“Chúng ta cần có những thay đổi trong môi trường đại học (ĐH) và việc tiến hành xây dựng một đạo luật về giáo dục ĐH là đáng được lưu tâm. Tuy nhiên, phải nhấn mạnh rằng nếu Luật Giáo dục ĐH không hướng tới tạo ra sự thay đổi thực tế thì luật này không cần thiết”-PGS-TS Mai Hồng Quỳ, Hiệu trưởng Trường ĐH Luật TPHCM, nêu quan điểm. Nhiều chuyên gia giáo dục ĐH cũng cho rằng dự thảo Luật Giáo dục ĐH đang được trình Quốc hội (QH) chưa đủ mạnh để tạo điều kiện thúc đẩy sự phát triển của giáo dục ĐH trong tương lai.
Giảm can thiệp
Nhiều chuyên gia giáo dục ĐH có chung ý kiến để tạo ra sự thay đổi thì tự chủ ĐH là vấn đề cốt lõi cần được đưa vào luật. TS Vũ Thị Phương Anh, Hiệp hội Các trường ĐH ngoài công lập, cho rằng khi xem xét các dự án cải cách giáo dục được tiến hành trên thế giới trong thời gian vừa qua, trong đó bao gồm cả việc xây dựng và ban hành Luật Giáo dục ĐH lần đầu tiên hoặc điều chỉnh bổ sung các đạo luật mới cho giáo dục ĐH, có thể thấy vấn đề tự chủ luôn được xem là một trong những vấn đề cốt lõi nhất cần giải quyết trước khi có thể quyết định những khía cạnh cụ thể khác...
“Những vấn đề tự chủ ĐH trong dự thảo Luật Giáo dục ĐH hiện nay còn sơ sài, chưa đủ mạnh để các trường ĐH tự chủ trong đào tạo, giảng dạy và nghiên cứu khoa học” - TS Phương Anh nhấn mạnh.
Trong ảnh: Một tiết học của sinh viên Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM. Ảnh: HỒNG THÚY
Theo PGS-TS Mai Hồng Quỳ, Luật Giáo dục ĐH cần theo xu hướng giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm mạnh mẽ hơn cho các cơ sở giáo dục. Theo PGS - TS Mai Hồng Quỳ, tự chủ của cơ sở ĐH là phương tiện để xã hội có được những “sản phẩm ĐH” chất lượng. “Nhà nước không nên can thiệp một cách tùy tiện. Sự can thiệp của Nhà nước phải theo tôn chỉ nhằm nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học. Nhà nước cần có sự thay đổi trong việc can thiệp vào Luật Giáo dục ĐH và cần có cơ chế rõ ràng về sự can thiệp này” - bà Quỳ góp ý.
Tăng kiểm định, bỏ khung
Theo PGS-TS Mai Hồng Quỳ, các nước có hệ thống ĐH thành công hay tương đối thành công đều không có khái niệm chương trình khung. Các cơ sở đào tạo cử nhân hiện bị ràng buộc bởi chương trình khung (chiếm khoảng 85% nội dung chương trình), là một sự can thiệp của Nhà nước vào cơ sở ĐH cần được xem xét lại. “Vấn đề khoa học theo nhu cầu xã hội hãy để các nhà khoa học và xã hội tác động đến, Bộ GD-ĐT cần tăng sự tự chủ cho các trường trong việc quyết định nội dung chương trình đào tạo” - bà Quỳ đề nghị.
Tăng trách nhiệm trong tuyển sinh Theo PGS-TS Mai Hồng Quỳ, hiện dự thảo Luật Giáo dục ĐH đã theo hướng trao quyền tự chủ cho cơ sở ĐH trong việc tuyển sinh với điều khoản: “Thủ trưởng cơ sở giáo dục ĐH chủ động xác định chỉ tiêu tuyển sinh và chịu trách nhiệm về công tác tuyển sinh”. Tuy nhiên, về tiêu chí tuyển sinh cần có sự bổ sung. Hiện nay, dự thảo chỉ quy định căn cứ vào đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất. Nếu chỉ căn cứ vào 2 yếu tố này để xác định chỉ tiêu tuyển sinh dễ tạo ra sự tùy tiện: Cơ sở ĐH xác định tiêu chí để tuyển sinh nhưng việc tuyển sinh này có thể không hoàn toàn phù hợp với nhu cầu xã hội. Bà Quỳ cũng góp ý để tạo điều kiện cho các trường chủ động trong việc mở ngành đáp ứng nhu cầu xã hội, có thể sửa điều 19 của dự thảo Luật Giáo dục ĐH như sau: Mở ngành, cho phép đào tạo ngành, chuyên ngành theo cơ chế báo cáo về việc mở ngành khi có đủ điều kiện chứ không phải theo cơ chế xin phép như hiện nay... |
Kỳ tới: Chỉ “thổi còi” chứ không “đá bóng”
Bình luận (0)