Từ máy chiếu đến giấy lau tay
Phụ huynh của một trường tiểu học của quận Thanh Xuân (Hà Nội) phản ánh: từ đầu năm học đến nay đã phải nộp ngót nghét 5 triệu đồng. Trong đó 2,5 triệu đồng là mua máy chiếu và bảng thông minh để phục vụ việc dạy học tương tác.
Ngoài tiền sách vở, đầu năm học phụ huynh còn phải lo nhiều khoản phí không thật sự cần thiết khác - Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Ban phụ huynh của lớp này cũng dự kiến các khoản chi tiêu của quỹ lớp lên tới gần 32 triệu đồng. Trong đó chủ yếu chi cho việc biếu tặng ban giám hiệu và giáo viên (hơn 10 triệu đồng); một số tiền không nhỏ khác dành cho các việc: sơn lại bảng, sửa bục giảng, giá sách (hơn 2 triệu đồng); cây cảnh tặng nhà trường 500 ngàn đồng...
Vị phụ huynh trên bức xúc: “Tôi và một số phụ huynh khác thấy không cần thiết phải đầu tư một số tiền lớn như vậy để mua bảng dạy học tương tác nhưng nhà trường cho biết đây là chủ trương của... cấp trên nên phụ huynh nào không đồng tình thì chuyển lớp”!
Phụ huynh Trường Mầm non Hoa Thủy Tiên (quận Cầu Giấy) phản ảnh: giáo cụ trực quan để dạy thì ban phụ huynh cũng
''Với cách thức chi tiêu theo kiểu “đại gia” của một số ban đại diện phụ huynh, không ít gia đình chỉ có thu nhập bằng đồng lương nhà nước đang khóc dở, mếu dở'' |
phải mua, giấy lau tay cho các cháu cũng lấy từ quỹ lớp do phụ huynh đóng. Một phụ huynh khác ở trường này cho biết, mỗi tháng trường thu 30 ngàn đồng để bảo dưỡng máy điều hòa và hỗ trợ tiền điện cho nhà trường. Phụ huynh này tính toán: mỗi lớp có tới 40 HS, một tháng liệu có mất tới hơn 1 triệu tiền điện cho một lớp học hay không khi mà các cháu chỉ ở trường 20 buổi/tháng?
Một phụ huynh có con vừa tốt nghiệp Trường Tiểu học Minh Khai (huyện Từ Liêm, Hà Nội) cho hay: “Khi con mình lên lớp 4, nhà trường đề nghị phụ huynh đóng mỗi người 500 ngàn đồng lắp máy điều hòa. Năm nay các cháu ra trường rồi, hôm họp phụ huynh cuối năm nhà trường tự ý quyết định sẽ trả lại 25% giá trị mua ban đầu của hai máy điều hòa. Thế nhưng ban phụ huynh của lớp tặng lại nhà trường một nửa số tiền đó”. Tuy nhiên, phụ huynh này lại cho biết HS lớp 1 mới vào trường lại phải đóng mỗi cháu 500 ngàn đồng cứ như thể đây là máy nhà trường mới lắp!
Mâm cỗ trung thu gần chục triệu đồng!
Theo một phụ huynh có con học Trường Tiểu học Hoàng Diệu (quận Ba Đình), trung thu vừa qua, mỗi lớp đóng đến 1 triệu đồng tiền trang trí trung thu theo khối lớp. Có khối 6 lớp, khối 9 lớp thành ra mâm cỗ trung thu giá từ 6-9 triệu đồng mà hầu như toàn đồ trang trí chứ không có thức ăn. Phụ huynh lại phải góp tiền để mua thức ăn để các em thực sự được phá cỗ. Còn mâm cỗ từ 6-9 triệu đồng thì vứt đi gần hết.
Còn một phụ huynh lớp 11 Trường THPT Hà Nội - Amsterdam thì cho hay: “Tiệc mặn nhân dịp 20-11, mỗi HS phải đóng 300 ngàn đồng. Khi tôi thắc mắc thì được giải thích là vì cho các em đi ăn tiệc tự chọn ở một nhà hàng nổi tiếng. Gia đình tôi chỉ là công nhân viên chức có mức thu nhập dưới 5 triệu đồng/tháng nên không có nhu cầu đóng một số tiền như vậy để các con liên hoan. Tôi cho rằng, chỉ với 1/3 số tiền đó là đã có thể có một buổi liên hoan vui vẻ, phù hợp với số tiền của đa số phụ huynh”.
Còn theo một phụ huynh có con học trường dân lập ở quận Cầu Giấy, quỹ lớp năm vừa qua mỗi HS đóng tổng cộng hơn 1,3 triệu đồng. Tổng số 21 cháu/lớp, một năm gần 28 triệu tiền quỹ mà một số phụ huynh vẫn nói là... ít. Năm nay, ban phụ huynh quyết định thu mỗi phụ huynh 1 triệu đồng/học kỳ.
Với cách thức chi tiêu theo kiểu “đại gia” như kể trên của một số ban đại diện phụ huynh, không ít gia đình chỉ có thu nhập bằng đồng lương nhà nước đang khóc dở, mếu dở. Phản đối thì bị kỳ thị mà cố gắng để nộp thì đuối sức.
Không đại diện cho số đông
Không phải ngẫu nhiên mà từ năm 2008, Bộ GD-ĐT đã ban hành Điều lệ ban đại diện cha mẹ học sinh thay thế cho “tổ chức” hội phụ huynh học sinh đã tồn tại nhiều năm trước đó. Thay đổi tên gọi bởi bộ hy vọng tổ chức này thật sự là đại diện cho số đông phụ huynh học sinh, là tiếng nói thật sự của cha mẹ học sinh đồng thời thay đổi suy nghĩ hội phụ huynh chỉ là “cánh tay nối dài” của ban giám hiệu nhà trường. Thế nhưng những gì đang diễn ra trong nhiều năm qua cho thấy đại diện cha mẹ học sinh ở nhiều trường vẫn chưa thật sự là những người đại diện.
Không ai phủ nhận sự đóng góp của ban đại diện cha mẹ học sinh trong các hoạt động như xây dựng cơ sở vật chất, tăng cường trang thiết bị hiện đại… cho nhà trường. Trong Hội nghị Ban đại diện cha mẹ học sinh TPHCM năm học 2010-2011, ông Nguyễn Tiến Đạt - Phó giám đốc Sở GD-ĐT cho biết: "Tổng kinh phí đóng góp của ban này ước tính vào khoảng gần 200 tỉ đồng". Trong khi đó, ngân sách nhà nước dành cho ngành giáo dục TPHCM là hơn 1.000 tỉ đồng. Điều này cho thấy khoản đóng góp của phụ huynh là khá lớn.
Điều lệ Ban đại diện cha mẹ học sinh cũng quy định kinh phí hoạt động từ sự đóng góp, tài trợ tự nguyện, không bắt buộc của phụ huynh và được dùng vào mục đích phối hợp với nhà trường để giáo dục học sinh. Vậy mà từ năm 2008 đến nay, phụ huynh vẫn "than trời" về những khoản thu này vì dù là tự nguyện nhưng không ai dám không đóng.
Hiệu trưởng một số trường cũng thừa nhận một trong những tiêu chí để lãnh đạo các trường chọn người vào ban đại diện là những phụ huynh có điều kiện kinh tế hoặc vị trí trong xã hội. Chính vì vậy mà khi phải kêu gọi đóng góp khoản nào, những vị phụ huynh này thường rất mạnh tay khiến những người khác khó lòng “nói không”. Trong trường còn biết bao phụ huynh thuộc thành phần lao động nghèo nên lắm khi họ cũng chạnh lòng khi có một “đại diện” như vậy.
Hải Dương
|
Bình luận (0)