Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM vừa có văn bản chỉ đạo các đơn vị trường học về công tác tổ chức lễ khai giảng. Theo đó, các trường khai giảng đồng loạt vào sáng 5-9. Buổi lễ phải được tổ chức ngắn gọn, súc tích, tiết kiệm, nêu bật được phương hướng phấn đấu của nhà trường trong năm học tới. Hiệu trưởng không đọc báo cáo thành tích trong buổi lễ, đặc biệt không mời lãnh đạo thành phố và địa phương phát biểu để dành thời gian cho học sinh (HS).
Khơi lại cảm xúc ngày đầu đến trường
Để ngày đầu tiên đến trường thực sự ghi dấu ấn trong lòng học trò, nhiều trường tại TP HCM đã tổ chức lễ đón HS từ ngày tựu trường (15-8) với những hình thức phong phú, hấp dẫn. Nhiều trường xem đây là ngày khai giảng chính thức vì có điều kiện về thời gian và khâu tổ chức.
Ông Nguyễn Thành Phát, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Văn Tố (quận 10), cho biết do thời gian khai giảng rất ngắn nên nhà trường đã tổ chức lễ đón HS lớp 6 và các hoạt động làm quen với trường mới cho các em ngay sau ngày tựu trường. Trường THCS Nguyễn Văn Tố cũng là ngôi trường có cách đón HS khá đặc biệt, như tổ chức lễ cắm trại cho HS lớp 6. Trong ngày hội cắm trại, HS lớp 9 sẽ hướng dẫn, chăm lo cho HS lớp 6 từ cách xếp hàng, lấy đồ ăn sáng đến dọn dẹp sau khi ăn, chơi trò chơi…
Theo ông Phát, những hoạt động này nhằm tạo sự thân quen, gần gũi cho các em lớp 6 ngày đầu đến trường mới, đồng thời tạo sự gắn kết giữa các HS cũ và mới, tránh tình trạng lớp lớn bắt nạt lớp nhỏ. “Ngay sau đó, tất cả HS lớp 6 đều được học võ tự vệ, học bơi miễn phí và học luật giao thông, không những ở ngoài đường mà còn cả cách đi, đứng, chạy nhảy trong trường sao cho an toàn… Đó là những kỹ năng thật sự cần thiết với HS” - ông Phát nhìn nhận.
Học sinh một trường tiểu học tại TP HCM hào hứng trong lễ khai giảng năm học 2015-2016 Ảnh: TẤN THẠNH
Bà Lâm Hồng Lãm Thúy, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận 1), cho hay trong ngày khai giảng, số lượng HS sẽ rất đông, nhà trường không thể đón các em lớp 1 chu đáo được. Vì thế, hơn 300 HS năm nay vào lớp 1 đã được tổ chức đón riêng trong ngày 17-8.
Theo bà Thúy, nếu cứ để các em tựu trường rồi sau đó mới tổ chức lễ khai giảng thì cảm xúc ngày đầu tiên đến trường không còn nữa. Nhà trường muốn tổ chức một lễ đón ấn tượng, ghi dấu ấn sâu đậm trong lòng HS. Theo đó, các em được thầy cô giáo và các anh chị lớp lớn đón chào trong ngày đầu đến trường, Ngay sau đó, các em được tham gia những trò chơi vận động và làm quen với trường mới.
Học sinh phải là trung tâm
Hiệu trưởng một trường THPT tại quận 3 cho biết tổ chức lễ khai giảng chu đáo, giảm phần lễ, tăng phần hội, lấy HS làm trung tâm là chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam từ năm học 2015-2016.
Việc đổi mới được nhiều nhà giáo hoan nghênh, HS phấn khởi bởi lâu nay, HS không có ngày khai giảng đúng nghĩa, cảm xúc ngày tựu trường cũng không còn. Nhiều trường vì các lý do khác nhau đã tổ chức qua loa, hời hợt. Ngược lại, có những trường tổ chức lễ nghi rườm rà, quan chức phát biểu quá nhiều khiến HS ngao ngán.
“Cái khó hiện nay là tại TP HCM, ngày tựu trường là một ngày, ngày khai giảng là ngày khác. Vì thế, hầu hết các trường nếu muốn tổ chức ngày khai giảng thật sự ý nghĩa thì phải tổ chức ngay trong thời gian tựu trường” - vị này cho biết.
Tuy nhiên, trong điều kiện chương trình còn quá tải, HS vẫn phải học trước thì tổ chức một lễ khai giảng mới mẻ là rất khó. TS Võ Văn Nam, giảng viên Trường ĐH Sư phạm TP HCM, cho rằng trong điều kiện ngổn ngang vì cải cách giáo dục hiện nay, đòi hỏi HS không cần học trước như cách đây 10-20 năm là rất khó vì lúc đó các em đi học nhẹ nhàng hơn, không phải chạy đua như bây giờ.
“Vấn đề là làm sao để mỗi cấp lớp, dưới sự hướng dẫn của giáo viên, tạo được ấn tượng sâu đậm cho các em trong ngày đầu năm học mới. Chẳng hạn, trang phục, thái độ thế nào để các em cũng háo hức như chuẩn bị đón năm mới nhằm lấy hên cho cả năm” - TS Nam đề xuất.
Phụ huynh cùng tham gia khai giảng
Theo Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM, ngoài vận động phụ huynh cùng tham gia lễ khai giảng, phần “lễ” sẽ chỉ tổ chức ngắn gọn với các nghi thức chào cờ, hát Quốc ca, đọc thư Chủ tịch nước. Diễn văn khai giảng của hiệu trưởng cũng phải ngắn gọn để dành thời gian cho phần “hội”.
Phần “hội” sẽ tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, các trò chơi dân gian vui tươi, sinh động nhằm tạo không khí phấn khởi cho HS. Phần này cũng sẽ tạo ấn tượng để ngày khai trường là một ngày trọng đại, thiêng liêng với tất cả HS, nhất là những em lần đầu đến trường.
Bình luận (0)