Một vấn đề tưởng chừng các em 16 tuổi giải quyết tốt nhưng xem ra ở tuổi 61 cũng khó nuốt!
Trong thế giới của tuổi teen hôm nay có quá nhiều thứ mà các bậc làm cha mẹ, nhà trường chạy không kịp để dạy các em. Thế giới hôm nay quá rộng với các em, ngoại ngữ và công nghệ chính là công cụ để giúp các em khám phá và "phá khám" bó buộc chính mình. Từ những game đơn giản đến game cờ bạc trá hình. Từ những phim hoạt hình vui nhộn đến những phim làm các em già trước tuổi. Từ những thông tin chia sẻ bài học đến những thông tin bán hàng qua mạng và rồi bán chất cấm... Từ những comment (bình luận) tương tác thú vị nhẹ nhàng đến comment phê phán và đôi khi vượt rào, chính phương tiện smartphone, máy tính đã và đang dẫn con người lao vào sống ảo.
Nên để "lắng nghe" là việc cần làm ngay và làm thường xuyên. Một đề thi hay cần đòi hỏi có sự định hướng tiếp, chúng ta không chỉ chấm thi rồi dừng lại, thầy cô tiếp tục lắng nghe chính mình và lắng nghe các em mới hướng dẫn các em các phương pháp lắng nghe, điều quan trọng là sau lắng nghe, chúng ta phải làm gì? Ai cũng biết muối có vị mặn nhưng chỉ nói mãi mà không nếm thì ngàn năm cũng không biết vị mặn như thế nào? Giáo dục phải biến lý thuyết thành hành động, đó chính là chân lý.
Lắng nghe chính mình không đơn giản chỉ là sử dụng tai để nghe. Con người chúng ta có nhiều giác quan như mắt, tai, mũi, lưỡi... nên khi dạy tuổi teen hôm nay, người thầy phải am tường kiến thức đời sống hay nói cách khác, những vấn đề về thế giới quan, thầy cô phải có trải nghiệm mới chinh phục học trò, hướng dẫn các em sử dụng đôi mắt nên nhìn những gì tốt đẹp để thấy cuộc đời bình an, hãy tránh xa những thói hư tật xấu. Đôi mắt nhìn đời để đồng cảm và chia sẻ yêu thương vì xung quanh ta còn rất nhiều mảnh đời cần được giúp đỡ. Liệu chăng chúng ta có quá kỳ vọng vào tuổi teen hôm nay? Khi mà cha mẹ dồn sức chăm bẵm tất tần tật cho con, nhà trường cũng chỉ dừng lại trên nguyên tắc chứ không dám chạm vào "cậu ấm, cô chiêu" theo kiểu "cứng rắn một tí"; ngoài giờ đến trường thì giờ ăn, ngủ, chat, game, vòi vĩnh tiền để sắm đồ hiệu, trang sức thời thượng...
Tuổi trẻ hôm nay có bao nhiêu người lắng nghe chính mình để chỉnh sửa thành "con tự ngoan, trò tự giỏi", hay lắng nghe cuộc đời để chia sẻ yêu thương với đồng bào ta khi bị thiên tai, hay ủng hộ chiến sĩ ta ngày đêm canh giữ biên cương, hải đảo hay do chỉ tiêu của Đội, Đoàn để rồi giáo viên chủ nhiệm cố gắng hoàn thành nhiệm vụ trên tinh thần "cưỡng cầu". Tuổi trẻ hôm nay có thật sự lắng nghe thế giới xung quanh? Có thể thấy văn hóa đọc ngày bị mai một, việc xem thời sự càng xa vời nên tuổi teen hôm nay thiếu ý thức bảo vệ môi trường. Rác là một bằng chứng, ngày nay ra ngõ là gặp rác vì chính các em có khi nào quét nhà, quét lớp..., không có sự trải nghiệm ắt thiếu kỹ năng, ắt sẽ vô cảm với thế giới xung quanh.
Nhìn lại cách ra đề văn của thành phố trong nhiều năm qua rất hay, rất ý nghĩa nhằm hướng người học đến giá trị "chân - thiện - mỹ" nên rất cần thầy cô dạy cho các em giá trị thật của một tác phẩm, một bài thơ trên tinh thần tôn trọng cảm xúc của người học, không ép buộc phải tuân thủ bao nhiêu ý của thầy đưa ra, làm thế là triệt tiêu sự sáng tạo, dập tắt cảm xúc chân thành của các em... Như thế, đồng nghĩa chúng ta đang bắt các em "lắng nghe" để đoán trúng ý của thầy cô, từ những thông điệp hay nhà trường cần định hướng để học sinh có sự trải nghiệm, có cảm xúc mới có chất liệu dệt nên tâm hồn đẹp, chắc chắn các em sẽ có cách ứng xử văn minh hơn và nhân văn hơn, đó chính là chức năng của giáo dục.
Bình luận (0)