Mặc dù thí sinh Đặng Thái Hoàng (Trường THPT Hòn Gai - Quảng Ninh) đã đăng quang Đường lên đỉnh Olympia năm nay nhưng không ít người cho rằng Thân Ngọc Tĩnh (Trường Phổ thông Năng khiếu - ĐH Quốc gia TPHCM) xứng đáng hơn. Một số bạn đọc tỏ ra tiếc nuối khi Ngọc Tĩnh là thí sinh có tố chất đặc biệt trong vòng chung kết với kiến thức rộng, giỏi đều các lĩnh vực.
Các thí sinh nhận giải thưởng cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia 2012. Ảnh: H.L.Anh
Tuy nhiên, không ít bạn đọc lên tiếng bênh vực thí sinh Đặng Thái Hoàng bởi em đã khẳng định được bản lĩnh và sự bình tĩnh cần có của một nhà vô địch trong cuộc đấu trí căng thẳng. Bạn đọc huyền lê thắc mắc: “Tại sao mọi người không nhìn nhận một cách khách quan. Tôi thấy em Hoàng xứng đáng là nhà vô địch. Nhìn tác phong chững chạc, bình tĩnh trả lời các câu hỏi, đặc biệt là phần về đích khi em Tĩnh hơn điểm mình”.
Cuộc tranh luận càng nóng hơn khi nhiều chuyên gia phát hiện ra đáp án ở câu hỏi IQ đầu tiên trong phần thi “Tăng tốc” chưa chính xác dẫn đến BGK “tặng” điểm cho em Hoàng và cả vụ lùm xùm trong nghi án nhà vô địch biết trước đáp án. Vì vậy, trong vòng chung kết Đường lên đỉnh Olympia, vinh quang của nhà vô địch trở nên mặn chát khi dư luận không “tâm phục khẩu phục”.
Bạn đọc từ lê cho rằng sự soi mói của dư luận vào thời điểm này thật tội cho thí sinh Hoàng bởi chỉ còn vài hôm nữa là đến kỳ thi ĐH. Còn bạn đọc Hứa Đắc Vinh nói: “Nếu quả thật có sai sót hay tiêu cực thì trách nhiệm thuộc về ban tổ chức. Người lớn làm sai, đừng lôi kéo các em vào”. Còn bạn đọc Trung Thanh kêu gọi: “Chúng ta không nên làm tổn thương đến lớp trẻ! Bất cứ em nào trong 4 em vào chung kết đều xứng đáng! Chúng ta đừng để cho em nào tổn thương quá lớn! Chỉ trách người ra đề quá cẩu thả!”
Đừng chọn nhân tài bằng may rủi
Hàng trăm phản hồi của bạn đọc gửi về Người Lao Động Online đều mong muốn Ban tổ chức cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia cần xem xét lại kết quả và công khai minh bạch trước khán giả cả nước.
Theo bạn đọc Dong Tri, giải pháp tốt nhất cho câu chuyện này nên là một kết thúc có hậu với phương án 2 vòng nguyệt quế. Nhà đài hay Bộ GD-ĐT có thể đứng ra trao một suất học bổng nữa. Tất nhiên, nhà đài nên lên tiếng chính thức xin lỗi nhà tài trợ cùng cộng đồng và các thí sinh về những sai sót đã xảy ra. Còn bạn đọc trần văn tiến cho rằng để công bằng, BTC nên tổ chức thi lại cho dù phải mất thời gian và công sức. Những người có tài năng phải được công nhận như thế mới công bằng.
Nhà vô địch Olympia 2012 chụp hình cùng bạn bè và người thân. Ảnh: H.L.Anh
Bạn đọc Minh Anh khẳng định: Đường lên đỉnh Olympia hoàn toàn khác với các gameshow “nhan nhản” trên truyền hình như: Bước nhảy hoàn vũ, Việt Nam Idol, Chiếc nón kỳ diệu, Ai là triệu phú... vì đối tượng dự thi chính là các em học sinh THPT trên toàn quốc. Các em đều là những học sinh giỏi đến với cuộc thi bằng nhiệt huyết và niềm hi vọng được chiến thắng công bằng. Cuộc thi không chỉ dừng lại là một game show giải trí mà là kỳ thi có tính chất quốc gia nhằm chọn ra những em tài giỏi đi du học nước ngoài. Vì vậy, tính chất "trí tuệ" của cuộc thi phải được đảm bảo. Thí sinh nào đoạt giải phải thật xứng đáng, tránh tối đa sự may rủi và sai sót trong đề thi.
Bình luận (0)