Áp lực từ lịch học, làm việc dày đặc hay sự hấp dẫn từ nhiều loại hình giải trí khiến việc đọc sách dường như không còn là ưu tiên hàng đầu của nhiều người. Dù vậy, sách luôn giữ vai trò riêng, khó bị thay thế hoàn toàn.
Không quay lưng, luôn tìm tòi
Ngoài laptop, giáo trình, ba lô của Đỗ Ngọc (sinh viên Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP HCM) luôn có sách. Tranh thủ giải lao giữa các tiết hay chờ bạn bè họp nhóm, Ngọc lại mang sách ra đọc thay vì lướt mạng giết thời gian. Trương Thanh Tuấn (Trường Cao đẳng Nova) cũng có thói quen này. Anh thích những đầu sách liên quan đến lĩnh vực quan hệ công chúng để mày mò, nghiên cứu thêm kiến thức bên cạnh những gì đã được trang bị ở trường.
Với Linh Thảo (áo dài), Mỹ Linh (đầm trắng), Huyền Trinh (áo đen) và Thảo Vy thì sách như người bạn, người thầy .Ảnh: QUỐC THẮNG
Nguyễn Thị Huyền Trinh - đồng môn của Tuấn - thì hay đọc sách khi... mất năng lượng nhất. Trinh học được nhiều từ sách và yêu các tác phẩm về chủ đề nhân sinh. "Một cuốn sách hay tựa như làn nước nhẹ nhàng chảy vào tâm hồn đầy bão giông của tôi mỗi khi bế tắc. Sách dạy tôi rằng: Mỗi khi cái sợ nổi lên, hãy nhận diện và mỉm cười với nó, sự lo sợ sẽ mất đi một phần sức mạnh. Khi nó trở lại tiềm thức của ta, nó trở thành một hạt giống nhỏ hơn trước" - Trinh kể.
Trần Thị Linh Thảo (quê Bến Tre) thì không chỉ đọc mà còn trao đổi cùng bạn bè về ấn phẩm tâm đắc. Thảo tiết lộ bản thân là người hướng ngoại, dễ tạo sự vui vẻ cho mọi người. Tuy nhiên, vì nhận thức rằng ranh giới giữa sự hài hước ý nhị và... vô duyên, nhảm nhí đôi khi gần nhau nên Thảo chăm đọc để làm giàu vốn từ và vốn sống, nâng cấp mình thành phiên bản có chiều sâu trong tư duy, tinh tế hơn trong hành xử và phát ngôn. Nhờ đọc nhiều nên mới đây, khi viết kịch bản cho một sự kiện, Thảo vận dụng được vô số từ ngữ hay, sáng tạo các ý tưởng đặc sắc.
Audiobook showroom Voiz FM tại Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam 2023 được nhiều bạn trẻ thích thú tìm đến trải nghiệm. Ảnh: Voiz FM
Vũ Đình Thảo Vy (20 tuổi, quê Lâm Đồng) gọi sách là bạn thân. Cô tìm đến sách không chỉ vì muốn học hỏi điều mới mà còn để chữa lành. Vy tâm sự: "Tôi tôn trọng sự đa dạng từ người bạn ấy nên không trung thành với bất kỳ thể loại, đề tài hay tác giả nào". Cô ưa đọc những thứ khiến mình tò mò. Đó có thể là chuyện của "cậu bé bị ép lớn Zezé" trong "Cây cam ngọt của tôi", nạn phân biệt chủng tộc trong "Giết con chim nhại" hay trở lại quá khứ với "Lược sử loài người"...
Sức hút của sách nói, sách điện tử
Thảo Vy cho rằng bạn trẻ đang tạm chia ra 3 "phe" là ủng hộ sách giấy, sách điện tử và trung lập. Vy nói: "Trái tim tôi chọn sách giấy nhưng lý trí thì chọn sách điện tử. Tôi thích cảm giác cầm sách giấy song sách điện tử lại cho tôi sự tiện dụng. Đặc biệt, tài liệu nước ngoài có thể đọc trên sách điện tử với giá rẻ". Theo cô, chọn sách giấy hay sách điện tử tùy thuộc mỗi người và "gặp gỡ" sách ở bất kỳ hình thức nào đều phản ánh tình yêu với việc đọc.
Trần Thị Mỹ Linh (19 tuổi, ngụ quận 10 - TP HCM) thì thích cuốn "Tô bình yên - Vẽ hạnh phúc". Cô tin là số đông bạn trẻ vẫn quan tâm đến sách, song sách giấy không còn là lựa chọn số một khi việc đọc sách, nghe sách trên thiết bị di động nhỏ gọn, mức giá dịch vụ phải chăng... mang đến nhiều tiện ích cho người trẻ chuộng công nghệ hơn.
Sự kiện “Người làm sách kể chuyện” do NXB Tổng hợp TP HCM tổ chức tại Đại học FPT được sinh viên hưởng ứng nhiệt tình. Ảnh: Quỳnh My
Cùng với sách điện tử, sách nói đã phát triển mạnh mẽ. Những ứng dụng Voiz FM, Fonos, Soundio... ngày càng quen thuộc. Anh Lê Hoàng Thạch, Người sáng lập sách nói Voiz FM, cho biết: "Hiện tại, gần 70% khách hàng của Voiz FM trẻ ở độ tuổi 18-35, trong đó đối tượng tập trung hơn là 25-35 vì họ có thời gian tương tác thường xuyên và sẵn sàng chi trả cho nội dung hơn. Họ tuy trẻ tuổi nhưng cũng đã có kinh nghiệm sống nhất định nên rất chú trọng trải nghiệm với sản phẩm. Vì thế, bên cạnh mở rộng kho nội dung phong phú và phù hợp với thị hiếu, Voiz tiếp tục nâng cao chất lượng thu âm, hậu kỳ, đồng thời lập trình ứng dụng sao cho mượt mà, ít giật lag hay hao pin, bổ sung nhiều tính năng như tìm kiếm thông minh, tùy chỉnh độ phân giải audio, sắp xếp thư viện cá nhân...".
Đáng chú ý, chỉ với nhân sự hơn 10 người, toàn bộ đều là người Việt và được đào tạo ở Việt Nam, Voiz FM đã tạo ra được một ứng dụng có hơn 2 triệu người dùng, hơn 3.000 nội dung sách nói, đạt điểm hòa vốn chỉ sau 3 năm. Kỳ tích này không chỉ chứng minh tiềm năng "màu mỡ" của mảng sách nói mà còn khẳng định khả năng và khát vọng của nhà làm sách nội địa.
Chị Đặng Quỳnh My, chuyên viên truyền thông Nhà Xuất bản (NXB) Tổng hợp TP HCM, nhấn mạnh nỗ lực đến gần độc giả của các đơn vị xuất bản, công ty sách... là quan trọng. Không chỉ thực hiện việc kinh doanh, phát hành qua hệ thống cửa hàng sách của đơn vị, đối tác và các sàn thương mại điện tử, mà NXB Tổng hợp TP HCM đã liên tục tăng cường các sự kiện ở Đường sách TP HCM, đưa sách hợp đối tượng vào các trường học từ THCS, đến THPT, ĐH, mở rộng phạm vi phủ sóng sách ra nhiều tỉnh, thành... Những buổi giao lưu, tương tác, trò chuyện chủ điểm... được bạn trẻ hưởng ứng sôi nổi.
Thầy Võ Kim Bảo (Trường THCS Nguyễn Du - quận 1, TP HCM) nhận định cần kết hợp nhiều biện pháp để nâng cao văn hóa đọc. Người lớn phải làm gương. Ba mẹ, thầy cô đọc sách thì mới tạo ảnh hưởng tốt được cho con em. Lượng người trẻ tham dự các hội sách, các group đọc sách... vẫn rất đông đảo. Mặt khác, việc đọc của một bộ phận giới trẻ còn chưa đều, chủ yếu phục vụ nhu cầu giải trí hơn học tập. Xã hội có xu hướng thực tế nhiều hơn, các sách văn chương ủy mị, sách dạy đạo đức, lối sống khô khan dần không phù hợp. Trong khi đó, nhiều người lại bị hấp dẫn hơn bởi việc đọc những cuốn sách có tác dụng thực tế ngay trong cuộc sống, giúp họ nâng cao chất lượng cuộc sống. Nếu ngại đọc sách giấy thì sách nói và sách điện tử là lựa chọn tối ưu cho bạn trẻ.
Nguyễn Thuận
Bình luận (0)