Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM hôm qua (13-5), PGS Thọ giơ cuốn sách bìa xanh có tên Việt Nam hướng tới nền giáo dục hiện đại do Nhà xuất bản (NXB) Giáo dục Việt Nam xuất bản năm 2009 với thái độ đầy bức xúc. Ông cho biết tác giả cuốn sách này nguyên là hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân, nguyên phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên, Nhi đồng của Quốc hội, GS-TSKH Nguyễn Đình Hương.
Đảo lộn thứ tự
PGS Thọ cho biết ông phát hiện sự việc này khi chính tác giả chủ động tìm đến nhà riêng của ông để “nói chuyện” vào ngày 7-5 vừa qua. Trong tổng số gần 600 trang này, có tới 350 trang có nội dung “đạo” cuốn sách Các nhà khoa bảng Việt Nam (1075-1919) do ông chủ biên cùng với hai tác giả Nguyễn Thúy Nga và Nguyễn Hữu Mùi, xuất bản năm 1993.
“350 trang trong sách của ông ấy về danh tính, quê quán cụ thể của các tiến sĩ đang được lưu danh tại Văn Miếu-Quốc Tử Giám là mồ hôi công sức của bản thân tôi và các bạn đồng nghiệp sau hơn ba năm tra cứu, chuyển từ chữ Hán Nôm sang tiếng Việt mới ra được công trình này” - PGS Thọ bày tỏ.
Bìa cuốn sách Việt Nam hướng tới nền giáo dục hiện đại đang bị coi là “đạo” cuốn Các nhà khoa bảng Việt Nam.PGS-TS Ngô Đức Thọ (phải). Ảnh: TỐ NHƯ.
“Ông ấy (GS Nguyễn Đình Hương - PV) đã tự đảo lộn tên, địa chỉ từng người theo địa phương và nhận rằng đó là sản phẩm của mình. Cũng là một người có học hàm, học vị GS mà ông ấy không hiểu cái khó nhất của một cuốn sách tiểu sử các nhà khoa bảng Việt Nam là ở việc quy đổi địa danh quê quán của ngót 3.000 tiến sĩ từ địa danh cổ ra địa danh bây giờ. Còn việc sắp xếp lại địa danh tiếng Việt thì với một lệnh cho máy tính, tôi có thể sắp xếp lại theo bất cứ tiêu chí nào. Ở ta, cho đến nay chưa có một cuốn từ điển địa danh nào giúp tra cứu địa danh xưa-nay đến đơn vị xã thôn” - PGS Thọ nói.
Sai kiến thức cơ bản
Cũng theo PGS Thọ, ngoài những nội dung “đạo”, cuốn sách Việt Nam hướng tới nền giáo dục hiện đại có nội dung không chuẩn. Tại trang 26, trong mục 10 nói về “tiến sĩ nho học”, tác giả lại phân tích: “… thi Hội để lấy bằng cử nhân” (trong khi theo kiến thức cơ bản thì thi Hương là lấy bằng cử nhân).
Ngoài ra, tại Mục 4: Chữ Nôm, gần nửa trang, tác giả nói rằng Lý Thái Tổ ra Chiếu dời đô; Lý Thái Tông ban hành bộ Hình thư, rồi chính sách “Ngụ binh ư nông”. “Tất cả những sản phẩm này được viết bằng chữ Hán, sao tác giả lại đưa vào phần chữ Nôm?” - GS Thọ nhận xét. Cũng tại Mục 5: Văn Miếu Quốc Tử Giám, trường đại học đầu tiên thì tác giả chỉ đưa một bức ảnh và vài dòng dẫn giải. Kế đến, sách vừa trích vừa bình lổn nhổn, cố đưa vào các bài Namquốc sơn hà (coi là tuyên ngôn độc lập lần thứ nhất), Bình Ngô đại cáo (coi là tuyên ngôn độc lập lần thứ hai). Giữa đó chêm vào Mục 7:Hịch tướng sĩ- Bài ca xung trận, đại thắng quân Nguyên. Đang nói về chiến thắng quân sự lại ngoằng vào giáo dục: “Đời Trần rất chăm lo chế độ thi cử quy củ...”.
Theo PGS Thọ, đây là những nhầm lẫn nghiêm trọng, không xứng đáng là cuốn cẩm nang, tư liệu có giá trị lưu giữ và tra cứu để “lưu truyền cho đời sau” như Lời giới thiệu của cuốn sách!
Phải xin lỗi công khai
Điều khiến PGS Thọ băn khoăn nhất, theo NXB Giáo dục thì đây là cuốn sách quý gồm nhiều loại tư liệu, nhiều đánh giá về trí thức từ thời phong kiến đến tiến sĩ thời nay. Do vậy, nó được xem như một đề tài khoa học có tính quốc gia nhưng lại xảy ra “đạo văn” và một số nhầm lẫn kiến thức cơ bản. Các nhà nghiên cứu trẻ không để ý cứ trích dẫn từ đây sẽ xảy ra hậu quả vô cùng lớn. Theo ông, GS-TSKH Nguyễn Đình Hương cần trưng ra các văn bản cứ liệu khoa học để chứng minh những kiến thức cơ bản nêu trên là đúng hay sai.
Về cá nhân, PGS Thọ cho biết dù GS Hương có nhận lỗi tại nhà ông, song ông vẫn mong muốn tác giả phải có trách nhiệm với công sức, mồ hôi nhiều năm nghiên cứu của ông và các cộng sự, đồng thời phải thừa nhận và xin lỗi công khai. Ngoài ra, NXB Giáo dục là cơ quan quan trọng của ngành giáo dục, đơn vị thay mặt cho xã hội thẩm định các sản phẩm cũng phải có trách nhiệm về sự đúng đắn của khoa học và quyền tác giả.
Tôi có gì đâu mà phải xin lỗi! . Phóng viên: Có ý kiến cho rằng cuốn sách do GS viết đã “đạo” của một cuốn sách khác. Ông có biết việc này? + NXB Giáo dục đã rà soát và đồng ý để tôi in sách. Tôi có gì đâu để mà đền bù bởi viết cuốn sách này chỉ được hưởng chút nhuận bút. Vì có kiến thức nên trung tâm muốn tôi có “bút tích” để lưu lại cho các cháu sau này. Cuốn sách này tôi phải làm hết 3-4 năm. |
Khi đọc cuốn sách của GS Nguyễn Đình Hương, một bạn đọc nhận xét: 1. Tác giả chưa đưa ra thế nào là một nền giáo dục hiện đại và nếu ở Việt Nam thì nó sẽ như thế nào. (Trích đăng từ blog của PGS-TS Hán Nôm học Ngô Đức Thọ) |
Bình luận (0)