Khi mối lo ngại về biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường gia tăng, quần áo handmade hoặc secondhand mang đến giải pháp thay thế mang tính bền vững cho dòng thời trang nhanh.
Những món đồ handmade cũng ẩn chứa sự độc đáo, ít đụng hàng nên được bạn trẻ thêm yêu thích
Khái niệm không còn xa lạ
Thời trang bền vững (sustainable fashion hay eco fashion) được hiểu là các sản phẩm từ chất liệu an toàn, có khả năng phân hủy hoặc tái sử dụng với quy trình sản xuất bảo đảm giảm thiểu chi phí tài nguyên, hạn chế xả thải ra môi trường. Xu hướng này đang tạo ra những thay đổi trong cơ cấu ngành công nghiệp thời trang. Một nghiên cứu vào năm 2015 đã chỉ ra 97% nguyên liệu tạo ra quần áo là nguyên liệu mới, chỉ 3% là sử dụng nguyên liệu tái chế. Ngành may mặc nói riêng dùng đến 98 triệu tấn nguyên liệu tài nguyên không tái tạo. Hơn nữa, ngành công nghiệp thời trang toàn cầu thải ra lượng lớn khí nhà kính hằng năm, góp phần gây ra tình trạng biến đổi khí hậu. Đa phần quần áo được sản xuất từ thành phẩm của nhiên liệu hóa thạch nên sẽ khá tốn năng lượng để duy trì quy trình sản xuất so với nguyên liệu tự nhiên hoặc sợi tái chế.
Thời trang bền vững tạo ra phong cách thời trang mang tính nhân văn và thân thiện với môi trường. Việc sử dụng sản phẩm liên quan đến phong cách thời trang bền vững giúp giảm tác động tiêu cực đến môi trường, đây là điều giới trẻ ngày càng quan tâm.
Thời trang bền vững xuất hiện như một giải pháp hữu hiệu khi chỉ cần lượng nước hạn chế trong quy trình nhuộm và tạo ra thành phẩm. Thời trang bền vững cũng giúp tạo ra môi trường làm việc công bằng và an toàn cho người lao động. Hơn nữa, thời trang bền vững cũng an toàn hơn cho người mặc. Với thời trang thông thường, quần áo phải trải qua quy trình tiếp xúc hóa chất kéo dài và lượng hóa chất này có thể gây tác động xấu đến sức khỏe của công nhân và con cái họ. Đó là lý do chúng ta cần phải giặt quần áo trước khi mặc lần đầu và kiểm tra kỹ thông tin sản phẩm. Hơn nữa, những nhãn hàng thời trang bền vững thường phải bảo đảm những yêu cầu khắt khe về nguồn gốc cũng như trách nhiệm xã hội khi bảo đảm quyền lợi công nhân đủ tuổi lao động trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Cuối cùng, thời trang bền vững giúp người dùng ý thức hơn về mặt trái của ngành thời trang, cũng như sự hài hòa trong hệ sinh thái con người và môi trường.
Một thương hiệu thời trang bền vững ở New York
Gen Z - thế hệ mua hàng thông thái
Tại thị trường Mỹ, mỗi khi nói đến việc mua hàng thì khách hàng, đặc biệt là bạn trẻ, rất ưa chuộng những loại vải có nguồn gốc thiên nhiên, handmade, họ cũng có thể cân nhắc mua hàng đã qua sử dụng (secondhand) qua các kênh như Thred Up, Poshmark, hoặc the Real Real.
Với nhu cầu ngày càng cao về thời trang bền vững của giới trẻ, các cửa hàng chuyên handmade, secondhand cũng như các hãng thời trang mới nổi về handmade cũng đã nỗ lực đầu tư, mở rộng phát triển, đáp ứng tốt nhu cầu khách hàng. Ở trung tâm các thành phố lớn, chúng ta cũng dễ dàng bắt gặp những cửa hàng chuyên về mặt hàng này với nguồn hàng phong phú và nhiều mức giá để lựa chọn. Một nhân viên cửa hàng thời trang handmade tại thành phố New York nhấn mạnh với người viết: "Handmade vẫn luôn là xu hướng của nhiều bạn trẻ, đặc biệt là ở trung tâm thời trang như New York, chúng tôi quan tâm đến phong cách ăn mặc cũng như có sự ưu ái nhất định với mặt hàng handmade". Cửa hàng này nhập hàng trực tiếp từ Nhật và Hàn, với nguồn gốc handmade, phong cách may thêu khá hiện đại, kiểu thiết kế bắt mắt dành cho tín đồ thời trang có thể chấp nhận mức giá từ vài trăm USD trở lên, sản phẩm được tuyển chọn bởi chính chủ cửa hàng và cũng là nhà thiết kế thời trang tại New York..
Với nhiều bạn trẻ, thời trang bền vững không chỉ thể hiện hình thức, phong cách cá nhân mà còn cho thấy lối sống tích cực, thân thiện với môi trường của họ
Ở một hội chợ khác tại trung tâm thành phố New York, một nhãn hiệu thời trang mới do nhà thiết kế trẻ đến từ Pakistan lại thổi hồn vào các mẫu những thiết kế lấy cảm hứng từ họa tiết truyền thống nhưng cũng không kém phần hiện đại. Bản thân hãng thời trang có tuổi đời non trẻ mang tên One432 cũng cam kết chia sẻ 50% lợi nhuận trên mỗi món hàng bán ra để tập trung hỗ trợ nghệ sĩ nữ và giáo dục cho trẻ em tại quốc gia này. Nhà sáng lập Ammar Belal là giảng viên tại Parsons School of Design (New York) theo đuổi triết lý "Equal Share" với trọng tâm chất lượng, sự minh bạch trong quy trình sản xuất và trách nhiệm xã hội. Khách mua hàng tại Mỹ có thể ship đến các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Các bạn trẻ tại các thành phố lớn như thủ đô Washington DC còn cân nhắc lựa chọn những mặt hàng đã qua sử dụng (secondhand) với mẫu mã và nhãn hiệu đa dạng. Chỉ với khoảng vài chục USD, sinh viên có thể tìm được những mẫu quần áo, váy, giày dép khá hợp thời, đúng độ tuổi của mình. Hàng hóa thường được tuyển chọn kỹ, kiểm tra nguồn gốc, làm sạch và trưng bày bắt mắt trong những cửa hàng vintage tại trung tâm. Với những dòng thời trang cao cấp thì giá sẽ cao hơn, tùy vào nhãn hiệu cũng như chất lượng món hàng.
Bình luận (0)