Theo đó, dự thảo bãi bỏ việc chấm chéo, không bắt buộc tổ chức thi cụm. Đây là một quyết định đúng đắn, mang lại nhiều lợi ích và phù hợp với xu hướng hội nhập.
Bãi bỏ thi cụm thì học sinh học ở trường nào sẽ thi ở trường đó thay vì phải tập trung theo từng cụm trường như trước. Thực tế những năm vừa qua, cứ đến kỳ thi là học sinh nhiều nơi phải vượt đèo, lội suối để đến cụm thi, có nơi xa hàng chục km. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý, sức khỏe của học sinh khi phải rời nhà rất sớm; ăn nhờ, ở tạm trong thời tiết nóng bức của mùa thi. Bãi bỏ thi cụm cũng sẽ giúp học sinh tránh được tai nạn giao thông - nỗi lo rình rập trên đường thi; phụ huynh cũng yên tâm hơn khi con em không phải đi xa và có nhiều thời gian chăm lo cho con em trong mùa thi cử.
Lâu nay, chúng ta luôn hô hào chống lãng phí nhưng riêng việc di chuyển từ tỉnh này đến tỉnh kia chấm thi, phí xe, phí ăn ở, giấy đi đường... của cả ngành giáo dục trong một kỳ thi theo mô hình chấm chéo, thi cụm là chắc chắn không nhỏ. Mặt khác, muốn chống bệnh thành tích mà lập ra hình thức thi cụm, chấm chéo rõ ràng không ổn. Bởi lẽ dù có thi cụm, chấm chéo mà không thay đổi được cách coi thi, chấm thi, không thay đổi tư duy thì vẫn không triệt tận gốc căn bệnh thành tích vốn đã ăn sâu trong ngành giáo dục.
Vấn đề quan trọng nhất trong thi cử là làm sao để đánh giá đúng chất lượng học tập, rèn luyện của học sinh. Với chủ trương “nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục”, nếu chúng ta làm đúng thì không việc gì phải chấm chéo, thi cụm. Còn vừa qua, do chúng ta làm không đúng, không triệt để nên dù đã chấm chéo, thi cụm mà chất lượng thì vẫn cứ có vấn đề. Để phản ánh đúng chất lượng giáo dục, phải tìm giải pháp khác chứ không thể bắt học sinh và cả giáo viên phải quá vất vả trong các kỳ thi vốn đã nhiều áp lực.
Bình luận (0)