Tháng 12-2017, Chính phủ ban hành Quyết định 2080 phê duyệt điều chỉnh, bổ sung Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2017-2025. Trong đề án điều chỉnh bổ sung này không còn đặt những mục tiêu quá lớn.
Điểm tiếng Anh luôn "đội sổ"
Đề án này đặt mục tiêu đến năm 2020, đa số thanh niên Việt Nam tốt nghiệp trung cấp, CĐ và ĐH có đủ năng lực ngoại ngữ sử dụng độc lập, tự tin trong giao tiếp, học tập, làm việc trong môi trường hội nhập, đa ngôn ngữ, đa văn hóa; biến ngoại ngữ trở thành thế mạnh của người dân Việt Nam, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước... Tuy nhiên, để đi đúng định hướng, "tạo bước đột phá về chất lượng dạy và học ngoại ngữ cho các cấp học và trình độ đào tạo"… thì thật không dễ dàng; nếu không có những chính sách và giải pháp khả thi thì nguy cơ đi theo vết xe đổ của Đề án ngoại ngữ 2020 là rất lớn.
Giờ học tiếng Anh của học sinh TP HCM Ảnh: TẤN THẠNH
Một vướng mắc rất lớn của Đề án ngoại ngữ 2020 trước đây là tình trạng thiếu giáo viên ngoại ngữ và hơn nữa là thiếu giáo viên ngoại ngữ đủ chuẩn ở mọi cấp học, đặc biệt là cấp THPT. Tỉ lệ giáo viên tiếng Anh các cấp học phổ thông chưa đạt chuẩn quy định theo khung năng lực ngoại ngữ Việt Nam còn cao (tiểu học 48,1%; THCS 35,8%; THPT 52,9%). Tuy đã là môn bắt buộc từ kỳ thi THPT quốc gia 2015 nhưng sau 7-8 năm triển khai Đề án ngoại ngữ 2020, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) vẫn nương nhẹ khi quy định các địa phương có khó khăn trong tổ chức dạy và học môn ngoại ngữ cho phép học sinh chọn môn thi khác thay thế.
Vì vậy, trong kỳ thi THPT quốc gia 2015, đến 1/3 địa phương có tỉ lệ thí sinh thi ngoại ngữ thấp dưới 50%, trong đó nhiều tỉnh ở biên giới phía Bắc và Tây Nguyên và một vài tỉnh ở ĐBSCL thấp dưới 10%. Trong kỳ thi THPT quốc gia 2016, ở nhiều tỉnh, môn ngoại ngữ mới chính là môn có ít thí sinh đăng ký thi nhất chứ không phải là môn lịch sử.
Ở kỳ thi THPT quốc gia 2015, vùng phổ điểm môn tiếng Anh chủ yếu chỉ tập trung ở mức 2-3,5 điểm và có đến 80% thí sinh có điểm thi dưới trung bình. Trong kỳ thi THPT quốc gia 2016, đến hơn 88% thí sinh có điểm thi dưới trung bình với điểm trung bình bài thi của môn tiếng Anh chỉ là 3,22. Trong kỳ thi năm 2017, tuy điểm trung bình môn tiếng Anh có nhích lên (4,46 điểm) nhưng vẫn "đội sổ" trong điểm trung bình của các môn thi và số thí sinh dưới điểm trung bình chỉ còn 69% nhưng có lẽ do đề thi chỉ tập trung trong nội dung chương trình lớp 12. Ở năm 2018, điểm trung bình môn tiếng Anh tụt xuống là 3,91 (do đề thi khó hơn và có cả nội dung lớp 11) và đến 78,22% thí sinh có điểm thi dưới trung bình môn tiếng Anh.
Chênh lệch các địa phương quá lớn
10 năm sau khi triển khai Đề án ngoại ngữ 2020 (nay chuyển sang Đề án 2080), đến năm 2018, các địa phương vùng cao phía Bắc vẫn cầm đèn đỏ liên tục về điểm trung bình môn tiếng Anh trong kỳ thi THPT quốc gia như Sơn La, Hòa Bình, Hà Giang, Cao Bằng... Đến 93% bài thi tiếng Anh của thí sinh Hòa Bình có điểm dưới trung bình.
Trong khi đó, TP HCM liên tục dẫn đầu cả nước về điểm trung bình môn ngoại ngữ với 5,06. Đây cũng là địa phương duy nhất có điểm trung bình ngoại ngữ trên 5. Hà Nội chiếm vị trí thứ 2 nhưng đến 30% học sinh có điểm thi từ 3 trở xuống. Hai thành phố trực thuộc trung ương khác cũng góp mặt trong top 10 là Đà Nẵng và Hải Phòng, xếp lần lượt ở vị trí 6 và 7.
Điều này phần nào cho thấy lợi thế đô thị trong việc dạy và học ngoại ngữ. Kỳ thi THPT quốc gia quy định miễn thi ngoại ngữ trong việc xét tốt nghiệp THPT cho các thí sinh là thành viên đội tuyển quốc gia dự thi Olympic quốc tế môn ngoại ngữ theo quyết định của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT hoặc có một trong các chứng chỉ theo quy định của Bộ GD-ĐT. Trên thực tế, có đến 80% thí sinh được miễn thi môn tiếng Anh là học sinh của Hà Nội và TP HCM.
Sự chênh lệch kết quả thi này hẳn nhiên thể hiện những khó khăn nhất định trong tổ chức giảng dạy tiếng Anh ở bậc trung học ở các địa phương khác nhau và tiếng Anh vẫn là nỗi lo trong dạy và học, khó khăn trong hội nhập trong khu vực và quốc tế.
Cần đột phá
Dự kiến trong tháng 10-2018, Bộ GD-ĐT sẽ ban hành thông tư về chương trình khung Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể (gọi là Chương trình giáo dục phổ thông mới) theo lộ trình sẽ triển khai ở bậc tiểu học từ năm học 2019-2020, đối với bậc THCS từ năm học 2020-2021 và đối với bậc THPT từ năm học 2021- 2022. Điều này có nghĩa là đối với môn tiếng Anh, các học sinh bậc THPT hiện nay trong vòng 3 năm tới sẽ học (và thi) theo chương trình hiện hành và dự đoán khó lòng có những đột phá về chất lượng dạy và học môn ngoại ngữ trước khi Chương trình giáo dục phổ thông mới được triển khai.
Bình luận (0)