Học sinh TPHCM trao đổi sau kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2011
Than phiền nhiều về thanh tra ủy quyền
Trong quy chế mới này, 3 nội dung lớn được sửa đổi là bỏ thi cụm, chấm chéo và không còn bố trí lực lượng thanh tra ủy quyền của bộ ở các địa phương.
Trước đó, từ năm 2009, Bộ GD-ĐT đã triển khai hình thức thi cụm, chấm chéo; yêu cầu các sở GD-ĐT sắp xếp ít nhất 3 trường thành một cụm để tổ chức thi. Còn với chấm chéo, mục đích là để tạo khách quan nhưng sự cố 11 tỉnh ĐBSCL “bắt tay nhau” xây dựng hướng dẫn chấm riêng khác với hướng dẫn chấm của bộ xảy ra năm 2011 cho thấy có sự thiếu khách quan trầm trọng. Vì vậy, những sửa đổi trong quy chế thi tốt nghiệp năm nay nhận được sự đồng tình từ các địa phương.
Từng tham gia các hội đồng thi tốt nghiệp THPT, bà Phùng Thị Nguyệt Thu, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Mạc Đĩnh Chi - TPHCM, than phiền nhiều về lực lượng thanh tra ủy quyền của bộ. Tại những hội đồng bà đã tham gia, lực lượng thanh tra ủy quyền có những năm can thiệp quá sâu vào công việc của giám thị đến mức vi phạm quy chế.
Không chỉ có thế, hiệu trưởng một trường THPT khác cho rằng lực lượng thanh tra ủy quyền luôn xung khắc với chủ tịch hội đồng coi thi. Mối xung khắc đó nhiều khi không giải quyết được khiến công việc của chủ tịch hội đồng coi thi thêm căng thẳng. Có lẽ cũng xuất phát từ nguyên nhân trên mà nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng năm nay, Bộ GD-ĐT phải giải tán lực lượng này.
Ông Nguyễn Phạm Đại, Hiệu trưởng Trường THPT Tân Bình - TPHCM, cho rằng những biện pháp như tổ chức thi cụm, chấm chéo, thanh tra ủy quyền thực tế đã mất tác dụng nên Bộ GD-ĐT bãi bỏ, thay vào đó là quyền tự chủ cho các địa phương. Thay đổi này sẽ làm cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay bớt rườm rà, đỡ tốn kém hơn.
Nhiều giáo viên, cán bộ quản lý và cả các chuyên gia giáo dục có chung nhận xét rằng việc giao quyền cho các địa phương là điều tất yếu do nhiều năm nay, Bộ GD-ĐT ôm đồm nhiều việc, lại đưa ra một số giải pháp chưa hiệu quả. Các địa phương, mà cụ thể là giám đốc sở GD-ĐT, được chủ động hơn đồng nghĩa với việc phải chịu trách nhiệm về chất lượng giáo dục và tỉ lệ tốt nghiệp.
Phép thử lòng tự trọng
Mặc dù ủng hộ nhưng nhiều giáo viên, chuyên gia giáo dục không khỏi lo lắng về tỉ lệ tốt nghiệp năm nay vẫn sẽ tăng khi “thành tích” vốn là căn bệnh trầm kha của ngành giáo dục và không thể chữa được trong một sớm một chiều.
Ông Nguyễn Phạm Đại cho rằng ngay cả khi còn chấm chéo, có lực lượng thanh tra ủy quyền mà nhiều tỉnh khó khăn vẫn đạt tỉ lệ tốt nghiệp cao đột biến. Vậy thì liệu khi trao về cho địa phương tự chủ, tỉ lệ tốt nghiệp có tăng lên 100%?
Phải tăng cường kiểm soát, đánh giá TS Nguyễn Kim Dung, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu giáo dục – Trường ĐH Sư phạm TPHCM, cho biết qua theo dõi, tìm hiểu thì những quy định như thi cụm, chấm chéo, bố trí thanh tra ủy quyền phát sinh nhiều phiền toái, tốn kém mà không hiệu quả. Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay, chưa có gì để bảo đảm các địa phương sẽ làm tốt hơn, tỉ lệ tốt nghiệp thực chất hơn. Tuy nhiên, việc trao quyền tổ chức thi cho các sở GD-ĐT là xu thế tất yếu. Vấn đề là phải nâng cao trách nhiệm của sở GD-ĐT bằng chất lượng giáo dục, thể hiện ở tỉ lệ tốt nghiệp và tỉ lệ đậu ĐH-CĐ. Về phía Bộ GD-ĐT, phải tăng cường kiểm soát và đánh giá chất lượng để bảo đảm chất lượng kỳ thi tốt nghiệp THPT công bằng trên cả nước. |
Bình luận (0)