- Phóng viên: Được biết GS có tham gia đoàn giám sát giáo dục ĐH của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, GS có cho rằng báo cáo giám sát vừa được trình Quốc hội đã nhận ra những tồn tại trong giáo dục ĐH ?
- GS Phạm Phụ: Có lẽ báo cáo kết quả giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội còn dựa nhiều vào báo cáo của Bộ GD-ĐT nên vẫn thiên về thống kê sự kiện. Trong khi đó, vấn đề mà người dân mong mỏi hơn cả là các văn bản pháp luật đã tác động đến thực tiễn giáo dục ĐH như thế nào thì vẫn chưa được rõ.
- Dư luận rất bất bình về việc cho mở tràn lan các trường ĐH nhưng không bảo đảm chất lượng. Tuy nhiên, báo cáo giám sát vẫn cho là “chưa xảy ra những sai sót nghiêm trọng” ở khâu này ?
- Chắc bạn muốn nhắc đến trường hợp ĐH Phan Thiết ? Có lẽ, vấn đề ở đây là sự bất bình trong việc buông lỏng quản lý và cho phép tuyển sinh khi không có những điều kiện tối thiểu. Nhưng sâu xa hơn, khi cung trong giáo dục ĐH thấp xa so với cầu thì việc xin giấy phép mở trường là xin một “đặc quyền” và từ đó, phải chăng đã phát sinh tiêu cực?
- Đã có ý kiến phải đóng cửa một số trường ĐH, thưa GS ?
- Ở Ấn Độ, năm 2005, đã đóng cửa gần 100 cơ sở ĐH. Trong khi đó, xin lưu ý các biện pháp chế tài trong các văn bản pháp luật về giáo dục của ta còn rất hạn chế. Có thể cho rằng đây là mảng cần phải rút kinh nghiệm.
- Để giáo dục ĐH phát triển, thưa GS, cần phải đột phá vào những khâu nào ?
- Nếu nhìn trong khoảng 4-5 năm, có lẽ, cần đột phá vào 3 khâu. Thứ nhất là quản trị ĐH theo hướng giao quyền tự chủ cho các cơ sở ĐH trong điều kiện có hội đồng trường đúng nghĩa và công khai minh bạch. Thứ hai là cơ chế. Cơ chế có nhiều mảng nhưng trước hết cần minh bạch hóa việc cung cấp ngân sách Nhà nước và cơ chế “vì lợi nhuận”, “không vì lợi nhuận” trong khu vực ngoài công lập. Thứ ba là tài chính.
Cần tăng suất đầu tư cho giáo dục ĐH. Có như vậy, VN mới có thể có được một nguồn nhân lực cấp cao cho việc phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh mới. Tất nhiên, phải kèm theo những chính sách để bảo đảm công bằng xã hội. n
Bình luận (0)