Ghi nhận trong ngày học đầu tiên, nhờ có sự hỗ trợ của phụ huynh, việc học trực tuyến của học sinh tiểu học có phần tạm ổn.
Chỉ học 20-25 phút mỗi tiết
Chị Phan Nga, có con học lớp 3 Trường Tiểu học Hồng Hà (quận Bình Thạnh, TP HCM), cho biết các tiết học của con khá nhẹ nhàng, buổi sáng học 2 tiết tiếng Việt, 1 tiết toán, mỗi tiết chỉ 25 phút. Có một vài em do đường truyền không ổn định nên lúc đầu có trục trặc, không vào lớp học được. Trong giờ học, nhờ thầy cô hướng dẫn tận tình nên các em biết khi nào tắt micro, khi nào bật để phát biểu.
Còn chị Vy, có con học lớp 1 Trường Tiểu học Huỳnh Văn Ngỡi (TP Thủ Đức), nói việc học khá suôn sẻ. Giáo viên vừa dạy vừa lồng các clip vào để các em theo dõi nét vẽ màu. Khi học xong, phụ huynh gửi bài tập cho cô chấm bài. "Do các con còn nhỏ, không được làm quen với học trực tuyến nên bạn nào tập trung tốt thì trả lời tốt hơn các bạn còn lại" - chị Vy nhận xét.
Theo quy định của Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) TP HCM, mỗi tiết học trực tuyến đối với học sinh tiểu học chỉ kéo dài 20-25 phút, mỗi buổi học không quá 4 tiết. Thời khóa biểu chú trọng tiếng Việt, toán. Nhà trường không thực hiện kiểm tra, đánh giá định kỳ với lớp 1, lớp 2; đồng thời bố trí thời gian thực hiện chương trình bảo đảm tính khoa học, không gây áp lực với học sinh. Đối với lớp 3, lớp 4, lớp 5 thì yêu cầu tổ chức rà soát nội dung chương trình, sách giáo khoa (SGK), mức độ cần đạt của từng khối lớp đối với các môn học bắt buộc để điều chỉnh kế hoạch dạy học phù hợp với tình hình cụ thể từng địa phương, nhất là ở các địa bàn dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.
Về phương pháp giảng dạy, thực hiện tinh giản nội dung, tập trung giúp học sinh hoàn thành các nội dung cốt lõi theo hướng giảm mức độ yêu cầu về kiến thức, kỹ năng với từng môn học.
Học sinh lớp 1 tại TP HCM học trực tuyến. (Ảnh: ĐẶNG TRINH)
25 tỉnh, thành dạy học trực tiếp
Thống kê của Bộ GD-ĐT cho biết hiện có 25 tỉnh, thành đang dạy học trực tiếp là Bắc Giang, Bắc Kạn, Bình Định, Cao Bằng, Điện Biên, Gia Lai, Hà Giang, Hà Nam, Hà Tĩnh, Hải Dương, Hải Phòng, Hòa Bình, Kon Tum, Lai Châu, Lào Cai, Nam Định, Ninh Bình, Phú Thọ, Quảng Ninh, Thái Bình, Thái Nguyên, Thanh Hóa, Tuyên Quang, Vĩnh Phúc và Yên Bái. Đây đều là những địa phương đã khống chế hoặc ít bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Trong khi đó, có 14 tỉnh đang kết hợp giữa học trực tiếp và học trực tuyến, học qua truyền hình. Đó là Bà Rịa - Vũng Tàu, Bắc Ninh, Bình Thuận, Cà Mau, Đắk Lắk, Khánh Hòa, Lạng Sơn, Lâm Đồng, Ninh Thuận, Nghệ An, Quảng Nam, Quảng Trị, Sơn La, Thừa Thiên - Huế.
Riêng TP Hà Nội dù nằm trong danh sách các địa phương dạy học trực tuyến (cùng với TP HCM, Đà Nẵng, Đồng Nai, Bình Phước, Bình Dương…) nhưng cũng đã chuẩn bị điều kiện đón học sinh trở lại trường ngay khi dịch được kiểm soát. Sở GD-ĐT Hà Nội yêu cầu các trường chủ động xây dựng các phương án chống dịch Covid-19 trước khi đón học sinh quay trở lại trường khi dịch được kiểm soát; tiếp tục phối hợp với các cơ quan y tế địa phương tiêm vắc-xin cho toàn bộ cán bộ, giáo viên, nhân viên của trường, bảo đảm 100% được tiêm mũi 1.
Theo ông Phạm Xuân Tiến, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, tất cả các trường học của Hà Nội đã tổ chức dạy học trực tuyến theo đúng chương trình của Bộ GD-ĐT. Tỉ lệ học sinh học trực tuyến cao (tiểu học, THCS đạt trên 99%, THPT đạt gần 100%). Dù vậy, quá trình dạy học trực tuyến cũng gặp một số trở ngại, như nhiều học sinh phải dùng chung thiết bị với bố, mẹ; một số học sinh có hoàn cảnh khó khăn thiếu thiết bị học tập trực tuyến. Ngoài ra, điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị của các trường không đồng đều; năng lực ứng dụng công nghệ thông tin của một số giáo viên còn hạn chế…
Linh hoạt, chủ động chương trình dạy
Để ứng phó với dịch Covid-19, Bộ GD-ĐT đã ban hành hướng dẫn thực hiện chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học năm học 2021-2022. Theo đó, đối với lớp 1 và lớp 2, các nhà trường thực hiện nghiên cứu chương trình môn học, các mạch nội dung, kiến thức, chủ đề học tập và nội dung trong sách giáo khoa, từ đó xây dựng các chủ đề dạy học trên cơ sở tích hợp một số nội dung và yêu cầu cần đạt. Ở môn tiếng Việt 1, giáo viên được phép căn cứ vào trình độ học sinh để chủ động phân phối nội dung, thời lượng dạy học, sao cho học sinh đạt được các yêu cầu cần đạt của môn, không để tình trạng học sinh không biết đọc, không biết viết khi lên lớp 2.
Đối với lớp 3, lớp 4, lớp 5, nhà trường tổ chức rà soát lại nội dung chương trình, SGK, mức độ cần đạt của từng khối lớp đối với các môn học bắt buộc để điều chỉnh kế hoạch dạy học phù hợp với tình hình cụ thể tại địa phương. Đối với bậc THCS và THPT, chương trình giáo dục được thực hiện theo nguyên tắc giữ lại yêu cầu tối thiểu cần đạt với mỗi môn học/lớp học; không yêu cầu học sinh thực hiện các nội dung học tập nâng cao, trùng lặp giữa các môn học; một số nội dung cần được tích hợp theo các chủ đề để tiết kiệm thời gian nhưng bảo đảm yêu cầu về kiến thức, kỹ năng.
Bình luận (0)