Quy định để học liên thông, thí sinh bắt buộc phải thi đầu vào được xem là không còn phùhợp bởi những thí sinh muốn học liên thông đã đủ chuẩn vì họ đã tốt nghiệp THPT, có bằng trung cấp hoặc CĐ thì tại sao phải thi đầu vào trong khi hiện nay thí sinh tốt nghiệp THPT muốn vào ĐH chỉ cần xét tuyển.
Thi là đậu
Trường ĐH Nguyễn Tất Thành đang nhận hồ sơ cho kỳ tuyển sinh ĐH liên thông đợt 1 năm 2018 dành cho đối tượng thí sinh đã tốt nghiệp CĐ, kỳ thi đầu vào dự kiến sẽ được trường tổ chức trong tháng 6.
Ông Nguyễn Quỳnh Sơn, Phó Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, cho biết để học liên thông ĐH, thí sinh phải tham gia kỳ thi đầu vào 3 môn (tùy ngành có các môn thi khác nhau). Trước khi thi, thí sinh sẽ được trường tổ chức ôn tập nên cơ bản thí sinh tham gia thi đầy đủ các môn, không vi phạm quy chế thi là đậu.
Thí sinh nộp hồ sơ dự thi liên thông tại một trường đại họcẢnh: Tấn Thạnh
PGS-TS Nguyễn Xuân Hoàn, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP HCM, cho biết hằng năm, trường vẫn tuyển sinh liên thông từ CĐ lên ĐH đối với những ngành trường có đào tạo ở bậc CĐ. Đối tượng sinh viên học CĐ ở trường, trước đây khi tham gia thi ĐH, các em dư điều kiện để vào học ĐH tại nhiều trường ngoài công lập nhưng lại quyết học CĐ để có nghề nghiệp sớm. Với đối tượng này, các em không khó khăn để vượt qua kỳ thi tuyển sinh liên thông.
Phó trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Tài chính - Marketing, ông Lê Trọng Tuyến, cho biết hằng năm trường vẫn tổ chức 1 - 2 đợt tuyển sinh liên thông đối với những thí sinh đã có bằng CĐ. Kết quả tuyển sinh cho thấy có đến 93% thí sinh dự thi đều trúng tuyển, tỉ lệ còn lại không trúng tuyển có thể do vi phạm quy chế, một số ngành có tỉ lệ chọi cao…
Nên xét tuyển thay vì thi
Với nhiều trường ĐH, phương thức tuyển sinh bằng kết quả học bạ chỉ cần quy định thí sinh đã tốt nghiệp THPT và có tổng điểm 3 môn trong tổ hợp xét tuyển là 18 là trúng tuyển ĐH chính quy. Vậy thì sao lại bắt thí sinh học liên thông từ CĐ lên ĐH phải thi?
PGS-TS Nguyễn Xuân Hoàn cho rằng đó là điều vô lý, tuyển sinh liên thông chỉ nên xét thay vì phải thi. Việc phải thi liên thông làm gia tăng áp lực đồng thời làm hạn chế số người học CĐ, trung cấp. "Hình thức thi tuyển chỉ nên áp dụng đối với một số ngành đặc thù như nhóm ngành sức khỏe, còn lại xét tuyển dựa vào kết quả học CĐ" - ông Hoàn nói.
PGS-TS Nguyễn Hữu Huy Nhựt, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế TP HCM, cho biết ông ủng hộ phương án xét tuyển liên thông từ CĐ lên ĐH. Khi xét tuyển, mỗi trường cần xây dựng phương án cho hiệu quả. Xét tuyển chỉ là một phần, thí sinh sau khi trúng tuyển còn trải qua quá trình đào tạo chứ đâu phải vào rồi ra luôn. Hiện nay, các trường rất chú ý đến chất lượng đào tạo nên không lo các trường đánh đổi chất lượng để lấy số đông, điều đó sẽ tác động ngược lại đến kết quả tuyển sinh.
TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp - Bộ Giáo dục và Đào tạo, cho rằng phương thức tuyển sinh liên thông nên để cho các trường tự quyết, dựa vào ngưỡng bảo đảm chất lượng. Đối với người đã có bằng CĐ, họ vẫn có thể cầm bằng tốt nghiệp THPT xét tuyển ĐH chính quy và hoàn toàn có cơ hội trúng tuyển ở nhiều trường ĐH.
Hồ sơ dự thi liên thông giảm mạnh
Đại diện nhiều trường ĐH cho biết những năm gần đây, lượng hồ sơ dự thi liên thông ĐH giảm mạnh do việc trúng tuyển ĐH không còn khó khăn như trước kia, thí sinh thay vì học CĐ, trung cấp để liên thông thì học thẳng ĐH. Chỉ một số ngành như khối sức khỏe, kinh tế đòi hỏi bằng cấp cao để có chức vụ mới có nhiều thí sinh tham gia thi liên thông, nhiều ngành khác dường như người lao động đã ổn định công việc với tấm bằng CĐ, trung cấp không muốn thi liên thông.
Bình luận (0)