Mùa tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2011 đang dần khép lại, nhiều trường phải công bố đóng cửa các ngành học do không tuyển được sinh viên, trong đó hầu hết các ngành lại là sư phạm, dù điểm đầu vào ngày càng thấp.
Chạm sàn vẫn vắng
Năm nay, nhiều ngành học của Trường đH Sư phạm TPHCM cũng chật vật tìm sinh viên.
Trong ảnh: Một giờ học của Khoa Ngữ văn - Trường ĐH Sư phạm TPHCM. Ảnh: TẤN THẠNH
Tại Trường ĐH Đồng Tháp, trong số 721 TS trúng tuyển NV2, có rất nhiều TS chưa đạt tới điểm sàn nhưng trúng tuyển vì thuộc diện ưu tiên. Đáng nói là ngành sư phạm vật lý chỉ có 3 TS trúng tuyển, trong đó 1 TS chỉ đạt 11,5 điểm/3 môn; sư phạm hóa có 5 TS trúng tuyển, trong đó có 1 TS chỉ đạt 10,5 điểm/3 môn, ngành sư phạm địa lý có 4 TS trúng tuyển, trong đó có 1 TS đạt 11 điểm/3 môn. Đặc biệt, ngành sư phạm lịch sử chỉ có 1 TS trúng tuyển. Các ngành học này phải trông chờ vào việc xét tuyển NV3 nhưng chắc chắn là không thể tuyển đủ chỉ tiêu.
Tại các trường khác như ĐH Đà Lạt, ĐH Huế, ĐH Đà Nẵng, ĐH Cần Thơ…, việc tuyển sinh các ngành sư phạm cũng khó khăn dù điểm chuẩn nhiều ngành chỉ bằng hoặc cao hơn điểm sàn 1-2 điểm.
Thừa giáo viên, thiếu chỗ dạy
Đại diện các trường đều cho rằng việc tuyển sinh các ngành sư phạm khó khăn còn là do nhân lực đáp ứng nhu cầu cho các cấp học đã bão hòa. Ông Lê Minh Tùng, Hiệu trưởng Trường ĐH An Giang, cho biết chỉ sinh viên có bằng khá, giỏi mới có khả năng xin được việc, còn lại phần lớn sinh viên tốt nghiệp ở mức trung bình thì vẫn chưa tìm được bến đỗ, đó là chưa kể một lượng sinh viên tốt nghiệp các trường ĐH sư phạm từ TPHCM hoặc tỉnh khác đổ về An Giang khiến lượng sinh viên sư phạm không có việc làm ngày càng nhiều.
Do chế độ đãi ngộ đối với sinh viên sư phạm giảm, lương giáo viên lại thấp nên nghề giáo bây giờ kém sức hút.
Giảm ưu đãi, lương thấp...
Trước thực trạng đầu vào các ngành sư phạm ngày càng đi xuống, nhiều người làm trong lĩnh vực giáo dục bày tỏ sự lo ngại về chất lượng giáo dục trong tương lai. PGS-TS Nguyễn Thiện Tống, Hiệu trưởng Trường ĐH Cửu Long, cho rằng chất lượng giáo viên nay không còn như trước, hiện học sinh giỏi chủ yếu là tự học chứ không hẳn là giỏi do giáo viên. Trước đây, trong 4 ngành học ĐH phải thi là sư phạm, kỹ thuật, nông lâm, y dược thì sư phạm là ngành đắt giá nhất vì có chế độ ưu đãi cao nên thu hút được nhân tài. Còn nay, thật xót xa khi ngành nghề được coi là cao quý lại là một trong những ngành có mức lương thấp nhất.
Nhiều chuyên gia giáo dục ĐH cho rằng hiện chính sách miễn giảm học phí cho sinh viên trường sư phạm không còn hấp dẫn. Chính sách này chỉ có thể thu hút sinh viên đi học chứ không khuyến khích sinh viên tốt nghiệp đi dạy. Ngoài ra, cũng do hiện các trường ĐH sư phạm thiếu sức hút vì chương trình đào tạo quá hẹp, mục tiêu đào tạo hầu như cố định, cứng nhắc: học là để đi dạy chứ không đào tạo khả năng thích ứng với những hoàn cảnh mới. Bên cạnh đó, một phần lỗi nằm ở khâu hướng nghiệp. Thông tin hướng nghiệp thời gian qua chủ yếu là hướng TS vào những ngành dễ đậu, cách thông tin méo mó, không đầy đủ khiến TS đổ xô vào những ngành học lương cao...
Bình luận (0)