Để chuẩn bị cho công tác thi, tuyển sinh năm 2017, từ giữa tháng 7-2016, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đề nghị các sở GD-ĐT, các ĐH, học viện, trường ĐH đề xuất phương án thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ nhằm giảm áp lực, tốn kém cho xã hội, bảo đảm độ tin cậy, trung thực.
Một kỳ thi có đạt 2 mục đích?
Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga, hiện bộ nhận được nhiều ý kiến băn khoăn, phổ biến nhất là liệu có thể đạt 2 mục đích một cách trọn vẹn với một kỳ thi như hiện nay vì yêu cầu của xét tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ khác nhau? Trên thực tế chỉ có khoảng 60-70 trường ĐH có tính cạnh tranh cao trong tổng số gần 450 trường ĐH, CĐ. Vì vậy, có cần thiết tổ chức thi chung để phục vụ tuyển sinh cho tất cả các trường? Có nên tiếp tục tổ chức thi theo kiểu truyền thống như hiện nay hay chuyển sang phương thức thi hiện đại hơn theo hướng tiếp cận đánh giá năng lực của thí sinh với sự hỗ trợ của công nghệ thông tin?
Góp ý cho kỳ thi tốt nghiệp THPT 2017, GS-TSKH Bành Tiến Long, nguyên Thứ trưởng Thường trực Bộ GD-ĐT, cho rằng nên đưa kỳ thi tốt nghiệp THPT về địa phương. Điều này vừa đúng chức năng nhiệm vụ của các sở GD-ĐT (làm công tác quản lý nhà nước về giáo dục phổ thông thống nhất từ năm đầu cấp đến năm cuối cấp), lại khả thi và nhẹ nhàng cho học sinh, gia đình, cho cả bộ và địa phương. Quy chế thi tốt nghiệp để xét cấp bằng tốt nghiệp nên kết hợp cả kết quả của kỳ thi và kết quả đánh giá thường xuyên của lớp 12. “Điều này buộc học sinh phải cố gắng học tập liên tục, lãnh đạo nhà trường, thầy cô giáo có trách nhiệm cao và tự chịu trách nhiệm của mình trong giáo dục” - GS Long nói.
GS Đinh Văn Sơn, Hiệu trưởng Trường ĐH Thương mại, cho rằng nên mạnh dạn bỏ kỳ thi THPT quốc gia. Thay vì tổ chức thi tốt nghiệp, sẽ là hình thức xét tốt nghiệp. Nói thêm về quan điểm bỏ kỳ thi THPT quốc gia của mình, ông Sơn cho rằng việc xét tốt nghiệp là căn cứ vào cả quá trình học tập và rèn luyện của học sinh. Về lý sẽ chính xác hơn, toàn diện và khoa học hơn. Tất nhiên, việc đánh giá kết quả học tập của học sinh phải khách quan, công bằng.
Phương án tuyển sinh là của các trường
Liên quan đến việc tuyển sinh của các trường ĐH, ông Long cho rằng để các trường được tự chủ tuyển sinh là đúng Luật Giáo dục. Theo chuyên gia này, phương án tuyển sinh bằng kỳ thi đánh giá năng lực như ĐHQG Hà Nội triển khai vừa qua cũng là một mô hình tốt, sau một khóa tốt nghiệp cần có tổng kết, rút kinh nghiệm. Tuy nhiên, cách lựa chọn phương cách tuyển sinh phụ thuộc vào sứ mạng và mục tiêu của từng trường, phát triển trường theo định hướng nghiên cứu hay theo định hướng ứng dụng. Nếu tuyển sinh cho đào tạo ngành kỹ thuật, công nghệ hoặc các ngành nghề đặc thù hoặc các ngành nghề khác thì có thể chọn cách thi khác.
Tuy nhiên, dù theo phương cách nào thì vẫn phải thi và vẫn phải quy định cứng các môn thi công cụ toán, văn, ngoại ngữ vì 3 môn này đánh giá chính xác nhất năng lực của thí sinh, đồng thời là công cụ suốt cho cả quá trình lao động với tư duy sáng tạo sau này. “Nếu Bộ GD-ĐT chuẩn bị đủ và chất lượng ngân hàng đề thi hoặc giao cho một số trung tâm làm ngân hàng đề thi theo chuẩn mực quy định thì công tác tuyển sinh hoàn toàn giao cho các trường” - ông Long cho hay.
Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho hay đến thời điểm này, bộ đã nhận được văn bản của các sở GD-ĐT, các trường ĐH, CĐ đề xuất phương án thi/xét tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ chính quy cho năm 2017 và những năm tiếp theo. Thống kê sơ bộ thì nhiều sở GD-ĐT muốn được chủ động tổ chức thi và xét công nhận tốt nghiệp THPT, trong khi đó, các trường ĐH muốn được tự chủ trong tuyển sinh vào trường mình. Bộ đã thành lập tổ công tác để nghiên cứu, đánh giá, xây dựng phương án tối ưu nhất và sẽ sớm công bố vào đầu năm học tới.
Bỏ thi sẽ tiết kiệm số tiền khổng lồ
Theo GS Đinh Văn Sơn, không nên lấy lý do vì những tồn tại trong giáo dục phổ thông để níu kéo một việc không cần thiết phải duy trì. Trên thế giới hiện nay, có rất nhiều quốc gia không tổ chức thi tốt nghiệp THPT. Thêm vào đó, thực tiễn hiện nay với tấm bằng tốt nghiệp THPT chỉ là điều kiện cần để các thí sinh được dự thi, dự tuyển vào các trường ĐH, CĐ mà thôi. Các trường tổ chức thi tuyển không quan tâm tới hạng bằng tốt nghiệp THPT của thí sinh. Chưa hết, nếu bỏ thi kỳ thi THPT quốc gia thì hằng năm, chúng ta sẽ tiết kiệm được khá nhiều chi phí xã hội với số tiền khổng lồ. Kết quả cuối cùng sẽ vẫn là tốt nghiệp 98%, 99% thậm chí 100% như thi tốt nghiệp hiện nay.
Bình luận (0)