Học tiếng Anh với giáo viên bản ngữ tại Trường Việt Úc. Ảnh: CTV
Phí chồng phí
Tuy thấp hơn Trường Quốc tế Việt Úc nhưng Trường Tiểu học Lê Quý Đôn cũng thu học phí 2,2 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, phụ huynh còn phải đóng nhiều loại tiền như tiền bán trú 1 triệu đồng/tháng; tiền quỹ đầu tư, phát triển nhà trường 2 triệu đồng/năm; quỹ khuyến học 200.000 đồng/năm... Trường Nguyễn Siêu, quận Cầu Giấy, Hà Nội cũng nâng học phí từ 180 USD lên 200 USD/tháng trong năm học này.
Tuy không tăng học phí (vì mức học phí đã quá cao: Bậc mầm non là 3.000 USD/9 tháng, tiểu học là 3.800 USD, THCS 4.200 USD, THPT 5.200 USD) nhưng Trường Hà Nội Academy cũng tăng nhiều khoản như quần áo, tiền ăn, tiền xe đi lại… Đầu năm học, phụ huynh phải đóng nhiều khoản phí, như phí ghi danh vào trường 150 USD đối với cấp mầm non, 200 USD đối với các cấp học khác, phí xây dựng trường 1.000 USD/cấp học, tiền đồng phục 102 USD/năm. Ngoài ra, còn nhiều khoản tiền khác phải đóng: Sách giáo khoa (SGK) quốc tế và các tài liệu môn quốc tế 250 USD/năm, phí học phẩm 100 USD/năm, tiền xe đưa đón từ 90 đến 100 USD/ tháng, tiền ăn từ 75 đến 94 USD/tháng tùy cấp học…
Nhiều phụ huynh có con học ở Trường Mầm non tư thục Kinderworld (phố Hai Bà Trưng, Hà Nội) cũng đang chịu cảnh méo mặt vì trường thu học phí trọn gói cả năm, với mức 6.000 USD cho chương trình quốc tế và 3.360 USD cho chương trình lớp địa phương. Tại Trường Mầm non Vietkids, quận Đống Đa, phụ huynh phải đóng 500.000 đồng phí nhập học (không hoàn lại), 700.000 đồng tiền cơ sở vật chất (không hoàn lại trong mọi trường hợp), tiền học phẩm 200.000 đồng/năm. Trường áp dụng thu học phí hằng tháng từ 2 triệu đến 2,3 triệu đồng, tùy theo từng nhóm tuổi. Ngoài ra, còn các khoản thu khác như lớp năng khiếu tiếng Anh 200.000 đồng/tháng, múa 100.000 đồng/tháng, học thứ bảy - chủ nhật: 120.000 đồng/ngày, học thử: 500.000 đồng/tuần… Nếu nghỉ học từ 1 tháng trở lên phải đóng phí giữ chỗ 25%/tháng, nếu không đóng phí, khi đi học lại phải đóng phí nhập học như học sinh mới…
Phụ huynh bất bình
Việc tăng học phí với quá nhiều loại phí gây bất bình trong phụ huynh học sinh. Ban đại diện phụ huynh của Trường Hà Nội Academy đang chuẩn bị bản kiến nghị để làm việc với lãnh đạo nhà trường. Theo các phụ huynh, với mức đóng 100 USD tiền học phẩm/năm, các phụ huynh có quyền yêu cầu trường không được mua và phát cho học sinh văn phòng phẩm và đồ dùng học tập của Trung Quốc vừa mau hỏng vừa độc hại. Số tiền này thừa sức mua hàng tốt của Việt Nam hoặc Thái Lan hay các nước khác.
Một phụ huynh còn cho biết sẽ đề nghị trường cung cấp chi tiết giá cả đối với các khoản thu như học phẩm, SGK, tiền bản quyền bởi phụ huynh phải nộp 250 USD/năm cho việc mua SGK quốc tế và các tài liệu môn quốc tế. Đáng nói là học sinh đã học cách đây cả tháng nhưng SGK chưa có, học sinh vẫn phải học chay. Về đồng phục, phụ huynh yêu cầu trường cho phép học sinh có thể sử dụng đồng phục của năm trước. Còn việc buộc mua đồng phục mới chỉ vì thay đổi nhỏ, in tên lớp lên tay áo đồng phục chỉ tạo thêm gánh nặng học phí cho phụ huynh học sinh.
Trong khi đó, trước hàng loạt khoản thu đầu năm, một phụ huynh có con học tại Trường Việt Úc băn khoăn: Tuy trên nguyên tắc các trường ngoài công lập hoạt động theo cơ chế tự chủ, thu phí trên cơ sở thỏa thuận với gia đình học sinh nhưng phụ huynh không được bàn bạc về mức học phí mà trường bảo bao nhiêu, phụ huynh đóng bấy nhiêu. Phụ huynh này cũng cho biết việc đóng gộp tiền nhiều tháng cũng là một cách chiếm dụng vốn và chỉ có nhà thật giàu mới có thể yên tâm cho con học tại các trường tư thục quốc tế.
Ràng buộc bằng tiền Nhiều phụ huynh có con học tại Trường Hà Nội Academy phản ánh tiền đóng góp xây dựng trường phải đóng trọn gói cả cấp là phi lý. Khoản phí này nên chia đều cho từng năm và đóng một lần vào đầu năm học. Còn nếu bắt phụ huynh đóng trọn gói cả cấp thì phụ huynh chịu thiệt, mất trắng trong trường hợp học sinh thôi học tại trường. Một phụ huynh bức xúc: “Nhà trường cần xem xét lại chính sách này, “ràng buộc” học sinh bằng chất lượng đào tạo, giáo dục chứ không phải bằng tiền, bằng các khoản đóng góp để níu chân học sinh”. |
Bình luận (0)