Sáng 25-6, thí sinh (TS) của kỳ thi THPT quốc gia 2018 thi môn văn. Theo đánh giá của TS và giáo viên (GV), đề bao quát, bám sát chương trình sách giáo khoa, có đầy đủ các mức độ nhận thức, tính phân loại cao.
Đề văn không quá đánh đố
Cô Nguyễn Thị Kiều Oanh, Tổ trưởng Tổ văn Trường THPT Nguyễn Du (TP HCM), nhận định đề văn năm nay hơn năm 2017 ở những câu hỏi rõ ràng, nhất là phần đọc - hiểu. Phần nghị luận văn học nằm trong chương trình lớp 11 như thông tin của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) trước đó. Ở câu số 4, đề theo hướng mở. Tuy nhiên, hạn chế là đề khá dài, nếu viết tốt, cảm thụ tốt thì thời gian thi 120 phút là không đủ.
Cô Oanh cũng cho rằng cách ra đề văn năm nay là một tín hiệu tốt để triệt tiêu cách dạy và học theo hướng học tủ, học vẹt. Bằng chứng là ở câu nghị luận văn học, tác phẩm được đề cập không mới, không lạ nên với những em hiểu đề sẽ trình bày ngắn gọn, súc tích, những em học "tủ" sẽ trình bày lan man, dài dòng, thậm chí lạc đề.
Thí sinh tại TP HCM xem lại đề thi môn toán chiều 25-6 Ảnh: Tấn Thạnh
ThS Hồ Hoài Khanh, GV văn Trường THPT Đông Đô (TP HCM), nhận định ngữ liệu đọc hiểu của đề rất hay và không quá đánh đố, dự đoán TS sẽ làm rất tốt phần này. Có một điều rất đặc biệt thấp thoáng trong đề thi, đó là thông qua sự ca ngợi về tiềm lực tài nguyên của đất nước đã ngầm ẩn ý về tình yêu và quyết tâm bảo vệ Tổ quốc. Một chủ đề đang rất nóng hiện nay, được lồng ghép khéo léo, tế nhị. "Đề thi có hướng đi sâu vào học thuật. Với đề thi này, buộc TS không chỉ có những kiến thức vững vàng mà còn phải vận dụng thật tốt những kỹ năng làm văn mới có thể đạt điểm tối ưu. Đề có thể hơi quá sức với học sinh khối tự nhiên nhưng rất đúng với học sinh khối xã hội" - ThS Khanh đánh giá.
Cô Nguyễn Thị Thu Tuyết, GV Trường THPT Vĩnh Viễn (TP HCM), nói đề thi đặt ra một vấn đề vừa quen thuộc vừa rất thời sự: Sứ mệnh của mỗi người trong việc đánh thức tiềm lực của đất nước trong cuộc sống hiện nay. Về nội dung, đây là một câu hỏi có ý nghĩa định hướng giáo dục quan trọng đối với thế hệ trẻ, đồng thời mang tính phân hóa TS khá cao, đoạn văn được viết sẽ nói lên rất nhiều về trình độ và kỹ năng của TS.
Tiến sĩ Trịnh Thu Tuyết, nguyên GV ngữ văn Trường THPT Chu Văn An (Hà Nội), cho rằng câu hỏi 4 của đề văn có thể đưa tới những ý kiến trái chiều của học trò về tiềm lực và thực trạng "đánh thức tiềm lực" của đất nước. Tiến sĩ Tuyết băn khoăn đáp án liệu có dung nạp, chấp nhận những ý kiến mở rộng không khi TS có thể đề cập tình trạng chảy máu chất xám (tiềm lực con người)/tình trạng cạn kiệt tài nguyên rừng biển sông đồng... của đất nước? Và đáp án có cho điểm khi TS nhận định câu thơ của tác giả được nêu không còn phù hợp?
ThS Lê Thị Kim Loan, GV văn Trường Phổ thông Năng khiếu ĐHQG TP HCM, cho rằng đề có thể được giải quyết trọn vẹn trong vòng 120 phút với điều kiện TS biết tổ chức thời gian và thành thạo kỹ năng giải quyết đề. Phần khó khăn nhất trong đề là câu nghị luận đòi hỏi kiến thức, kỹ năng và bản lĩnh xử lý đề nhất định ở TS.
Khó đạt điểm toán khá, giỏi
Chiều 25-6, có TS đã khóc khi rời khỏi phòng thi môn toán. Nhiều TS cho rằng đề dài và quá khó.
Thầy Nguyễn Cao Cường, GV toán của Trung tâm Tuyensinh247.com, cho rằng mức độ câu hỏi ở nhận biết, thông hiểu chiếm khoảng 20-25 câu và TS trung bình có thể làm được từ 4-5,5 điểm; TS mức độ khá có thể giải quyết 35 câu đầu tiên và đạt điểm khoảng từ 7-7,4; TS giỏi thực sự mới có thể làm đúng và đạt điểm trên 9. Năm nay, số lượng TS đạt điểm tuyệt đối sẽ không nhiều bởi số lượng câu phân loại TS khá giỏi, khoảng 10 câu có độ khó và kỹ thuật ra đề tốt, không đơn giản với TS.
Thầy Trần Văn Toàn, Tổ trưởng Tổ toán Trường THPT Marie Curie (TP HCM), cho biết một số mã đề bám sát đề thi minh họa mà Bộ GD-ĐT công bố trước đó, từ độ dễ/khó ở từng câu hỏi. Đề cũng thể hiện được sự phân hóa rõ nét khi 20 câu đầu rất dễ, TS dễ dàng có 4 điểm và 20 câu này là để dành cho TS xét tốt nghiệp THPT. Từ câu số 21 đến 35, độ khó có nâng hơn một chút và 15 câu cuối là dùng để xét tuyển vào ĐH, CĐ.
Tuy nhiên, thầy Toàn cho rằng đề thi vẫn thuần về tính toán nhiều quá mà chưa thể hiện bản chất của toán học như nhiều lần Bộ GD-ĐT nói về đổi mới hướng ra đề.
Điểm 8 sẽ không nhiều
Nhận định về phổ điểm môn ngữ văn, cô Phạm Thị Thu Phương, GV văn Trường THCS-THPT Nguyễn Tất Thành (Hà Nội), cho rằng với đề nghị luận xã hội, TS cần có những hiểu biết sâu rộng về vấn đề nghị luận, cần biết kết hợp các thao tác lập luận để tạo lập văn bản. Câu hỏi còn lại của phần làm văn là câu hỏi yêu cầu tạo lập văn bản nghị luận văn học, chiếm 50%/tổng số điểm bài thi. Kiến thức lớp 11 chiếm khoảng 30% trong câu nghị luận văn học. Phần liên hệ với tác phẩm lớp 11 khá cơ bản, không "đánh đố" học sinh nhưng không dễ, tạo nên sự phân hóa khá rõ đối với người làm bài. Phổ điểm sẽ ở mức 6, 7 và số học sinh đạt điểm 8 trở lên sẽ không nhiều như năm trước.
44 thí sinh bị đình chỉ
Ngày 25-6, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Văn Phúc - Phó trưởng Ban Chỉ đạo thi quốc gia - đã dẫn đầu đoàn kiểm tra công tác thi tại 8 điểm thi gồm: Trường THPT Bùi Thị Xuân, THCS Hồng Bàng, THPT Tân Túc (TP HCM), THPT Nguyễn Hữu Thọ, THPT Nguyễn Trung Trực (Long An), THPT Nguyễn Đình Chiểu, THPT Chợ Gạo, THPT chuyên Tiền Giang (Tiền Giang). Ở những điểm thi này, không khí trường thi diễn ra an toàn, nghiêm túc. Đặc biệt, nhiều điểm thi có tỉ lệ TS dự thi đạt 100%. Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc đánh giá cao công tác chuẩn bị, phối hợp tổ chức thi của các địa phương. Tại Long An, do vị trí các điểm thi cách xa nên đề thi được giao trước ngày thi, trưởng điểm thi và lực lượng an ninh phải cắm chốt bảo vệ đề. Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc đề nghị các sở GD-ĐT lưu ý giám thị đối với bài thi tổ hợp vì rất dễ xảy ra sai sót.
Báo cáo nhanh của Sở GD-ĐT TP Đà Nẵng cho biết sau ngày thi đầu tiên, tại 25 điểm thi đều không có TS vi phạm quy chế. Môn văn có 45 TS vắng thi và toán có 52 TS. Tại tỉnh Quảng Ngãi, ngày thi đầu tiên có 47 TS vắng thi, trong đó có 15 TS tự do. Trong ngày thi đầu tiên, các điểm thi diễn ra an toàn, không có sự cố bất thường nào.
Theo ông Hoàng Văn Thi, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Thanh Hóa, ngày thi đầu tiên có 3 TS của tỉnh này bị lập biên bản do mang điện thoại và tài liệu vào phòng thi. Trong buổi sáng thi môn văn có 34.393/34.533 TS (đạt 99,59%); buổi chiều thi môn toán có 34.880/35.060 TS (đạt 99,49%).
Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, cả nước có 44 TS bị đình chỉ thi, 1 TS bị khiển trách do vi phạm quy chế. Trong buổi thi môn văn có hơn 4.100 TS bỏ thi, buổi thi toán có 4.420 TS bỏ thi. Riêng ở 2 tỉnh Lai Châu và Hà Giang, dù địa phương cố gắng khắc phục tối đa nhưng vẫn còn một số TS không đến được điểm thi do sạt lở đất, môn văn có 13 TS, môn toán có 5 TS.
H.Lân - B.Vân - T.Tuấn - L.Anh
Bình luận (0)