Môn GDCD bậc THPT hiện nay đang quá rối, đó là bức xúc chung của rất nhiều giáo viên đang trực tiếp giảng dạy môn học này. Theo một giáo viên giảng dạy lâu năm, vì tâm lý là môn phụ nên tất cả những kiến thức không thể “nhét” vào đâu được đều đẩy vào môn GDCD, từ việc giảng dạy về luật pháp, kỹ năng, trật tự an toàn giao thông đến giáo dục sức khỏe sinh sản, giới tính… đều là của môn học này.
Một giáo viên còn cười buồn thông tin: Vào mùa cao điểm ôn thi, nhà trường còn đề nghị cắt thời gian học môn GDCD để thời gian học các môn khác. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia giáo dục, sự bất hợp lý không chỉ dừng lại ở việc nhồi nhét kiến thức mà còn là chuyện kiến thức không phù hợp với lứa tuổi và quá hàn lâm, trừu tượng. Theo chuyên gia này, học sinh THPT là lứa tuổi có nhiều thay đổi về tâm sinh lý, vì vậy cần trang bị về kỹ năng sống nhiều hơn chứ không phải là lượng kiến thức hàn lâm, triết học theo phân phối chương trình.
Kiểu như ở lớp 10, các em phải học về thế giới quan duy vật và phương pháp luận biện chứng, tồn tại và ý thức xã hội, thực tiễn và vai trò của thực tiễn đối với nhận thức... Đến lớp 12 thì học về tiền tệ, thị trường, lưu thông hàng hóa. Trong khi những kiến thức triết học này, lên bậc ĐH, các em đều được học chuyên sâu. Sự bất hợp lý này xuất phát từ việc các nhà biên soạn sách không tìm hiểu thực tế.
Chưa dừng lại ở đó, Bộ GD-ĐT còn đưa ra quy chế đánh giá, xếp loại học sinh (Thông tư 58), trong đó môn GDCD tiếp tục gánh chịu sự vô lý khi chỉ có 1 tiết/tuần nhưng cũng phải dùng kết quả để đánh giá học sinh và kết quả đánh giá này là cơ sở quan trọng để xét học lực, hạnh kiểm, xét lên lớp. Giáo viên một trường THPT tại TPHCM cho biết để lách phân phối chương trình môn học này do Bộ GD-ĐT quy định, một mặt, nhà trường vẫn phải giảng dạy bình thường; một mặt, đã biên soạn một chương trình riêng, trong đó nhấn mạnh đến việc giáo dục kỹ năng, định hướng tâm sinh lý cho các em, những việc tưởng chừng nhỏ nhưng lại vô cùng quan trọng trong nhận thức của tuổi mới lớn như thái độ tự tin trước đám đông, làm việc có kế hoạch, thái độ trung thực và kể cả việc tình yêu có trách nhiệm.
ThS Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu, giảng viên Trường ĐH Sư phạm TPHCM, cho rằng: “Các em cần phải được giáo dục để sống trước khi trở thành các nhà khoa học, trong khi việc dạy kỹ năng tại các trường phổ thông hiện nay quá sơ sài, chỉ là vài tiết lồng ghép đơn giản”. Còn một chuyên gia khác thẳng thắn nói rằng bạo lực học đường, nhiều tệ nạn xã hội gần đây xảy ra ở lứa tuổi còn rất nhỏ, vì vậy đòi hỏi môn GDCD phải thay đổi toàn bộ chương trình, trả về đúng chức năng của nó là giảng dạy đạo đức.
Bình luận (0)