Dạo quanh các trường trung cấp, CĐ có tuyển sinh học sinh (HS) tốt nghiệp THCS ở TP HCM, chúng tôi nhận thấy khu vực tuyển sinh các trường CĐ sôi động hơn trường trung cấp. Số lượng phụ huynh, HS đến tìm hiểu về hệ "cao đẳng 9+", "phổ thông cao đẳng" rất đông.
Những lời chiêu sinh "học ngay cao đẳng" được đăng tải rầm rồ
"Học chạy" - đánh lừa người học
Khi hỏi lý do vì sao không cho con học trung cấp, chị Nguyễn Minh Nguyệt (quận 12, TP HCM), cho biết nộp hồ sơ vào học CĐ sẽ rút ngắn thời gian hơn. Con ra trường có bằng CĐ luôn, không cần liên thông từ trung cấp lên CĐ nữa.
Tương tự, em Nguyễn Minh Hoàng vừa tốt nghiệp THCS mong muốn học ngay CĐ. "Em thấy bằng trung cấp không có giá trị như bằng CĐ, em sẽ chọn những trường có đào tạo hệ CĐ để học cho nhanh" - Hoàng cho biết.
Nhân viên tư vấn Trường CĐ Bách khoa Sài Gòn cho biết HS khi nhập học sẽ học song song chương trình CĐ và chương trình văn hóa (văn, toán, sử và một môn tư chọn). Sau 4 năm, HS sẽ được cấp chứng nhận hoàn thành bậc THPT và bằng CĐ chính quy.
"Nếu HS có ý định thi tốt nghiệp THPT, trường sẽ hỗ trợ để học lớp văn hóa (7 môn) kết hợp với học ở trung tâm GDTX" - nhân viên tư vấn cho biết.
Trao đổi về vấn đề này, ThS Trần Phương, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Việt Giao (quận 10, TP HCM), cho biết hiện nay xuất hiện hình thức chiêu sinh mập mờ trên mạng xã hội. Theo cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân Việt Nam, HS tốt nghiệp THCS có 2 lựa chọn là học tiếp THPT hoặc học trung cấp. Thế nhưng, nhiều trường đã rút ngắn thời gian đào tạo để HS học thẳng lên CĐ.
"Việc làm này gây ảnh hưởng đến quá trình tuyển sinh của các trường trung cấp trong địa bàn thành phố. Một số trường CĐ không đào tạo hệ trung cấp nhưng vẫn nhận học sinh tốt nghiệp THCS nhập học" - ThS Phương nhấn mạnh.
TS Nguyễn Đức Nghĩa, nguyên Phó Giám đốc ĐHQG TP HCM, khẳng định HS tốt nghiệp THCS phải hoàn tất hệ trung cấp mới có thể liên thông lên CĐ. Nếu chọn hình thức đào tạo "chạy", HS sẽ bị mất một tấm bằng trung cấp nghề. Lộ trình đúng nhất nếu HS tốt nghiệp THCS chọn học nghề là học trung cấp, sau đó lấy kết quả liên thông CĐ. "HS có thể chọn học tại trường CĐ có hệ đào tạo trung cấp nhưng phải bảo đảm học xong chương trình trung cấp trước" - TS Nghĩa nhấn mạnh.
Bàn về những bài viết tuyển sinh tràn lan trên mạng xã hội, TS Nguyễn Đức Nghĩa cho rằng việc trường tuyển sinh dùng cụm từ "HS tốt nghiệp THCS học ngay CĐ" là không đúng. "Nên dùng từ "liên thông" thay cho "học ngay". Như vậy thông tin cung cấp cho PH, HS sẽ chính xác hơn; trường học không nên đánh lừa HS của mình" - TS Nghĩa nhìn nhận thêm.
Ghi nhận cho thấy nhiều trường hợp HS khóc ròng khi mất khoản tiền lớn nhưng chất lượng đào tạo lại mờ mịt. Vì mải mê tấm bằng CĐ "học chạy" mà kinh nghiệm tay nghề không như mong muốn, HS buộc lòng phải quay về học lại từ hệ trung cấp.
Nhiều trường cao đẳng đưa ra những chiêu quảng cáo rút ngắn thời gian học, học thẳng lên cao đẳng để thu hút học sinh
Định hướng sai, hậu quả nặng nề
ThS Nguyễn Đăng Lý, Hiệu trưởng Trường CĐ Quốc tế TP HCM, cho biết số lượng HS tốt nghiệp THCS chọn học nghề ngày càng đông, trường ngừng nhận hồ sơ vì đã vượt chỉ tiêu tuyển sinh. "Năm 2022, trường có 100 chỉ tiêu cho HS tốt nghiệp THCS. Năm 2023, trường đã tăng lên 150 chỉ tiêu nhưng vẫn không đủ đáp ứng nhu cầu của HS. Mỗi lớp học có khoảng 35 HS, nếu nhận thêm sẽ ảnh hưởng đến chất lượng học tập của HS" - ThS Đăng Lý thông tin.
ThS Nguyễn Đăng Lý nhận định: Việc nhiều trường mập mờ trong quá trình tuyển sinh, gộp chung hệ đào tạo HS tốt nghiệp THCS và HS tốt nghiệp THPT vào với nhau làm ảnh hưởng đến chất lượng tay nghề của sinh viên khi ra trường.
Để phụ huynh HS hiểu rõ, nhà trường luôn tư vấn kỹ về hình thức đào tạo trước khi nhận hồ sơ nhập học. HS tốt nghiệp THCS và HS tốt nghiệp THPT có chương trình đào tạo khác nhau. Trường không có chủ trương "học chạy", HS muốn học CĐ bắt buộc phải hoàn thành những yêu cầu của hệ trung cấp.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động về thực trạng này, ông Nguyễn Chí Thành, Phó Phòng Giáo dục nghề nghiệp Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) TP HCM, cho biết không hề có hệ đào tạo "cao đẳng 9+", "phổ thông cao đẳng". "Đây là những cụm từ do các trường tự đặt ra nhằm mục đích dễ ghi nhớ và thu hút nhiều PH, HS. Với những cụm từ này, đối tượng tuyển sinh chính là những HS vừa học xong lớp 9" - ông Thành cho hay.
Theo Sở LĐ-TB-XH TP HCM, thực tế hình thức đào tạo của các trường CĐ không sai, HS tốt nghiệp THCS khi nhập học vẫn học song song chương trình trung cấp nghề và chương trình văn hóa. Tùy mỗi trường mà có quy định số lượng môn học văn hóa khác nhau.
Tuy nhiên, việc tuyển sinh mập mờ khiến nhiều PH, HS hiểu lầm quy trình đào tạo nghề của sở. "Các trường đang thực hiện công tác phân luồng học sinh học nghề trên địa bàn. Tuy nhiên, quá trình phân luồng như thế này vô tình khiến nhiều người hiểu lầm. HS tốt nghiệp THCS không thể học CĐ. Nhiều người sẽ ngộ nhận thông tin và định hướng sai, hệ quả rất nặng nề" - ông Thành nhấn mạnh.
Sớm có biện pháp chấn chỉnh
Năm 2023, TP HCM có 376 cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN). Trong đó, 62 trường CĐ, 60 trường trung cấp, 22 trung tâm GDNN-GDTX, 54 trung tâm GDNN và 178 doanh nghiệp đăng ký hoạt động GDNN.
Đại diện Sở LĐ-TB-XH TP HCM nhận định nhu cầu học nghề và số lượng trường đào tạo ngày càng tăng cao, nhiều trường nảy ra ý tưởng chiêu sinh "nóng hổi" để cạnh tranh. "HS bắt buộc phải có bằng trung cấp chính quy mới học liên thông CĐ, ĐH. Những trường cố tình đào tạo sai quy định sẽ bị xử lý. Thời gian tới, sở sẽ có những biện pháp chấn chỉnh và giải quyết trường hợp tuyển sinh, quảng cáo bất chấp" - vị này khẳng định.
(*) Xem Báo Người Lao Động số ra từ ngày 24-7
Kỳ tới: "Đứt gãy" giữa chừng, lệch nguồn nhân lực
Bình luận (0)