vụ phát tán đề thi lên mạng trước giờ kết thúc làm bài thi trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 đến nay cũng gần hơn 1 tuần, cần phải có kết luận sớm về hình phạt. Cần xử lý thật nhanh, hình phạt thật nặng cho những người vi phạm quy chế, quy định trong thi cử thì mới có tính răn đe cho các sai phạm tương tự trong tương lai.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 3-7
Kỳ tới: Tránh làm chính sách kiểu "chợt nghĩ ra"
Bệnh thành tích trong thi cử
Một động lực lớn cho tiêu cực thi cử đã được chỉ ra từ lâu, ít nhất cách đây gần 20 năm khi Bộ GD-ĐT chính thức phát động cuộc vận động 2 không - "Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục" - tại hội nghị toàn quốc của ngành giáo dục năm 2006. Ðây có thể coi như một giải pháp đột phá nhằm chấn chỉnh nền nếp, kỷ cương trong ngành giáo dục. Kết quả đầu tiên của cuộc vận động này như đã thấy, đó là tỉ lệ tốt nghiệp năm 2007 giảm xuống thấp nhất trong lịch sử, chỉ còn 67%. Tuy nhiên, chỉ hơn 1 tháng sau kỳ thi tốt nghiệp 2007, Bộ GD-ĐT đã phải tổ chức kỳ thi tốt nghiệp đợt 2 để giải cứu, có lẽ do áp lực xã hội vốn đã "quen" với tỉ lệ tốt nghiệp thường xuyên cao hơn 90%. Căn bệnh thành tích này cũng là nguyên nhân của sai phạm xảy ra ở 11 tỉnh ĐBSCL vào năm 2011 để tỉ lệ tốt nghiệp của học sinh tỉnh mình không thua kém các địa phương khác.
Từ năm 2015, khi kết quả thi tốt nghiệp còn được gắn thêm khả năng xét tuyển đại học, sai phạm thi cử không chỉ do bệnh thành tích mà còn đượm mùi tiền. Trong vụ án nâng điểm năm 2018 ở Hà Giang, Hòa Bình, Sơn La... tiền hối lộ lên đến hàng tỉ đồng.
Bình luận (0)