Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ Việt Nam vừa góp ý với Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) về một số vấn đề mà bộ dự kiến tiếp thu và xin ý kiến để chỉnh lý dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi), báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp tháng 1-2019.
Tăng lương để hấp dẫn người giỏi
GS Trần Hồng Quân, Chủ tịch Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ Việt Nam, cho rằng cần nâng lương giáo viên cao ngang với lương của lực lượng vũ trang chứ không chỉ cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp. Ông cũng cho rằng cần có thái độ của xã hội, cụ thể là đãi ngộ đúng mức cho cán bộ, giáo viên, chứ không phải chỉ là tuyên dương nghề giáo là nghề cao quý.
Tăng lương là nguyện vọng chung của nhà giáo Ảnh: TẤN THẠNH
Cũng theo GS Quân, ngoài lương, hiện giáo viên đang được hưởng phụ cấp thâm niên, phụ cấp thu hút, tuy nhiên lương giáo viên vẫn còn thấp và cần nâng lên. "Khi có đãi ngộ đúng mức sẽ tạo được động lực, sức hấp dẫn của nghề giáo và lúc đó đương nhiên sẽ sàng lọc, lựa chọn được người thực sự giỏi vào ngành" - GS Trần Hồng Quân bày tỏ quan điểm. Ông cũng cho rằng khi có chế độ đãi ngộ như trên thì tiêu chí đặt ra đối với nhà giáo sẽ cao hơn, buộc giáo viên luôn luôn nâng cao trình độ, rèn luyện phẩm chất. Về bài toán tài chính khi nâng lương giáo viên, GS Quân cho rằng việc tiếp tục xã hội hóa, mở rộng thêm các trường ngoài công lập sẽ giảm bớt gánh nặng bao cấp của nhà nước.
Đây không phải là lần đầu vấn đề nâng lương giáo viên được đặt ra. Cách đây một năm, Bộ GD-ĐT từng đưa vào dự án Luật Giáo dục sửa đổi quy định xếp lương giáo viên cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp. Tuy nhiên, Bộ Tài chính và Bộ Nội vụ khi góp ý về luật đã không đồng tình với đề xuất tăng lương giáo viên do lo ngại phá vỡ chế độ tiền lương. Đề xuất tăng lương giáo viên này sau đó đã bị rút ra khỏi dự án Luật Giáo dục sửa đổi nhưng các chuyên gia, giáo viên vẫn kiên trì với đề xuất này.
Phải nghĩ cách mà tăng!
Bà Phạm Thị Yến, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Jean Piaget Hà Nội, cho rằng giáo viên nào cũng mong muốn được tăng lương vì hiện mức lương của nhiều người không thể trang trải cuộc sống. Tuy nhiên, bà Yến cũng bày tỏ quan điểm, việc tăng lương giáo viên sẽ rất khó thực hiện trong điều kiện ngân sách hiện nay.
TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, khẳng định nâng lương cho giáo viên là nguyện vọng chung của nhiều người để thầy cô giáo có cuộc sống tương đối khá, có thể yên tâm chăm lo dạy dỗ cho con em mình, toàn tâm toàn ý dành cho việc dạy học... "Kinh tế đất nước phát triển, mọi người đều phải được hưởng lợi từ sự phát triển, mức sống của giáo viên cũng cần được nâng lên. So với tốc độ tăng mức sống thì mức sống của giáo viên, nhất là giáo viên mầm non, tiểu học, THCS không tăng kịp với các thành phần khác trong xã hội. Việc yêu cầu tăng lương cho giáo viên là yêu cầu chính đáng..." - ông Vinh nói.
Ông Hoàng Ngọc Vinh cho rằng vừa muốn tăng lương vừa muốn dành dụm cho phát triển kinh tế là vấn đề không hề dễ khi tài chính quốc gia còn nhiều hạn chế. "Nhưng dù sao đi nữa thì Quốc hội và Chính phủ cũng nên có cân đối tăng lương cho giáo viên ở vùng miền và ở cấp bậc học nào đó thuộc giáo dục mầm non, phổ thông, nếu được như mức lương của công an, quân đội thì tốt. Ở khối giáo dục nghề nghiệp, giáo dục ĐH và ở một số trung tâm đào tạo bồi dưỡng thì người học chia sẻ nhiều hơn với nhà nước" - ông Vinh nói. Ông Vinh cũng nhấn mạnh để tăng lương giáo viên thì cần tiết kiệm tối đa chi ngân sách. Nhiều khoản chi được cho là dành cho GD-ĐT ở những cơ sở giáo dục nhiều loại như các trường bồi dưỡng cán bộ quản lý các bộ, ngành... thì người học nên đóng góp.
Về nguồn kinh phí cho việc tăng lương, ông Vũ Chí Thành, Giám đốc FPT Polytechnic, cho rằng các trường cần mở rộng xã hội hóa, liên kết đào tạo, nghĩ ra nhiều hoạt động để đa dạng hóa nguồn thu của mình. "Trước đây, ngân sách nhà nước rót thụ động vào các trường công lập trên đầu mỗi sinh viên. Khi tự chủ, các trường phải tự vận động để phát triển" - ông Thành nói.
Lương cao mới chuyên tâm giảng dạy
Ông Vũ Chí Thành cho rằng cần tăng lương cho giáo viên bởi nếu có nguồn thu nhập ổn định, đủ sống bằng lương, giáo viên sẽ chuyên tâm với công việc của mình. Nếu mức lương không đủ sống, giáo viên sẽ phải xoay xở nhiều cách: dạy thêm, tìm kiếm các công việc phụ… để có thể tồn tại được. Còn khi thu nhập bảo đảm, họ không phải "chạy" nữa, chỉ chuyên tâm vào việc dạy, không chỉ giáo viên bớt mệt mà phụ huynh, học sinh cũng hài lòng vì chất lượng giáo dục được nâng lên.
Bình luận (0)